Tập Cận Bình với chiến lược cổ đại để "phục hưng Trung Hoa"

Kiều Tỉnh |

Lãnh đạo Trung Quốc đưa ra chiến lược "Một vành đai, Một con đường", coi đó là một chiến lược tổng hợp bao gồm các lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự.

Tập Cận Bình với chiến lược cổ đại để phục hưng Trung Hoa - Ảnh 1.

Chiến lược này được coi là đường lối chỉ đạo cho sự phát triển của Trung Quốc thời gian tới.

Ý tưởng "Một vành đai, Một con đường" được hình thành vào đầu tháng 9/2013 khi ông Tập Cận Bình có chuyến công du bốn nước Trung Á đầu tiên sau khi lên nhậm chức, là Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan.

Trong chuyến thăm này, ông đưa ra ý tưởng cần tái thiết "Con đường tơ lụa" xuyên Á trước đây trong Thế kỷ 21.

Tháp tùng Tập Cận Bình có Vương Hộ Ninh, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban chính sách trung ương. Sau khi về nước, ý tưởng này được Vương Hộ Ninh cùng lãnh đạo Trung Quốc nâng tầm lên thành một chiến lược lớn, bao gồm hai bộ phận trên lục địa và trên Biển.

Tập Cận Bình với chiến lược cổ đại để phục hưng Trung Hoa - Ảnh 2.

Tiếp đó, Trung Quốc thành lập Ban chỉ đạo nghiên cứu đưa ra lý luận, phương châm đường lối, cùng các biện pháp chính sách thực hiện.

Trung Quốc cho rằng Mỹ từ lâu nay đã lập được một phòng tuyến hình vòng cung trên chuỗi đảo thứ nhất từ Nhật Bản, Hàn Quốc tới Đài Loan, Australia, New Zealand, Philippines xuống Đông Nam Á vòng qua Ấn Độ Dương tới tận Al-Magrid (Ma-rốc) bao vây Trung Quốc.

Đây là một vòng cung bao vây Trung Quốc, bởi vậy phải có một chiến lược phá vỡ vòng cung "từ Bắc xuống Nam" này của Mỹ.

Tập Cận Bình với chiến lược cổ đại để phục hưng Trung Hoa - Ảnh 3.

Ý tưởng này khiến các nhà nghiên cứu lịch sử quân sự cho rằng Thế chiến lược "Hợp tung Liên hoành" cổ đại nay được tái hiện.

Thời Đông Chu (770 – 256 trước công nguyên), cách đây hơn 2.400 năm, khi đó Trung Quốc có nhiều nước tranh giành thôn tính lẫn nhau, nổi lên 7 nước là Tề, Sở, Yên, Hàn, Triệu, Ngụy, Tần, được gọi là "Chiến Quốc thất hùng".

Nước Tề và nước Tần là hai cường quốc hùng mạnh hơn cả và trở thành đối thủ của nhau.

Bởi vậy, hai nước này đều tìm cách du thuyết các nước nhỏ kết thành liên minh chống lại nước kia, từ đó hình thành thế "Hợp tung", tức liên minh theo chiều Bắc-Nam và thế "Liên hoành", liên minh theo chiều Đông-Tây.

Tác giả của hai chiến lược này là Công Tôn Diễn, Tô Tần và Trương Nghi, nhưng chủ yếu là Tô Tần và Trương Nghi. Tô Tần chủ trương các nước cùng với Yên hình thành thế "Hợp tung" chống lại nước Tề và nước Tần; còn Trương Nghi du thuyết các nước hình thành thế "Liên hoành" với nước Tần chống lại nước Yên, nước Tề.

Tô Tần và Trương Nghi vốn là hai bạn học cùng lớp do Sư phụ Quỷ Cốc Tử dạy dỗ. Nhưng sau khi ra trường, mỗi người đi theo mỗi hướng và phục vụ ở hai chiến tuyến. Trương Nghi giúp vua Tần, con Tô Tần giúp Yên.

Do thế lực của nước Tần không ngừng lớn mạnh, nên đã đánh bại Chiến lược "Hợp tung" của Tô Tần. Các nhà sử học xác định đây là một chiến lược quân sự, ngoại giao nổi tiếng trong lịch sử cổ đại Trung Quốc và ngày nay được lãnh đạo Trung Quốc vận dụng trong Thế kỷ 21.

Tập Cận Bình với chiến lược cổ đại để phục hưng Trung Hoa - Ảnh 4.

Lãnh đạo Trung Quốc cho rằng Liên lục địa Á – Âu chiếm 75% dân số thế giới, trên 60% tổng lượng GDP thế giới, trữ lượng dầu mỏ chiếm 2/3 tổng trữ lượng thế giới. Trong khi đó dân số của ASEAN hiện tới hơn 620 triệu người và GDP tới trên 2.200 tỉ USD.

Đây là một thị trường lớn và có nền kinh tế năng động nhất thế giới, hơn nữa có vị trí chiến lược rất quan trọng trên biển để chống lại thế "Hợp tung" của Mỹ. Nếu nắm được cả lục địa Á – Âu và trên biển, nhất là ASEAN thì có thể chọc thủng thế "Hợp tung" của Mỹ hiện nay.

