Ngày 24/10, Hội nghị toàn thể lần thứ 6 Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 (ĐCSTQ) chính thức khai mạc. Hội nghị sẽ tập trung nghiên cứu hai văn kiện quy tắc mới về quản lý đảng do Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương (CCDI) Vương Kỳ Sơn đệ trình.
Truyền thông Trung Quốc nhận xét, hai văn kiện này sẽ hình thành nên một hệ thống hoàn chỉnh, tránh hiện tượng xuất hiện những "mảnh vỡ" trong quá trình chấp hành kỷ luật.
Theo giới quan sát, là Bí thư CCDI, ủy viên Ủy ban thường vị Bộ chính trị nên Vương Kỳ Sơn được coi là người tiên phong trong chiến dịch chống tham nhũng và là cộng sự ăn ý của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong vấn đề quản lý đảng.
Truyền thông Hồng Kông (Trung Quốc) dẫn lời chuyên gia cho rằng, với thành tích và nhiệm vụ khó khăn trong chiến dịch chống tham nhũng, Vương Kỳ Sơn có thể vẫn tiếp tục nắm giữ vị trí Bí thư CCDI sau Đại hội 19 được diễn ra vào mùa thu năm 2017.
Tuy nhiên, do đến Đại hội 19, Vương Kỳ Sơn (sinh năm 1948) đúng độ tuổi về hưu theo quy tắc "7 lên 8 xuống" thường thấy của ĐCSTQ nên sự đi hay ở của ông đến nay vẫn là một câu đố.
Vương Kỳ Sơn trở thành tâm điểm của Hội nghị Toàn thể lần thứ 6 ĐCSTQ.
Đối với 7 Ủy viên thường vụ của Bộ chính trị Trung Quốc, "7 lên 8 xuống" là một quy tắc ngầm, tức cán bộ 67 tuổi có thể được bầu vào vị trí này, nhưng một người 68 tuổi sẽ "không đủ tiêu chuẩn".
Tập Cận Bình có thể phá "quy tắc ngầm"
Đài phát thanh quốc tế Pháp (RFI) nhận định, chính nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng có ý phá "quy tắc ngầm Trung Nam Hải" nhằm giữ Vương ở lại để sát cánh cùng ông trong chiến dịch chống tham nhũng.
Theo chuyên gia về truyền thông đại chúng Kha Vũ Thiến từ Đại học bang Indiana, Mỹ, nếu để giữ Vương lại mà không đủ khả năng cân bằng với các thế lực chống đối, nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể đối mặt với mạo hiểm.
Chiến dịch chống tham nhũng của hai ông Tập, Vương đã gây ảnh hưởng đến nhiều nhóm lợi ích nên các nhóm này sẽ coi quy tắc "7 lên 8 xuống" là lý do và căn cứ tự nhiên nhất buộc Vương phải về hưu.
"Điều này cũng có thể thúc đẩy ông Tập tăng cường chú trọng 'nhận thức chung', đồng thời đưa ra những thỏa hiệp và nhượng bộ quan trọng cho thế lực chống đối", chuyên gia phân tích chính trị June Teufel Dreyer, Đại học Miami (Mỹ) nhận định.
Vương Kỳ Sơn "úp mở" chuyện đi hay ở?
Nếu được ở lại sau Đại hội 19, văn kiện hội nghị 24/10 được đánh giá là "vũ khí" đặc biệt của Vương Kỳ Sơn.
Trả lời phỏng vấn Đài phát thanh quốc tế Pháp RFI, Kha Vũ Thiến cho biết, Vương Kỳ Sơn đã từng nhiều lần công khai nói về việc nghỉ hưu. Tuy nhiên, theo Kha, đây có thể chỉ là cách thăm dò chính trị.
Trước đó, vào ngày 15/11/2012, khi trúng cử trở thành Bí thư CCDI, Vương từng nói "vì lý do tuổi tác, có lẽ [tôi] chỉ nhậm chức một khóa Bí thư CCDI".
Bà Kha đánh giá, cách Vương dùng chữ "hoặc" cho thấy Vương vẫn chưa nói hết "điều muốn nói".
Đặc biệt, tháng 4/2015, trong buổi trò chuyện với hai học giả người Mỹ, Vương từng "than phiền" về những khó khăn trong quá trình chống tham nhũng nhưng theo Kha, buổi trò chuyện này thực chất đã phát đi tín hiệu muốn liên nhiệm của Vương.
Nhà phân tích chính trị tại Bắc Kinh Chương Lập Phàm lại nhận định, nội bộ ĐCSTQ đang đối diện với một cục diện "mất cân bằng", hai văn kiện được thảo luận tại Hội nghị toàn thể lần thứ 6 (24-27/10) có thể sẽ là "vũ khí" giúp Vương Kỳ Sơn tiếp tục nắm giữ vị trí quan trọng sau Đại hội 19.
Đa chiều (Mỹ) kết luận, dù Vương có về hưu hay không, hội nghị lần này sẽ là lần "tỏa sáng" quan trọng nhất của ông trước khi kết thúc năm năm nhiệm kỳ.