Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dẫn đầu Ban thường vụ Bộ Chính trị khóa 20 ra mắt báo giới hôm 23-10 - Ảnh: REUTERS
Cuối tuần qua, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Đại hội 20) đã bầu ra Ban Chấp hành trung ương khóa 20 gồm 205 ủy viên chính thức, 171 ủy viên dự khuyết và 133 ủy viên Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương.
Trong bài đăng ngày 23-10, Tân Hoa xã đã giải thích về việc hơn 300 nhân sự cấp cao nhất của Đảng Cộng sản khóa 20 đã được lựa chọn như thế nào, thông qua các cuộc phỏng vấn và sàng lọc kỹ lưỡng từ hàng chục đoàn kiểm tra do ông Tập, người đứng đầu ủy ban trù bị cho Đại hội 20, cử đến.
Bắt đầu từ tháng 7-2021, các đoàn này đã đến các chính quyền địa phương, các cơ quan chính quyền trung ương, các doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị quân đội để lựa chọn các ứng cử viên cho Ban chấp hành trung ương.
"Tổng bí thư Tập Cận Bình đã đích thân lên kế hoạch và triển khai, đích thân chỉ đạo, kiểm tra, chỉ ra phương hướng đúng đắn cho công tác chuẩn bị nhân sự của “lưỡng ủy” (tức Ban chấp hành trung ương và Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương) khóa 20" - Tân Hoa xã viết.
Đây là lần đầu tiên truyền thông nhà nước Trung Quốc xác nhận sự tham gia trực tiếp của ông Tập trong việc thiết lập tiêu chí và sàng lọc các thành viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản khóa 20.
Báo South China Morning Post cho biết theo các tiêu chí được đặt ra, tiêu chí đầu tiên là lòng trung thành.
“Đoàn có nhiệm vụ kiểm tra xem các ứng cử viên có nhất quán cao với sự lãnh đạo cốt lõi của đồng chí Tập Cận Bình về tư tưởng, lập trường chính trị và hành động hay không; liệu họ có kiên quyết thực hiện các chính sách và kế hoạch của ban lãnh đạo trung ương đảng hay không; và liệu họ có tuân thủ nghiêm túc kỷ luật chính trị của đảng hay không”, Tân Hoa xã nhấn mạnh trong báo cáo.
Các tiêu chí khác là liệu ứng viên có khả năng "đấu tranh" với các biện pháp trừng phạt của phương Tây và bảo vệ an ninh quốc gia hay không. “Quyết tâm thúc đẩy đổi mới công nghệ và vượt qua những trở ngại trong nghiên cứu” cũng là tiêu chí quan trọng.
Một số ứng viên sẽ được xét năng lực thực hiện chính sách, chẳng hạn như xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và phát triển khu vực, triển khai các biện pháp đối phó với COVID-19, ngăn lũ lụt...
Các nhóm cũng điều tra kỹ lưỡng tài sản cá nhân của ứng viên, hoạt động kinh doanh của vợ/chồng và con cái của họ, để loại những cán bộ tham nhũng.
Theo báo cáo của Tân Hoa xã, có 20 ứng cử viên không vượt qua được quy trình kiểm tra của cơ quan giám sát tham nhũng của đảng, và do đó không được đưa vào danh sách ứng cử viên.