Theo các học giả Trung Quốc điểm đầu của "Một vành đai, Một con đường" từ nước Anh, tiếp đó kéo sang Đức, Nga và các nước Nam Á, Trung Á nằm dọc theo "Con đường tơ lụa" trước đây, từ đó tái hiện lại "Con đường Tơ lụa thế kỷ 21". Phía đông lấy ASEAN là điểm xuất phát để xây dựng "Con đường tơ lụa trên Biển Thế kỷ 21".

Tập Cận Bình với chiến lược cổ đại để phục hưng Trung Hoa - Ảnh 5.

Chính vì vậy, thời gian qua, lãnh đạo Trung Quốc thay nhau đi du thuyết các nước Châu Âu, lôi kéo họ tham gia vào thế "Liên hoành" mới của Trung Quốc, trong đó lấy Nga và Đức làm mắt xích quan trọng. Đồng thời Trung Quốc thay đổi sách lược ngoại giao đặt quan hệ với các nước láng giềng, nhất là ASEAN lên vị trí hàng đầu để phục vụ cho chiến lược này.

Chiến lược "Một vành đai, Một con đường" chẳng những có ý nghĩa về chính trị, ngoại giao, quân sự mà về kinh tế, như sẽ thúc đẩy kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh mẽ, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Trung Quốc vươn ra làm chủ thị trường thế giới.

Bởi vậy, các học giả Trung Quốc cho rằng thực hiện chiến lược này có thể tạo ra "Mùa xuân thứ hai" cho nền kinh tế Trung Quốc, từ đó góp phần quan trọng thực hiện "Giấc mộng phục hưng Đại dân tộc Trung Hoa" làm bá chủ thế giới.

Giáo sư Vương Nghĩa Quỳ, thuộc Đại học nhân dân Trung Quốc cho rằng đây là một đại chiến lược phát triển, đi sâu cải cách toàn diện chính sách đối ngoại của Trung Quốc, là trọng điểm thực hiện một cuộc cải cách mở cửa mới trong "Thời đại Tập Cận Bình".

Tập Cận Bình với chiến lược cổ đại để phục hưng Trung Hoa - Ảnh 6.

Tuy nhiên, dư luận cho rằng các nước nằm dọc theo "vành đai và con đường" trong chiến lược này đều hoài nghi về ý đồ thực sự của Trung Quốc, thực chất là muốn lôi kéo họ để thực hiện chính sách "phi Mỹ hóa", chống lại Chiến lược "Tái cân bằng Châu Á" của Mỹ.

Vì vậy, họ không mặn mà với sự mời chào của Trung Quốc.

Còn dư luận các nước Phương Tây cho rằng chiến lược này nhằm thực hiện giấc mộng làm bá chủ thế giới thay thế Mỹ, biến Trung Quốc thành một đế quốc mới, nắm quyền lãnh đạo xuyên Âu – Á từ đó hình thành một trật tự thế giới mới thay thế cho trật tự thế giới hiện nay. Vì vậy lãnh đạo Trung Quốc gửi gắm hy vọng rất lớn vào chiến lược này.

Phó Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế Đại học Thanh Hoa Trương Tiểu Kình ngày 2/7/2016 nói với tạp chí The Economist (Anh) rằng chiến lược này vẫn nằm trong giai đoạn "đang nghiên cứu, đang chuẩn bị, đang thử nghiệm" chứ chưa có một bước thực thi cụ thể nào, vì nó đang vấp phải những thách thức rất lớn, như quy mô quá lớn, có tới hơn 900 hạng mục với tổng đầu tư tới trên 890 tỉ USD.

Tập Cận Bình với chiến lược cổ đại để phục hưng Trung Hoa - Ảnh 7.

Hơn nữa, thực chất là mở rộng thực lực mềm của lãnh đạo Trung Quốc để thực hiện "Giấc mộng Trung Quốc". Điều cốt lõi là chiến lược này thách thức rất lớn đối với Mỹ và các nước Phương Tây.

Đại sứ Trung Quốc ở Kazakhstan Diêu Bồi Sinh cũng đánh giá tình hình chính trị các nước Trung Á hiện diễn biến rất phức tạp, nhất là các cuộc "cách mạng màu" đang tác động mạnh mẽ, nên chiến lược "Một vành đai, Một con đường" đang vấp phải nhiều thách thức.

Giáo sư Vương Bằng thuộc Đại học Thanh Hoa cho rằng các nước Châu Âu vẫn tồn tại rất nhiều vấn đề chính trị phức tạp, xã hội không ổn định, đây là những nhân tố đe dọa đối với "Một vành đai, Một con đường".

Báo chí Trung Quốc vừa qua cũng thừa nhận tình hình Châu Á, nhất là các nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia, Singapore cũng rất bất lợi cho "Con đường tơ lụa trên biển Thế kỷ 21", trong khi đó một số nước ở Châu Phi tẩy chay đầu tư Trung Quốc.

Các học giả Trung Quốc cho rằng "Một vành đai, Một con đường" trên thực tế đang bị chững lại, vì vậy Trung Quốc cần phải cân nhắc kỹ tới việc đầu tư vào chiến lược này thời gian tới./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại