Ngày 16 tháng 2 vừa rồi, tỷ phú, nhà từ thiện, nhà sáng lập Microsoft Bill Gates đã xuất bản một cuốn sách mới nhất của ông với tựa đề: "How to avoid a climate disaster" (tạm dịch là "Làm thế nào để tránh một thảm họa khí hậu").
Gates nổi tiếng với các dự đoán về tương lai, như một đại dịch toàn cầu COVID-19 đã được ông nhìn thấy từ 6 năm trước. Trong một bài thuyết trình tại TED Talk năm 2015, Gates đã kêu gọi các quốc gia hợp tác với nhau để chuẩn bị cho một đại dịch có thể xảy đến bất cứ lúc nào.
Bây giờ, khi COVID-19 đang trên đà được kiểm soát – một phần nhờ rất nhiều nỗ lực của Bill Gates và quỹ từ thiện mang tên ông – vị tỷ phú đã chuyển sang một mối quan tâm mới. Ông nghĩ rằng thế giới nên chuẩn bị cho một thảm họa khí hậu có thể xảy ra, mà tốt nhất là chúng ta hãy cùng hợp tác để tìm cách ngăn chặn nó.
Đoạn trích từ cuốn sách mới dưới đây có thể được coi là tâm thư của Bill Gates gửi đến các nhà lãnh đạo và toàn bộ người dân trên thế giới. Trong đó, ông nghĩ các bài học từ đại dịch COVID-19 có thể được sử dụng để ứng phó với biến đổi khí hậu và tránh cho nhân loại một thảm họa trong tương lai:
Tính đến tháng 2 năm 2021, COVID-19 đã cướp đi mạng sống của hơn 2,2 triệu người trên thế giới. Đại dịch đã thay đổi cách chúng ta làm việc, cách chúng ta sống và cách chúng ta giao tiếp trong xã hội.
Nhưng đồng thời, 2020 cũng là một năm mang tính bản lề giúp chúng ta có những hy vọng mới trong vấn đề biến đổi khí hậu. Hoa Kỳ đã sẵn sàng trở lại vai trò dẫn dắt thế giới trong vấn đề này sau khi Joe Biden được bầu làm tổng thống. Và Trung Quốc cũng đã cam kết thực hiện một mục tiêu đầy tham vọng để đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2060.
Năm 2021, Liên hợp quốc sẽ nhóm họp lại tại Scotland trong khuôn khổ một hội nghị thượng đỉnh lớn khác về biến đổi khí hậu. Tất nhiên, không có một điều nào trong số những động thái kể trên có thể đảm bảo chắc chắn rằng chúng ta sẽ đạt được một tiến bộ nào đó trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Nhưng cơ hội vẫn được mở ra từ đó.
Tôi định sẽ dành nhiều thời gian của mình trong năm 2021 để nói chuyện với các nhà lãnh đạo thế giới về cả hai vấn đề biến đổi khí hậu và COVID-19. Tôi sẽ nêu rõ với họ rằng nhiều bài học từ đại dịch cũng có thể áp dụng cho vấn đề biến đổi khí hậu. Giả dụ như các giá trị và nguyên tắc đã hướng dẫn chúng ta tiếp cận với đại dịch.
"Tôi định sẽ dành nhiều thời gian của mình trong năm 2021 để nói chuyện với các nhà lãnh đạo thế giới về cả hai vấn đề biến đổi khí hậu và COVID-19", Bill Gates.
Đầu tiên, chúng ta cần hợp tác quốc tế. Cụm từ "chúng ta phải làm việc cùng nhau" rất dễ bị coi là sáo rỗng, nhưng đó là sự thật. Khi các chính phủ, các nhà nghiên cứu và các công ty dược phẩm hợp tác cùng nhau trong đại dịch COVID-19, thế giới đã đạt được những tiến bộ đáng kể — ví dụ, việc phát triển và thử nghiệm vắc-xin đã được thực hiện trong thời gian kỷ lục.
Còn khi chúng ta không học hỏi lẫn nhau và thay vào đó là ma quỷ hóa các quốc gia khác, hoặc từ chối chấp nhận rằng khẩu trang và giãn cách xã hội sẽ làm chậm sự lây lan của virus, chúng ta đã chỉ tự kéo dài sự khốn khổ của chính mình.
Những điều này cũng đúng với biến đổi khí hậu. Nếu các nước giàu chỉ chăm chăm giảm lượng khí thải nhà kính của chính mình mà không tính đến chuyện chia sẻ các công nghệ sạch cho tất cả mọi người, thì chúng ta cũng sẽ không bao giờ tiến được về điểm phát thải carbon bằng 0.
Theo nghĩa đó, giúp đỡ những quốc gia khác không chỉ thể hiện sự vị tha mà nó còn phục vụ lợi ích của chính chúng ta. Tất cả chúng ta đều có lý do để đưa mức phát thải về 0 và giúp đỡ những nước khác cũng làm được điều đó. Nhiệt độ sẽ không ngừng tăng ở Texas, trừ khi lượng khí thải ngừng tăng ở Ấn Độ.
Các nhân viên cứu hỏa làm nhiệm vụ tại một đám cháy rừng ở Bắc California, ngày 7 tháng 8 năm 2018.
Thứ hai, chúng ta cần để khoa học - thực ra là khoa học liên ngành – dẫn dắt các nỗ lực của chúng ta. Trong đại dịch COVID-19, chúng ta đã trông đợi vào ngành sinh học, virus học và dược học, cũng như khoa học chính trị và kinh tế — xét cho cùng, quyết định phương án phân phối vắc-xin công bằng vốn là một hành động chính trị.
Và cũng giống như dịch tễ học nói cho chúng ta biết về những rủi ro của COVID-19 nhưng không nói được chúng ta phải làm thế nào để ngăn chặn nó, khoa học khí hậu cũng cho chúng ta biết tại sao chúng ta cần thay đổi hướng đi nhưng không nói được chúng ta phải làm điều đó như thế nào.
Để làm được, chúng ta phải dựa trên kỹ thuật, vật lý, khoa học môi trường, kinh tế, v.v.
Hai người nông dân Campuchia ngồi trên đồng ruộng nứt nẻ vì hạn hán.
Thứ ba, các giải pháp của chúng ta phải đáp ứng được nhu cầu của nhóm người bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Với COVID-19, những người đau khổ nhất là những người có ít lựa chọn nhất - chẳng hạn như họ không thể làm việc tại nhà hoặc dành thời gian để chăm sóc cho bản thân hoặc người thân của họ. Và hầu hết họ là những người da màu, những người có thu nhập thấp.
Tại Hoa Kỳ, người Da đen và người Latinx có khả năng nhiễm virus corona và tử vong cao hơn nhiều so với người da trắng. Học sinh da đen và Latinx cũng ít có điều kiện để học trực tuyến hơn. Trong số những người phải nhập viện điều trị, tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao hơn gấp bốn lần trong nhóm người nghèo. Việc thu hẹp những khoảng cách này sẽ là chìa khóa để kiểm soát virus ở Hoa Kỳ.
Trẻ em Afghanistan tại một trại lều dành cho những người di tản vì hạn hán ở huyện Injil, tỉnh Herat, Afghanistan.
Trên toàn cầu, COVID-19 đã xóa đi nhiều tiến bộ sau hàng thập kỷ nỗ lực giảm thiểu đói nghèo và bệnh tật. Khi các chính phủ chuyển sang đối phó với đại dịch, họ phải kéo người dân và tiền bạc ra khỏi các ưu tiên khác, bao gồm cả các chương trình tiêm chủng.
Một nghiên cứu của Viện Đánh giá và Đo lường Sức khỏe cho thấy vào năm 2020, tỷ lệ tiêm chủng giảm xuống mức đáy ngang với những năm 1990. Chúng ta đã mất 25 năm tiến bộ trong chỉ khoảng 25 tuần.
Các quốc gia giàu có, trước đây đã từng hào phóng cống hiến vì sức khỏe toàn cầu, bây giờ họ sẽ vẫn cần phải hào phóng hơn nữa để bù đắp cho sự mất mát này. Họ càng đầu tư vào việc củng cố các hệ thống y tế trên toàn thế giới bao nhiêu, thì chúng ta càng chuẩn bị sẵn sàng bấy nhiêu trong đại dịch tiếp theo.
Một khu dân cư bị ngập lụt do bão Florence ở Lumberton, Bắc Carolina.
Theo cách tương tự, chúng ta cần lập kế hoạch cho một quá trình chuyển đổi chính xác để bước sang một tương lai không phát thải. Người dân ở các nước nghèo cần được giúp đỡ để thích nghi với một thế giới ấm áp hơn.
Và các quốc gia giàu có hơn sẽ cần thừa nhận rằng quá trình chuyển đổi năng lượng ấy sẽ gây khó khăn cho các cộng đồng dân cư sống phụ thuộc vào hệ thống năng lượng ngày nay: Chẳng hạn như những địa phương có ngành khai thác than, sản xuất xi măng, luyện thép hoặc sản xuất ô tô là ngành công nghiệp chính.
Ngoài ra, nhiều người có việc làm phụ thuộc gián tiếp vào các ngành công nghiệp này — chẳng hạn khi lượng than và nhiên liệu giảm đi, sẽ có ít việc làm hơn cho các tài xế xe tải và công nhân đường sắt. Một bộ phận đáng kể trong nền kinh tế và các tầng lớp lao động sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, cần phải có một kế hoạch chuyển đổi cho các cộng đồng đó.
Hậu quả của bão Mangkhut đổ bộ Hong Kong năm 2018.
Cuối cùng, chúng ta có thể làm những điều vừa giúp giải cứu các nền kinh tế khỏi thảm họa COVID-19, vừa khơi dậy sự đổi mới để tránh thảm họa khí hậu. Bằng cách đầu tư vào nghiên cứu và phát triển năng lượng sạch — R & D — các chính phủ có thể thúc đẩy phục hồi kinh tế cũng như giúp giảm phát thải.
Mặc dù đúng là chi tiêu cho R&D có tác động lớn nhất trong dài hạn, nhưng nó cũng có các tác động tức thì: Khoản tiền này tạo ra việc làm nhanh chóng. Năm 2018, đầu tư của chính phủ Hoa Kỳ vào tất cả các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển đã trực tiếp và gián tiếp tạo ra hơn 1,6 triệu việc làm, tạo ra 126 tỷ USD thu nhập cho người lao động và đóng góp 39 tỷ USD tiền thuế cho các tiểu bang và liên bang.
Đường 98 ở Mexico Beach, Florida, bị tàn phá sau bão Michael.
R&D không phải là lĩnh vực duy nhất mà tăng trưởng kinh tế được kết nối với công cuộc đổi mới không carbon. Các chính phủ cũng có thể giúp các công ty năng lượng sạch phát triển bằng cách áp dụng các chính sách giảm Phí bảo hiểm xanh và giúp các sản phẩm xanh dễ dàng cạnh tranh với đối thủ sản xuất bằng năng lượng hóa thạch.
Và họ có thể sử dụng nguồn tài trợ từ gói cứu trợ COVID-19 của mình cho những việc như mở rộng quy mô triển khai năng lượng tái tạo và xây dựng lưới điện tích hợp.
Năm 2020 là một bước lùi lớn và bi thảm. Nhưng tôi lạc quan rằng chúng ta sẽ kiểm soát được COVID-19 vào năm 2021. Và tôi lạc quan rằng chúng ta sẽ đạt được những tiến bộ thực sự trong vấn đề biến đổi khí hậu — bởi chưa bao giờ thế giới đang cam kết giải quyết vấn đề này mạnh mẽ như bây giờ.
Hoạt động cứu hộ tại một địa điểm sạt lở đất ở Philippines nơi hàng chục cư dân được cho là đã bị chôn vùi sau mưa lớn.
Khi nền kinh tế toàn cầu suy thoái nghiêm trọng vào năm 2008, sự ủng hộ của công chúng đối với các hành động về biến đổi khí hậu đã giảm mạnh. Mọi người lúc đó đơn giản là không hi vọng rằng mình có thể ứng phó với cả hai cuộc khủng hoảng cùng một lúc.
Lần này thì khác. Mặc dù đại dịch đã tàn phá nền kinh tế toàn cầu, nhưng sự ủng hộ hành động đối với biến đổi khí hậu vẫn ở mức cao như vào năm 2019. Có vẻ như lượng khí thải của chúng ta không còn là vấn đề mà chúng ta sẵn sàng bỏ qua nữa.
Câu hỏi bây giờ là: Chúng ta nên làm gì với đà này? Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng. Chúng ta nên dành thập kỷ tới để tập trung vào các công nghệ, chính sách và cấu trúc thị trường sẽ đưa chúng ta đến con đường loại bỏ khí thải nhà kính vào năm 2050.
Ngoài việc dành 10 năm tới để cống hiến giúp nhân loại đạt tới được mục tiêu đầy tham vọng này, tôi khó có thể nghĩ được mình sẽ làm gì tiếp theo sau năm 2020 đầy khốn khó đã qua.
Tham khảo Fastcompany, Buzzfeednews