Trước đó, trong nhiều thập niên, những hình vẽ kỳ lạ này được cho là mô tả các hoạt động săn bắn của người tiền sử. Tuy nhiên, mới đây, các nhà khảo cổ phát hiện thấy hai trong số những hình vẽ điêu khắc trên các tảng đá bí ẩn giống hệt một ngôi sao trên vũ trụ.
Các nhà khảo cổ ở Ấn Độ cho rằng, những hình vẽ kỳ lạ trên tảng đá tại Kashmir có thể là hình ảnh miêu tả cổ xưa nhất về hiện tượng siêu tân tinh (hay còn được biết tới là một vụ nổ của sao tạo nên các vật thể rất sáng trên bầu trời).
Tảng đá cổ có nhiều hình vẽ bí ẩn ở dãy núi Himalaya. Ảnh: Vahia/Tata Research Institute
Đại diện nhóm nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Mumbai (Ấn Độ), cho biết: "Chúng tôi cho rằng đây không phải là một cảnh săn bắn mà thực chất là một bản đò bầu trời miêu tả vị trí của những chòm sao nổi bật và mặt trăng vào ngày siêu tân tinh lần đầu tiên xảy ra".
Cụ thể, hình vẽ trên tảng đá cổ được tìm thấy ở một bức tường đá ở vùng Burzahama vào những năm 1960. Theo các nhà khảo cổ, tảng đá này có niên đại từ năm 2.100 trước Công nguyên.
Những hình vẽ kỳ lạ mà trước đây mọi người nhầm tưởng là hai người thợ săn, một con bò và hai đĩa bay hóa ra là hai mặt trời. Trong quá trình phân tích, các nhà nghiên cứu cũng bỏ qua giả thiết đó là một mặt trăng và một mặt trời.
Tảng đá tiết lộ về hiện tượng siêu tân tinh cách đây gần 6.000 năm. Ảnh: Vahia/Tata Research Institute
Bởi vì nếu hiện tượng mặt trời và mặt trăng cũng xuất hiện thì cả hai vật thể sẽ không thể cùng sáng chói giống như hình vẽ miêu tả (do khoảng cách như vậy thì trăng chỉ có thể là kỳ cuối).
Mayank Vahia, nhà thiên văn học đứng đầu nghiên cứu cùng các cộng sự đã tìm kiếm hồ sơ thiên văn của các siêu tân tinh để so sánh với các hình vẽ bí ẩn.
Sau đó, nhóm nghiên cứu phát hiện ra hình vẽ chính là mô tả siêu tân tinh HB9, có thể quan sát thấy ở Trái Đất vào năm 3.600 trước Công nguyên, với cường độ sáng của vụ nổ tương đường với ánh sáng của mặt trăng.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra hình vẽ trên tảng đá cổ mô tả siêu tân tinh HB9, xảy ra vào năm 3.600 năm trước Công nguyên. Ảnh: NASA
Điều này cho thấy vụ nổ siêu tân tinh được ghi nhận sớm nhất là diễn ra cách đây gần 6.000 năm.
Nhóm nghiên cứu chỉ ra những đầu mối quan trọng, khi đối chiếu hình vẽ với các chòm sao trên trời thì người thợ săn trùng khớp với chòm sao Orion (chòm thợ săn), con bò tương ứng với vị trí của chòm sao Taurus (chòm kim ngưu).
Hơn nữa, người thợ săn bên phải có thể là chòm sao Cetus (chòm kình ngư) và những con vật còn lại có thể là chòm Andromeda và Pegasus (hay còn gọi là chòm tiên nữ và chòm phi mã). Ngoài ra, hình vẽ giống như cây giáo dài có thể là một dải sao sáng.
Bài viết tham khảo các nguồn: Dailymail, RT