Thông điệp từ cuộc hội đàm giữa ông Abe và ông Mattis tại Tokyo là sự xác nhận đầu tiên của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan đến vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Trung Quốc và Nhật Bản đang tranh chấp chủ quyền.
Theo Kyodo News, động thái trên cho thấy chính quyền mới của Mỹ sẽ không gián đoạn xu thế tăng cường quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật, vốn được củng cố mạnh mẽ dưới thời Tổng thống Barack Obama, như một cách kiềm chế Trung Quốc.
Trước đó, lập trường của chính quyền Trump về phạm vi áp dụng Hiệp ước trên từng gây nhiều nghi ngại và đồn đoán trong giai đoạn trước khi ông Trump nhậm chức.
Điều 5 trong Hiệp ước an ninh song phương, được tái ký năm 2014 với nhiều điều khoản bổ sung cụ thể, quy định nếu lãnh thổ Nhật Bản bị xâm phạm bằng quân sự, Mỹ sẽ chi viện đồng minh căn cứ theo luật pháp liên bang.
Chính quyền ông Obama cũng đặt Senkaku/Điếu Ngư vào phạm vi áp dụng Hiệp ước, nhưng duy trì thái độ trung lập về tranh chấp chủ quyền giữa Trung-Nhật và kêu gọi hai nước đàm phán để giải quyết.
Bộ trưởng Mattis (trái) gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Văn phòng thủ tướng ở thủ đô Tokyo hôm thứ Sáu, 3/2 (Ảnh: Reuters)
Chiều cùng ngày (3/2), chính phủ Trung Quốc lập tức lên tiếng chỉ trích thái độ mới nhất của Mỹ.
Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng gọi Hiệp ước Mỹ-Nhật là "một di sản của Chiến tranh Lạnh" và không nên gây tổn hại "quyền, lợi ích của Trung Quốc về chủ quyền lãnh thổ".
"Chúng tôi thúc giục phía Mỹ có thái độ trách nhiệm, chấm dứt mọi phát ngôn sai lầm về vấn đề chủ quyền đảo Điếu Ngư, tránh làm phức tạp các vấn đề liên quan và tạo ra các nhân tố bất ổn cho tình hình khu vực," ông Lục nói.
Cuộc gặp Abe-Mattis hôm 3/2 là lần đầu tiên Thủ tướng Nhật tiếp xúc với một thành viên chính thức của nội các Mỹ. Cuộc hội đàm kéo dài 1 giờ đồng hồ, được truyền thông Nhật Bản đánh giá là "hiếm có" đối với quy cách tiếp xúc ngoại giao giữa nguyên thủ với một Bộ trưởng nước ngoài.