Tận dụng đà S-400, Nga "ôm mộng" lớn đưa Su-35 vượt mặt F-35 tới Thổ

Phương Đỗ |

Không có được phi cơ chiến đấu F-35 từ Mỹ nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn nhiều lựa chọn khác, bao gồm cả Su-35 do Nga sản xuất.

Trong một động thái đe dọa đào sâu hơn nữa mâu thuẫn quân sự đang ngày càng gia tăng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và NATO, mới đây Bộ Quốc phòng Nga đã đẩy mạnh những nỗ lực nhằm bán cho Ankara các phi cơ chiến đấu Su-35 ngay tiếp theo sau hợp đồng tên lửa S-400, cũng chính là ngọn nguồn dẫn tới việc Thổ Nhĩ Kỳ bị Mỹ "thẳng tay" loại bỏ khỏi chương trình F-35.

Tuần trước, ông Sergei Chemezov, CEO tập đoàn quốc phòng Nga Rostec đã một lần nữa làm rõ dự định của Moscow.

"Nếu các đồng nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ của chúng tôi bày tỏ sự quan tâm, chúng tôi sẵn sàng đàm phán về khả năng bán Su-35", ông Chemezov khẳng định. Phát biểu này cũng đánh dấu việc Nga không còn "khăng khăng" đề nghị bán cho Ankara các máy bay Su-57 sắp ra mắt - như họ từng làm từ đầu hè.

Theo trang National Interest, Su-35 hiện là mẫu phi cơ chiến đấu tối tân nhất của quân đội Nga.

Được thiết kế như một giải pháp tạm thời để duy trì sức mạnh của không lực Nga trong khi chờ đợi siêu máy bay Su-57 hoàn thành, các phi cơ Su-35 là sự kết hợp xuất sắc của hoạt động hiệu quả và đảm nhận nhiều nhiệm vụ, với lớp vỏ hiện đại hóa, hệ thống tên lửa không đối không Vympel R-77 và các tên lửa chống tàu Kalibr phóng từ trên không…

Những gì ông Chemezov tuyên bố cũng thể hiện sự tự tin của Nga vào Su-35. Không giống như Su-57, Su-35 có thể được sản xuất hàng loạt với số lượng vừa đủ đế kịp đáp ứng cho thời hạn giao hàng vào đầu năm 2020 mà Thổ Nhĩ Kỳ đặt ra ban đầu.

Tuyên bố của vị CEO Rostec được đưa ra chỉ hai ngày sau khi Washington chính thức gạt bỏ Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình F-35 – khiến Ankara thiệt hại hàng tỷ USD liên quan hợp đồng sản xuất và chuyển giao công nghệ liên quan tới F-35.

Quyết định có phần "bất đắc dĩ" của chính quyền Tổng thống Donald Trump xuất phát từ những lo ngại của nước Mỹ rằng, việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thử tên lửa S-400 – một "nền tảng thu thập tình báo của Nga", và lắp đặt nó gần với khu vực đỗ F-35, sẽ ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của các máy bay này.

Trong khi đó, từ nhiều tháng trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan từng nhiều lần khẳng định, ông muốn đi xa hơn cả thỏa thuận mua S-400 và đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc phòng Nga – Thổ; bao gồm việc quảng bá kế hoạch hợp tác sản xuất hệ thống phòng thủ tên lửa S-500 sắp tới của Nga.

Cho đến nay, chính quyền Erdogan vẫn giữ bí mật các kế hoạch mua máy bay chiến đấu một cách khá kín kẽ. Bên cạnh Su-35, các lựa chọn khác của Thổ Nhĩ Kỳ - trong trường hợp không có thêm lệnh trừng phạt từ phương Tây, bao gồm máy bay Eurofighter Typhoon của liên doanh đa quốc gia Eurofighter GmbH và Saab JAS 39 Gripen của Thụy Điển.

Tuy nhiên, Su-35 tỏ ra là đối thủ "nặng ký" nhất, đặc biệt trong bối cảnh Ankara từ lâu đã nuôi tham vọng có thể chế tạo mẫu máy bay chiến đấu thế hệ năm của riêng mình là "TF-X". Dự án TF-X nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ chính giới Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên, nó đang vấp phải khó khăn vì giá thành quá cao cũng như những căng thẳng với một nhà cung cấp Anh.

Cuối cùng, những quan chức quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ không ngần ngại đem cả Nga và phương Tây lên bàn trả giá nhằm có được một hợp đồng nhập khẩu có lợi nhất.

Mặc dù gần như không thể xảy ra ở thời điểm hiện tại, nhưng trong tương lai dài hạn, Ankara vẫn có khả năng mua các phi cơ chiến đấu của Mỹ nếu mối quan hệ giữa họ và Washington được hàn gắn và Thổ Nhĩ Kỳ tái khẳng định các cam kết với NATO liên quan tới hạ tầng cơ sở phòng thủ chung.

Trong trường hợp NATO có thể bỏ qua vấn đề thỏa thuận S-400 Nga – Thổ và coi đó là một sự kiện không may mắn chỉ xảy ra một lần, thì một hợp đồng mua Su-35 ký kết giữa Ankara và Moscow chính là sự xác nhận cho điều mà một số nhà phân tích phương Tây đang lo ngại: sự tái định hướng về lâu dài trong các ưu tiên phòng thủ của Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo chuyên gia quân sự Alexander Perendzhiev, các cơ quan an ninh Nga hiểu được điều trên và đang tìm cách tận dụng thực tế rằng, chỉ riêng việc thảo luận công khai về khả năng Thổ Nhĩ Kỳ mua máy bay Su-35 cũng có thể đem lại những ảnh hưởng tiêu cực cho mối quan hệ giữa Ankara và Washington.

Cho dù vậy, Điện Kremlin vẫn hy vọng có thể nhân cơ hội S-400 thành công để đạt được thêm một thắng lợi nữa về cả mặt ngoại giao và kinh tế cho Nga.

Trong một bình luận gần đây về việc liệu Nga bán máy bay cho Thổ Nhĩ Kỳ có phải là nỗi sợ hãi của phương Tây hay không, Phó Thủ tướng Nga Yuri Borisov cho hay: "Tại sao lại không chứ? Đã có tiền lệ từ trước đấy thôi".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại