Tập Cận Bình và "virus Trung Quốc" phá hoại lợi ích phương Tây

Tuệ Minh |

Một loạt báo chí phương Tây như The Economist hay Time mới đây đã so sánh Chủ tịch Tập Cận Bình với người sáng lập đảng Cộng sản Trung Quốc, Mao Trạch Đông.

Tuy nhiên, chỉ sau ba năm cầm quyền, ông Tập đã nắm trong tay nhiều quyền lực hơn bất kỳ lãnh đạo nào trước đó.

Chủ tịch Tập Cận Bình đứng đầu nhiều “nhóm lãnh đạo nhỏ” do ông tạo ra, các cơ quan quyền lực giám sát tất cả những vấn đề trong nước từ an ninh nội địa, cải cách kinh tế cho tới kiểm soát internet.

Ông cũng đã loại bỏ được một hệ thống quyền lực đồng thuận kéo dài hàng thập kỷ trong một số ít. lãnh đạo cao cấp.

Tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc còn có thêm chức danh mới, đó là Tổng chỉ huy liên hợp quân ủy, càng củng cố thêm quyền lực kiểm soát quân đội của ông.

Chức danh mới của ông Tập tương đương với vị trí “tổng tư lệnh” của quân đội phương Tây. Với chức vụ Tổng chỉ huy, ông Tập đang nắm hai trọng quyền: chỉ huy và tư lệnh trong quân đội Trung Quốc.

“Có trong tay quyền lực “quân chính” và “quân lệnh” đồng nghĩa với việc, Tập Cận Bình có toàn quyền quyết định phát động chiến tranh”, người sáng lập Trung tâm thông tin Kanwa (KIC, Canada) Andrei Pinkov nhận định.

Mao Trạch Đông mới?

Không phải chỉ ở thời kỳ đỉnh cao của Cuộc cách mạng văn hóa Trung Quốc năm 1966-1976, người dân Trung Hoa cho đến nay vẫn thường xuyên tiếp cận với những thông tin ca ngợi lãnh đạo trên phương tiện truyền thông nhà nước, bao gồm các câu chuyện hàng ngày về sự hiểu biết và thành tựu của ông tập cũng như những bài hát, điệu nhảy ca ngợi nhà lãnh đạo đất nước.

Orville Schell, một học giả nổi tiếng người Mỹ, người đứng đầu trung tâm Quan hệ Mỹ-Trung tại Viện châu Á New York, cho rằng: “Sẽ là hơi quá nếu nói rằng ông Tập đang dần trở thành một Mao Trạch Đông thứ hai nhưng những gì chúng ta thấy là một nhà lãnh đạo muốn tập trung quyền lực với những trải nghiệm từ thời Cách mạng văn hóa.

Không mấy ngạc nhiên khi ông Tập sử dụng rất nhiều công cụ từ thời ông Mao như kiểm soát, tuyên truyền, kỷ luật”.

Một số nhà phân tích Trung Quốc cũng đồng ý với quan điểm của ông Schell ở một vài khía cạnh. He Pin, nhà sáng lập Mingjing News, công ty truyền thông Trung Quốc có tiếng ở New York, chuyên về đời sống chính trị của Bắc Kinh, nhận định: “Củng cố quyền lực là điều quan trọng nhất mà ông Tập chú trọng kể từ khi nhậm chức.

Cho dù ông là kẻ độc tài hay nhà cải cách thì việc củng cố quyền lực vẫn là điều kiện tiên quyết để thành công đối với một quốc gia và một đảng”.

“Sai lầm lớn nhất của ông Tập trong những năm vừa qua là cố gắng thay đổi hệ thống, một hệ thống vốn tồn tại từ lâu và gần như vô phương cứu chữa”, ông He Pin nói thêm.

Chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập khởi đầu thuận lợi nhưng ngày càng nhận nhiều chỉ trích. Nguồn: AP
Chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập khởi đầu thuận lợi nhưng ngày càng nhận nhiều chỉ trích. Nguồn: AP

Cuộc chiến dai dẳng

Từ khi lên nắm quyền đến nay, ông Tập dường như dồn mọi năng lượng và nguồn lực vào cuộc chiến chống tham nhũng, một vấn đề mà ông từng nói là “sống còn” của đảng.

Sau khi trừng phạt hàng nghìn quan chức, bao gồm cả “ông lớn” trong ngành công an và hai tướng quân đội đã nghỉ hưu, chiến dịch khổng lồ của ông dường như không thành công như mong đợi và phải hứng chịu chỉ trích vì vấn đề lạm quyền và sử dụng các biện pháp thô bạo của một số nhà điều tra.

Orville Schell cho rằng: “Chắc chắn chiến dịch này rất phổ biến khi mới bắt đầu nhưng sau đó những người bình thường bắt đầu nhận ra rằng nó không có liên quan gì đến họ và cũng không mang lại lợi lộc gì cho họ.

Giờ đây các quan chức và các doanh nhân đều cảm thấy khá bất an bởi hầu hết tài sản của họ đều bị tính là bất hợp pháp. Chiến dịch này sai lầm bởi hệ thống vốn có đã không công bằng và làm nảy sinh tham nhũng”.

“Tôi vẫn công nhận sự thôi thúc của ông Tập là chân thành nhưng mặt khác, cần phải nhìn vào chiến dịch chống tham nhũng trên một bình diện chính trị rộng lớn hơn, đó là tạo nên một sự đồng dạng lý tưởng”, ông Schell cho biết thêm.

Mới đây trên mạng xã hội Trung Quốc xuất hiện hai lá thư nặc danh liệt kê những thất bại của ông Tập trên các mặt trận đối nội và đối ngoại, cáo buộc ông đang dần trở thành “kẻ độc tài” và đang xây dựng kiểu sùng bái cá nhân, đồng thời nhấn mạnh việc nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng chậm cũng như gia tăng căng thẳng tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng.

“Tôi nghĩ rằng những lá thư này phản ánh quan điểm của rất nhiều quan chức, doanh nhân và trí thức. Việc truy tìm người viết những lá thư trên chỉ cho thất rằng những gì được đề cập trong đó đã “đánh trúng tim đen” và đây rõ ràng là một lời cảnh báo với ông Tập”, ông Schell nói.

Nền kinh tế Trung Quốc hiện đứng thứ hai thế giới, đã chứng kiến mức tăng trưởng chậm nhất trong 1/4 thế kỷ qua sau khi chính phủ đã thử nhiều cách nhưng không kéo được thị trường chứng khoán tụt dốc từ mùa hè năm ngoái.

Theo ông Schell, đây là một dấu hiệu nguy hiểm cho việc củng cố quyền lực của ông Tập. “Mọi thứ đều nằm trong bàn tay của ông Tập vì vậy nơi duy nhất mà ông có thể đổ lỗi cho chỉ có thể là tác động từ nước ngoài”, ông nói.

Virus Trung Quốc?

Về vấn đề Biển Đông, nơi Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và hàng hải đối với 5 quốc gia khác, việc Trung Quốc cho xây dựng các hòn đảo nhân tạo và triển khai quân đội đến đây đã làm dấy lên một làn sóng chỉ trích từ dư luận.

Washington còn cam kết sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực này nếu Bắc Kinh tiếp tục lấn tới.

“Xu hướng thù địch của Trung Quốc sẽ làm giảm khả năng hợp tác với Washington của Bắc Kinh và đây là một tình huống cân bằng rất mong manh bởi Trung Quốc không hề có một đồng minh nào”, ông Schell nói.

Bên cạnh những tranh chấp về chủ quyền, Chủ tịch Tập Cận Bình lại phát triển mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc với các quốc gia đang phát triển trong những năm gần đây, vượt mặt cả phương Tây khi “rót” hàng tỷ USD tiền đầu tư lẫn hỗ trợ vào châu Phi, Latin America và Đông Nam Á.

Theo ông Schell, “hành động này đang gây tổn hại cho lợi ích của phương Tây và Mỹ. Trong khi ông Obama không thể tự mình viết một tấm séc lớn cho các quốc gia khác thì ông Tập lại có thể.

Trung Quốc là cường quốc không có một hệ thống kiểm soát quá phức tạp hay đa chiều. Bên cạnh đó, việc đưa tiền cho người khác mà không yêu cầu trả lại là một lời đề nghị hết sức hấp dẫn”.

Ông Schell đã sử dụng cụm từ “virus Trung Quốc” để ám chỉ tác động của cách tiếp cận các mối quan hệ quốc tế của Bắc Kinh. Ông bày tỏ lo ngại rằng những chính sách nội địa cứng rắn của ông Tập sẽ lan tỏa ra cả ngoài biên giới Trung Quốc và “thổi bay” những giá trị dân chủ trên toàn cầu.

Tuệ Minh

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại