Tấn công Syria, cử tàu đến Triều Tiên, Trump khoe "cơ bắp" hay việc binh không nề dối trá?

Thủy Thu |

Theo quan chức Nhà Trắng tiết lộ, thời gian Tổng thống Donald Trump lựa chọn tấn công Syria không phải nhằm để gây ấn tượng với người đồng cấp Trung Quốc.

Phô trương thanh thế...

"Tổng thống Donald Trump xoay người trên chiếc ghế ở tư dinh Mar-a-Lago để quan sát tốt hơn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, [Trump] muốn nhìn thấy phản ứng đầu tiên khi Tập Cận Bình nghe tin tức từ ông: Tên lửa Mỹ đang tấn công dữ dội vào một sân bay ở phía Bắc Syria.

Mất vài phút sau, ông Tập mới tỏ ra có vẻ hơi sửng sốt và yêu cầu phiên dịch nhắc lại thông tin trên, ba nguồn tin tiếp xúc với Trump sau bữa tiệc hai tuần trước kể lại. Đây chính là phản ứng mà Trump muốn nhìn thấy - sửng sốt, nửa tin nửa ngờ và một cảm giác: phương thức ngoại giao lý tính và dễ bị nắm bắt của Tổng thống Barack Obama đã nhường chỗ cho sự quyết đoán hơn về sức mạnh Mỹ của Trump", The New York Times (NYT-Mỹ) viết.

Theo báo Mỹ, bằng cách dùng sự ngẫu hứng để tiếp cận những mâu thuẫn trong vấn đề đối ngoại đã khiến cảm xúc, vận may và chỉ số điều tra dân ý của Trump chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Cũng có dấu hiệu cho thấy, phương thức này đã ảnh hưởng tới Trung Quốc khiến Bắc Kinh cuối cùng đã tác động đến Triều Tiên - nước láng giềng thân thiết.

Tuy nhiên, "ý thức trượng nghĩa" và hành động thực tế của Trump - tấn công tên lửa vào Syria, ném bom xuống Afghanistan nhằm tiêu diệt IS lại gây ra những rủi ro nghiêm trọng ở nước ngoài, cũng như có khả năng gặp phải sự phản đối trong nước.

Bởi đa số người Mỹ và hàng loạt cử tri theo chủ nghĩa dân túy ủng hộ ông đợt tranh cử 2016 đều phản đối triển khai quân sự lâu dài ở nước ngoài.

Theo giới phân tích, nguy cơ lớn nhất chính là việc Trump sẽ thuyết phục bản thân tham chiến, nguy cơ ít nguy hiểm hơn chính là, ông sẽ làm suy yếu vị thế của Mỹ sau khi rút lui bằng một đe dọa vũ lực.

"Bắc Kinh, Moscow, Tehran đang tái điều chỉnh chiến lược - bạn không thể phủ nhận điều này - bởi họ hoàn toàn không biết Trump sẽ đưa ra phản ứng như thế nào", Mark Warner -Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ, thuộc Ủy ban tình báo Thượng viện cho biết.

"Điều đó có thể rất tốt trong thời gian ngắn" - ông nói thêm -"Nhưng khi thế giới rất cần đến sự lãnh đạo của Mỹ, điều đó tuyệt đối không phải là chiến lược dài hạn cho vị trí lãnh đạo này".

"Trung Quốc, Nga và Iran đều có những chiến lược dài hạn. Tại sao chúng ta lại không có?", Warner đặt câu hỏi.

NYT dẫn lời một quan chức Nhà Trắng tiết lộ, thời gian Tổng thống Trump lựa chọn để tấn công Syria không phải nhằm để gây ấn tượng với người đồng cấp Trung Quốc.

Nhưng theo quan chức này, việc tiết lộ thông tin trong bữa tối tại Florida rõ ràng đã mang lại bầu không khí đầy kịch tính, có thể khẳng định sự cứng rắn và khó dự đoán của Trump, đồng thời cũng khiến Bắc Kinh buộc phải để ý thái độ của mình với Triều Tiên.

NYT cũng dẫn lời một mật vụ Mỹ cho biết, những điều này sẽ có lợi cho việc khôi phục địa vị của Mỹ trên thế giới.

"Năng lực lãnh đạo nước Mỹ của ông ấy mạnh hơn nhiều so với Obama trong vòng 70 năm sau thời kỳ hậu chiến đến nay", Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Tom Cotton nói về Trump.

Tấn công Syria, cử tàu đến Triều Tiên, Trump khoe cơ bắp hay việc binh không nề dối trá? - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo cho người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình việc Mỹ tấn công tên lửa vào Syria ngay tại tiệc tối. (Ảnh: Reuters)

Hay việc binh không nề dối trá?

Tuy nhiên theo NYT, do một trong những sai lầm phổ biến thường xuyên xuất hiện trong chính quyền Trump (sự thiếu phối hợp) đã ảnh hưởng đến phản ứng của ông đối với Triều Tiên.

Theo đó, khi ông cảnh báo rằng, đang gửi một hạm đội mạnh (hạm đội tàu gồm tàu sân bay hạt nhân Carl Vinson) tới vùng biển bán đảo Triều Tiên thì nhóm tàu này sau đó được phát hiện vẫn đang qua eo biển Sunda (Indonesia) để tham gia tập trận với Australia.

"Lời nói cần phải đi đôi với hành động", Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Jack Reed nói. "Nếu đó chỉ là phô trương thanh thế, kỳ thực rất nguy hiểm. Nếu đó là vì Tổng thống không được báo cáo hoặc nhận thông báo sai thì đó cũng là vấn đề".

Người Hàn Quốc đã rất tức giận, các đầu báo nước này đều gọi sự việc này là "lời nói dối về Carl Vinson của Trump", các chính trị gia cảnh cáo rằng, họ có thể sẽ không tin lời của Tổng thống Mỹ nữa, NTY viết.

Tờ này cũng cho hay, sau một loạt những thất bại của chính sách đối nội, ông chủ Nhà Trắng đã hướng sang chính sách đối ngoại giống như người tiền nhiệm - và nhận thấy rằng, trên phương diện chiến tranh và hòa bình, phạm vi quyền lực của Tổng thống lớn hơn so với lĩnh vực chính sách thuế hay luật chăm sóc sức khỏe.

Bằng hàng loạt lời châm biếm, tweet và những phát ngôn cứng rắn của đội ngũ đại diện như Phó Tổng thống Mike Pence, ông Trump đã xóa bỏ phương châm "nói chuyện nhẹ nhàng và mang theo cây gậy" của cố Tổng thống Theodore Roosevelt.

Tuy nhiên, những phát ngôn của Tổng thống Trump thường đi ngược với chính sách, ví như việc ông từng tuyên bố Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã quá lỗi thời nhưng hiện nay lại bày tỏ ủng hộ khối này.

Mặc dù phát ngôn của Trump có thể gay gắt và thiếu chắc chắn nhưng hành động của ông đã được chứng minh rằng không hoàn toàn như vậy khiến những lãnh đạo của các quốc gia khác vẫn chưa thể nắm bắt chính xác chính sách ngoại giao của Trump.

"Có một ấn tượng là Tổng thống Trump đang rời xa dần những tuyên bố khi còn tranh cử, quay về với xu hướng của đảng Cộng hòa trên các lĩnh vực ngoại giao và an ninh", Đại sứ Đức tại Mỹ Peter Wittig nói. "Nhưng người châu Âu vẫn chưa xâu chuỗi lại những thông tin này và cho rằng: "Đây là học thuyết Trump mới".

Giới phân tích cũng có khi so sánh phương thức ngoại giao thất thường của Trump với cựu Tổng thống Richard Nixon - theo đuổi phương thức mà bản thân Nixon gọi là "lý thuyết kẻ điên".

"Mục đích nhằm vào cả đồng minh và đối thủ, đồng thời đã phát huy tác dụng ở một trình độ nhất định", Eric S. Edelman - cựu Phó bộ trưởng phụ trách chính sách thuộc Bộ Quốc phòng dưới thời Tổng thống George W. Bush nhận định.

Tuy nhiên, ông Edelman cho rằng giữa hai Tổng thống Trump và Nixon có những sự khác biệt. Hành vi thất thường của Nixon nhằm để che đậy một chiến lược được tính toán kỹ lưỡng, điều này vẫn chưa rõ ràng trong cách thức ngoại giao của Trump.

Đội ngũ an ninh quốc gia của Nixon phối hợp ăn ý hơn đội ngũ của Trump, ít nhất tính cho đến thời điểm hiện tại. Thậm chí, ngay cả trong trường hợp của Nixon, "chiến thuật điên" mãi đến nhiệm kỳ sau mới phát huy hiệu quả, khi đó, Nixon và đội ngũ của ông đã có kinh nghiệm dày dặn.

Theo NYT, ông Trump đã nhận được sự tán dương cho hành động tấn công tên lửa vào Syria. Mặc dù sau đó, Tổng thống Mỹ đã nhanh chóng giải thích rằng, hành động của ông xuất phát từ sự tức giận khi người dân vô tội bị tấn công bằng vũ khí hóa học nhưng theo giới chuyên gia, hành động lần này đã được lên kế hoạch chu đáo.

Antony J. Blinken, Phó cố vấn an ninh dưới thời Tổng thống Obama cho rằng, Trump đã có nhiều suy xét hơn trong cách tiếp cận vấn đề Triều Tiên.

Theo đó, ban đầu Trump chọn cách tiếp cận ồn ào hơn, trực tiếp hơn, đe dọa Triều Tiên bằng hành động quân sự nếu nước này không kiềm chế hàng vi thách thức.

Nhưng sau những tuyên bố cứng rắn, ông lại theo đuổi chính sách không khác người tiền nhiệm: Tăng cường lệnh trừng phạt kinh tế với Bình Nhưỡng, buộc nước này phải đưa ra nhượng bộ.

Theo Blinken, vấn đề nằm ở chỗ, cách tiếp cận của Trump có sự sai khác giữa lời nói và hành động.

"Bạn có nguy cơ bị người khác đánh giá sai từ sự phô trương thanh thế", Blinken nói. "Chúng tôi luôn cho rằng, cách tiếp cận tốt hơn chính là 'nói chuyện nhẹ nhàng nhưng rõ ràng và mang theo cây gậy".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại