Tăng chi tiêu quốc phòng, Trung Quốc không muốn “lép vế” trước Mỹ?

Hồng Anh |

Quyết định gia tăng chi tiêu quốc phòng được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Khi Trung Quốc tuyên bố gia tăng 6,6% ngân sách quốc phòng vào tuần trước, và cắt giảm đáng kể ngân sách ở các lĩnh vực khác, nhiều nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh đã cảm nhận được mối đe dọa về an ninh ngày càng gia tăng và muốn tăng cường năng lực của quân đội để đối phó với vấn đề này.

Trung Quốc lo đối phó với mối đe dọa an ninh?

Chủ tịch Tập Cận Bình đã chỉ thị cho quân đội cần “nghĩ đến những tình huống xấu nhất, tăng cường huấn luyện và chuẩn bị khả năng sẵn sàng chiến đấu, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích quốc gia”, hãng thông tấn Tân Hoa xã cho biết.

Cam kết bổ sung nguồn lực cho quân đội được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế tồi tệ nhất do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Năm 2020 đánh dấu lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ Trung Quốc không đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Trước đó vào năm 2019, Bắc Kinh đã đặt mục tiêu tăng trưởng từ 6 đến 6,5% và GDP của nước này đã tăng 6,1%, tốc độ chậm nhất trong gần 30 năm qua.

Sau đó, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Trung Quốc phải tạm dừng các hoạt động kinh tế tại nhiều khu vực trong suốt nhiều tuần. Điều này khiến GDP giảm 6,8% trong quý đầu tiên, mức giảm cao nhất mà Bắc Kinh ghi nhận kể từ năm 1976.

Trong lúc nền kinh tế suy yếu, áp lực từ bên ngoài ngày càng gia tăng. Quân đội Mỹ liên tiếp thách thức các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông, trong đó có việc tiến hành các hoạt động tự do hàng hải, triển khai các máy bay ném bom B-1 – mộ trong những vũ khí lợi hại nhất trong kho khí tài của không quân Mỹ tới khu vực.

Khi các số liệu chi tiêu cho năm 2020 được công bố, ưu tiên của Bắc Kinh ngay lập tức được thể hiện rõ. Quân đội cũng chịu “nỗi đau” chung do ảnh hưởng của dịch bệnh với sự gia tăng ngân sách thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua. Nhưng tác động vẫn rất nhỏ so với “cú giáng” mạnh vào các khu vực khác của chính phủ Trung Quốc.

Ngân sách dành cho các dịch vụ công nói chung đã giảm 13,3%, dành cho hoạt động đối ngoại giảm 11,8%, giáo dục giảm 7,5% và lĩnh vực khoa học công nghệ giảm 9,1%.

Nhà nghiên cứu cấp cao Timothy Heath tại Viện Nghiên cứu Rand Corp của Mỹ nhận định: “Ngân sách được đề xuất cho thấy Bắc Kinh cảm thấy không an toàn và chịu sự kiềm tỏa. Sự gia tăng chi tiêu mạnh mẽ trong ngân sách quốc phòng phản ánh lo ngại về gia tăng căng thẳng với đối thủ cạnh tranh hàng đầu là Mỹ”.

Chuyên gia này nói thêm: “Bắc Kinh cũng có nhiều lý do để tăng cường chi tiêu quốc phòng, an ninh, bởi nước này phải giải quyết các vấn đề liên quan đến tình hình bất ổn tại Hong Kong, các tỉnh miền tây hoặc trên khắpđất nước khi tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt và tăng trưởng kinh tế chậm lại do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19”.

Trong khi đó, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm nêu rõ, ngân sách quốc phòng đưa ra phù hợp với thời đại.

“Có thể thấy rõ rằng, thế giới không yên bình. An ninh nội địa và lợi ích nước ngoài của Trung Quốc đang đối mặt với một số mối đe dọa thực sự. Điều hợp lý và cần thiết ở đây chính là chi tiêu quốc phòng của Trung quốc đã gia tăng ở mức độ vừa phải và ổn định”.

Không chịu “lép vế” trước Mỹ

Trung Quốc cho biết, sự gia tăng ngân sách quốc phòng nêu trên là thấp nhất trong nhiều năm qua và nhấn mạnh con số này chỉ là một phần nhỏ khi so sánh với ngân sách quốc phòng của một số quốc gia khác.

Phát biểu trong một cuộc họp báo tuần trước, Zhang Yesui – người phát ngôn Quốc hội Trung Quốc cho biết tổng chi tiêu quốc phòng của nước này trong năm 2019 chỉ bằng 1/4 so với quốc gia có mức chi tiêu quốc phòng lớn nhất thế giới.

Theo Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), quốc gia có mức chi tiêu quốc phòng lớn nhất thế giới hiện nay là Mỹ. Số liệu do IISS công bố vào tháng 2 cho thấy Mỹ đã chi 686 tỷ USD cho quốc phòng trong năm 2019, trong khi con số này ở Trung Quốc là 181 tỷ USD, đứng thứ 2 thế giới trong bảng xếp hạng.

Tuy nhiên, nghiên cứu của các nhà phân tích tại IISS và Quỹ Heritage có trụ sở tại Washington cho biết, khoảng cách giữa ngân sách quân sự của Mỹ và Trung Quốc ở mức rất nhỏ, khoảng 13%. Khi nhìn vào những tiến bộ mà quân đội Trung Quốc đã đạt được kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2013, có thể thấy khoảng cách ngân sách quốc phòng giữa Mỹ và Trung Quốc đang bị thu hẹp dần.

Chỉ trong vài năm qua, Trung Quốc đã đưa vào hoạt động tàu sân bay đầu tiên được sản xuất trong nước – Shandong, khiến tiêm kích tàng hình J-20 trở thành thách thức đối với tiêm kích F-22 và F-35 của Mỹ, tăng cường hạm đội tàu ngầm sử dụng tên lửa đạn đạo, xây dựng căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên ở Djibouti thuộc châu Phi, xây dựng và bồi đắp các đảo nhân tạo ở Biển Đông mà Đô đốc Philip Davidson – Tư lệnh Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương gọi là “Vạn lý trường thành SAM”.

Có thể thấy, với những tiến bộ về quân sự mà Trung Quốc đạt được kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2013, đặc biệt khi Ủy ban Quân sự Trung ương Trung Quốc được tái cơ cấu, rõ ràng Bắc Kinh sẽ không chấp nhận bất cứ sự suy yếu nào của quân đội.

Chuyên gia Bartels cho rằng, việc gia tăng ngân sách quốc phòng là thông điệp mạnh mẽ mà ông Tập Cận Bình muốn gửi tới quân đội Trung Quốc, trong đó khẳng định coi trọng những công việc mà họ đang thực hiện, cũng như cam kết thúc đẩy năng lực quân sự ngay cả trong thời điểm kinh tế đang có những dấu hiệu kém tích cực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại