Tăng thuế xăng dầu: Đề xuất của Bộ Tài chính vấp phải ý kiến cảnh báo của hàng loạt cơ quan

Hoàng Linh |

Bộ Công thương, Giao thông Vận tải, Kế hoạch đầu tư đều bày tỏ ý kiến trước những tác động xấu mà việc tăng thuế bảo vệ môi trường của mặt hàng xăng dầu có thể tác động đến kinh tế và cuộc sống của người dân.

Tăng thuế môi trường vào xăng dầu: Lý do chưa thuyết phục

Với lý do giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam đang thấp hơn 120 nước, trong đó có nhiều nước thuộc khối ASEAN và châu Á, cùng với việc cắt giảm mức thuế nhập khẩu theo các hiệp định thương mại tự do nên số thu hoạt động nhập khẩu xăng dầu liên tục giảm qua các năm, Bộ Tài chính vẫn bảo lưu quan điểm phải điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường lên mức phù hợp.

Theo đó, đề xuất mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng lên kịch trần là 4.000 đồng/lít, dầu là 2.000 đồng/lít.

Bên cạnh xăng dầu, hàng hoá thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường như than đá, túi nilon… trong quá trình sử dụng gây tác động xấu đến môi trường cũng thuộc diện đề xuất tăng thuế.

Tăng thuế xăng dầu: Đề xuất của Bộ Tài chính vấp phải ý kiến cảnh báo của hàng loạt cơ quan - Ảnh 1.

Mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng được đề nghị mức kịch trần là 4.000 đồng/lít, dầu là 2.000 đồng/lít.

Đây không phải là lần đầu tiên Bộ Tài chính đưa ra phương án tăng kịch trần khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Tuy nhiên, cũng như những lần trước, đề xuất của Bộ Tài chính vấp phải nhiều phản ứng và ý kiến trái chiều của chuyên gia kinh tế và người tiêu dùng.

Trong văn bản trả lời góp ý của các bộ ngành tới Bộ Tài chính liên quan đến luật thuế này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cơ quan chủ quản về giá xăng dầu cần phải lượng hóa các tác động xấu. Riêng Bộ Công Thương đề xuất ý kiến tính toán thận trọng các phương án thay đổi thuế, bởi đây là mặt hàng thiết yếu và là nguyên liệu đầu vào quan trọng cho quá trình sản xuất kinh doanh. 

Cơ sở khoa học yếu và việc đánh giá tác động chưa toàn diện cũng là nguyên nhân khiến Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa ra những cảnh báo đáng lưu ý cho Bộ Tài chính. Căn cứ tăng thuế vì so sánh giá xăng Việt Nam "hiện thấp hơn 120 quốc gia" khó có thể là cơ sở khoa học phù hợp, bởi giá xăng thấp đặt trong bối cảnh thu nhập của người dân thấp, thay vì cao như nhiều quốc gia khác.

Về phía các chuyên gia, TS. Ngô Trí Long (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính), nhấn mạnh, việc thu thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu chỉ nên dùng để chi cho môi trường chứ không nên dùng để bù đắp vào ngân sách thiếu hụt.

Phân tích của chuyên gia Ngô Trí Long chỉ ra rằng, thay vì chỉ tập trung vào tăng thuế xăng dầu – một cách dễ làm nhất, thì Bộ nên có biện pháp mở rộng thu khác, tái cơ cấu thu – chi xăng dầu, bởi trong tái cơ cấu, không chỉ có tăng thu mà giảm chi nhiều khoản.

"Đánh vào thuế môi trường với mặt hàng xăng dầu để tăng thu ngân sách là chọn cách dễ dàng nhất, nhưng lại không dễ dàng với doanh nghiệp và người tiêu dùng", ông Ngô Trí Long nhấn mạnh.

Theo ông Long, mặt hàng này đang phải cõng quá nhiều loại thuế và phí. Nếu tăng thuế, sẽ kéo theo giá xăng dầu trong nước sẽ tăng theo, chi phí đầu vào của hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ tác động đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tăng thuế môi trường xăng dầu: Doanh nghiệp và người tiêu dùng gánh chịu

Dưới góc nhìn của chuyên gia Lê Đăng Doanh (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), việc Bộ Tài chính muốn tăng thêm nguồn thu là điều có thể giải thích, bởi năm nay, các nguồn thu từ thuế nhập khẩu sẽ bị giảm do thuế nhập khẩu giảm từ 5% xuống 0%.

Các lần điều chỉnh tăng thuế xăng dầu trong hoàn cảnh giá dầu thô thấp là hợp lý. Tuy nhiên, hiện nay, giá dầu thô từ đầu tháng 5 đã tăng vọt lên 70 USD/thùng và được dự báo có thể tăng lên đến 100 USD/thùng. Nếu đề xuất được thông qua, tăng thuế bảo vệ môi trường tăng lên mức kịch trần 4.000 đồng/lít, sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, tạo ra gánh nặng cho doanh nghiệp khi phải tăng chi phí đầu vào và giá thành sản phẩm. Điều này cũng  ây ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng.

"Nếu giá xăng dầu tăng sẽ kéo theo chi phí vận tải, bốc xếp tăng. Điều này lại đi ngược với chỉ đạo giảm chi phí Logistic xuống 50% của Thủ tướng chính phủ. Nhìn rộng ra, chi phí và giá sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam trở nên đắt đỏ, giảm khả năng cạnh tranh rất nhiều", chuyên gia Lê Đăng Doanh nói.

Theo chuyên gia Lê Đăng Doanh, Bộ Tài chính có thể xem xét các nguồn tăng thu khác, song hành với giảm bội chi.

Tăng thuế xăng dầu: Đề xuất của Bộ Tài chính vấp phải ý kiến cảnh báo của hàng loạt cơ quan - Ảnh 2.

Các chuyên gia đề xuất Bộ Tài chính xem xét về đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu và gia tăng nguồn tăng thu khác.

Trước đó, trong hội thảo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách, TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Trung Quốc cho rằng, nếu đánh giá về mặt ô nhiễm thì than đá là sản phẩm ô nhiễm hơn xăng dầu rất nhiều. Do vậy, vị chuyên gia cho rằng, nên cân nhắc điều chỉnh tăng thuế môi trường đối với than thay vì mặt hàng xăng dầu.

Kể từ thời điểm Luật thuế BVMT có hiệu lực thi hành (ngày 1/1/2012) đến nay, mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm than đá đều ở mức tối thiểu trong khung thuế. Trong đó, than nâu, than mỡ, than đá khác: 10.000 đồng/tấn (khung thuế từ 10.000-30.000 đồng/tấn), than an-tra-xít: 20.000 đồng/tấn (khung thuế từ 20.000-50.000 đồng/tấn).

Đề xuất mức tăng thuế môi trường

Xăng: Kịch khung lên 4.000 đồng/lít.

Dầu: Thuế 2.000 đồng/lít. Tổng thu từ dòng thuế xăng dầu sẽ vào khoảng trên 55.000 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 14.368 tỷ đồng/năm.

Than đá: Dự kiến thêm 5.000 - 10.000 đồng/tấn. Tổng số thu khoảng 2.385 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 795 tỷ đồng/năm.

Túi nilon: Đề xuất tăng 10.000 đồng/kg, tổng số thu khoảng 67,5 tỷ đồng, tăng khoảng 13,5 tỷ đồng/năm.

Mặt hàng dung dịch: Đề xuất tăng 1.000 đồng/kg, tổng số thu sẽ vào khoảng 63,5 tỷ đồng, tăng khoảng 12,7 tỷ đồng/năm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại