Tăng thuế với TQ: Mỹ đẩy các công ty tới bờ vực phá sản, "móc tiền từ hầu bao" người tiêu dùng

Thi Anh |

Tăng thuế áp lên hàng nhập khẩu đồng nghĩa với tăng thuế lên hàng triệu gia đình Mỹ và khiến nông dân Mỹ đối diện với tình trạng trả đũa, khiến việc làm trong nước bị tê liệt.

Lựa chọn sống còn: Tiếp tục kinh doanh hay đóng cửa?

Suốt 25 năm làm việc với các công ty Mỹ trong ngành công nghiệp thời trang, Karen Biberson - Chủ tịch tổ chức thương mại Accessories Council, không nhớ có thời điểm nào thử thách hơn hiện tại - và tình thế sẽ còn tồi tệ thêm.

"Trước đây chúng tôi cũng có những thời điểm khó khăn. 2008 - khi thị trường sụp đổ - chúng tôi thấy nhiều công ty trải qua giai đoạn hợp nhất, một số phá sản", Giberson nói, "Rất nhiều bạn bè và đồng nghiệp mất việc. Nhưng phải nói là năm ngoái, áp lực mà các công ty của chúng tôi phải chịu từ thuế còn tệ hơn".

Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến thị trường toàn cầu chao đảo khi tuyên bố tăng mức thuế 10% đối với 200 tỉ USD hàng hóa lên 25% kể từ ngày 10/5 tới.

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer sẽ công bố một thông báo để quyết định tăng thuế kể trên có hiệu lực từ "giây phút đầu tiên" của ngày 10/5 sau khi cáo buộc Trung Quốc không duy trì một số cam kết trong vòng đàm phán thương mại ở Bắc Kinh.

Tăng thuế với TQ: Mỹ đẩy các công ty tới bờ vực phá sản, móc tiền từ hầu bao người tiêu dùng - Ảnh 1.

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer. Ảnh: Reuters

"Chúng tôi vốn đã cảm nhận được [áp lực] từ mức 10% và tất cả chúng tôi đều hy vọng sẽ không có thêm 15% thuế bổ sung. Túi sách bằng vải tổng hợp từ Trung Quốc là sản phẩm bị đánh thuế cao nhất, tôi nghĩ vậy", Giberson nói thêm.

Sherrill Mosee, nhà sáng lập công ty sản xuất túi du lịch MinkeeBlue có trụ ở sở Philadelphia, lo ngại bị mất đi nguồn sống của mình. Mosee đặt sản xuất túi ở một nhà máy tại Quảng Châu (Trung Quốc) và vốn đã chật vật với mức thuế 10% từ năm ngoái.

"Nó liên quan tới chuyện tiếp tục kinh doanh hay đóng cửa, bởi tôi không thể chịu nổi mức thuế", Mosee nói.

Mặc dù một số công ty có thể chuyển việc sản xuất khỏi Trung Quốc để tránh mức thuế bổ sung nhưng không phải lúc nào cũng khả dĩ.

Ví dụ như trường hợp của Mosee. Cô hợp đồng sản xuất với các đối tác ở Quảng Châu nhưng tự mình thiết kế và kinh doanh. Mosee không có thời gian lẫn nguồn lực tài chính cần thiết để tìm một nhà máy ở Đông Nam Á, cũng không đủ tiền để chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất về Mỹ.

"Chi phí sản xuất túi ở vào khoảng 98-108 USD/chiếc và đó mới chỉ là chi phí lao động thôi", Mosee nói, "Tôi còn phải mua phụ kiện kim loại và nguyên vật liệu. Vì thế chi phí vốn đã đội lên gần 200 USD. Điều đó có nghĩa là nếu muốn thu lời, tôi cần phải bán với mức giá ít nhất 400-500 USD. Và điều đó là bất khả thi với một doanh nghiệp start-up".

Gánh nặng trên vai người tiêu dùng

Nhiều tổ chức kinh doanh đã phản đối mức thuế mà ông Trump đưa ra trong bối cảnh thương mại. Họ cho rằng cuối cùng người trả giá là người tiêu dùng và các đơn vị nhập khẩu.

Một cựu quan chức thuộc Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cho biết, ông Trump không hài lòng về chiến thuật đàm phán của Trung Quốc mà Lighthizer đã báo cáo. Kết quả là "cơn bão tweet" khiến các cộng sự phải lo ngại.

"Đó có lẽ là cách của Tổng thống nhằm cố gắng tạo thêm đòn bẩy trong đàm phán", cựu quan chức nói trên nhận định, "Nhưng tôi cảm thấy sự thất vọng đang gia tăng".

Phó Chủ tịch phụ trách thương mại quốc tế thuộc Hiệp hội Lãnh đạo Công nghiệp Bán lẻ, Hun Quach, gọi kế hoạch tăng thuế dự kiến của Mỹ là "mức thuế mà gia đình Mỹ chi trả". Bà Hun Quach cho biết người tiêu dùng Mỹ vốn đã phải trả 24 tỉ USD vì các mức thuế mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc.

"Tăng thuế áp lên hàng nhập khẩu đồng nghĩa với tăng thuế lên hàng triệu gia đình Mỹ và khiến nông dân Mỹ đối diện với tình trạng trả đũa, khiến việc làm trong nước bị tê liệt", Quach nói.

"Chúng tôi muốn Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt một thỏa thuận với Trung Quốc, kiểm soát hành vi chống cạnh tranh. Tuy nhiên một thỏa thuận làm tăng thuế lên các hàng hóa thường nhật thì sẽ là thiệt hại đối với các gia đình trung lưu".

Tăng thuế với TQ: Mỹ đẩy các công ty tới bờ vực phá sản, móc tiền từ hầu bao người tiêu dùng - Ảnh 2.

Thuế bổ sung sẽ gây ảnh hưởng tới người tiêu dùng Mỹ. Ảnh: Walmart

Rick Helfenbein, CEO của Hiệp hội May mặc và Giày dép Hoa Kỳ (AAFA), ước tính: Mức thuế 25% đối với hàng quần áo và giày dép sẽ khiến một gia đình trung lưu 4 người ở Mỹ phải tốn thêm 400 USD/năm.

"Những khoản thuế này không phải do các công ty nước ngoài chi trả mà kết quả là giá thành cao hơn, dồn gánh nặng lên người tiêu dùng Mỹ. Chúng chỉ làm tổn thương tới các gia đình Mỹ, người lao động Mỹ, các công ty Mỹ và nền kinh tế Mỹ", Helfenbein nói.

Arnold Kamler, CEO của Kent International, mỗi năm tiêu thuuj 3 triệu chiếc xe đạp cho khách hàng Mỹ cho biết: "10% chỉ là mức thứ nhất, kế tiếp là 25% và 25% thì thật sự khá tồi tệ cho ngành công nghiệp".

Một công ty lớn như Kent có nhiều lựa chọn. Kent có một cơ sở sản xuất liên doanh ở Thượng Hải rồi tiến hành lắp ráp và sơn ở nhà máy tại Nam Carolina. CEO Kampler thì có kinh nghiệm sản xuất ở Philippines, Thái Lan, Đài Loan và Trung Quốc. Giải pháp đối với mức thuế 25% là chuyển sản xuất từ Thượng Hải sang Campuchia.

Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng có khả năng làm điều này.

"Tác động mạnh nhất là đối với người nông dân. Chúng tôi đã tổ chức một hội nghị ở nhà máy của mình. Rất nhiều công ty từ Nam Carolina tới. Và trong đó có 1 người nông dân sở hữu 1 trang trại khổng lồ. Khi tôi nói tới khả năng chuyển sản xuất sang Campuchia hoặc nơi nào thuế không tới mức 25%, ông ấy bảo: Tôi chẳng thể nhấc nông trại của mình rồi chuyển nó đi được".

Có thể nói rằng mức thuế hiện tại đã gây thiệt hại cho các công ty và người tiêu dùng Mỹ nhưng mức thuế bổ sung còn khiến những tổn thất này phức tạp hơn.

Jake Parker, Phó chủ tịch hoạt động của Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - Trung ở Trung Quốc cho biết: "[Động thái tăng thuế lên mức 25%] sẽ khiến nhiều công ty phải khổ sở. Tôi biết rằng phần lớn cố vấn [của ông Trump] khuyên ông ấy không tăng lên mức 25%. Nhưng ông ấy thích chơi cò quay Nga (một trò may rủi rất nguy hiểm - ND) mà, đó là phong cách của ông ấy".

Parker kêu gọi "dỡ bỏ toàn bộ các mức thuế đang được áp dụng".

"Cả hai bên [Mỹ và Trung Quốc] cần đạt tiến triển về các thỏa thuận trong tuần này, chứ không phải đưa chúng tôi quay trở về với cuộc chiến thuế quan".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại