Tâm sự với người lạ: Nghề mới của giới trẻ Trung Quốc trong cảnh thất nghiệp tràn lan, tỷ lệ độc thân, không người yêu tăng cao

Băng Băng |

"Giới trẻ ngày càng cô đơn hơn", cô Yang, một người làm nghề cho thuê thời gian rảnh, nhận định khi áp lực thất nghiệp, hôn nhân cùng vô số khó khăn trong cuộc sống đang đè nặng lên thanh thiếu niên Trung Quốc.

Tờ Nikkei Asian Review cho hay trong bối cảnh thất nghiệp tăng cao, áp lực tài chính kéo theo những khó khăn trong việc tìm một mối quan hệ yêu đương tại Trung Quốc đã khiến ngày càng nhiều bạn trẻ chịu áp lực nặng nề, dẫn tới nhu cầu tâm sự đi lên.

Điều trớ trêu là không phải ai cũng muốn tâm sự khó khăn của mình với bạn bè hay người thân, cũng chẳng có nhu cầu đi gặp chuyên gia tâm lý. Vậy là nghề "cho thuê thời gian rảnh" hay "tâm sự với người lạ" ra đời.

Cần nơi giải tỏa

Cô Yang, một blogger 27 tuổi ở Bắc Kinh và đang làm nghề "tâm sự với người lạ" cho biết mình đã đến cửa hàng IKEA để gặp khách hàng đầu tiên, một chàng trai trẻ trả 125 nhân dân tệ (17 USD) một giờ cho thời gian nói chuyện với cô.

Trong lần đầu làm việc, cô Yang không biết điều gì sẽ xảy ra cho công việc khá kỳ lạ này vì bản thân cô cũng chưa từng có kinh nghiệm. Thế rồi cả 2 gặp nhau, đi dạo quanh cửa hàng và tìm một chiếc ghế dài trưng bày để ngồi. Trong 2 giờ tiếp theo, chàng thanh niên liên tục phàn nàn với Yang về bạn gái của mình.

"Anh ấy sẽ hỏi tôi nghĩ gì từ góc độ phụ nữ. Tôi đoán anh ấy không có bạn nữ để nói chuyện và anh ấy cũng không muốn phàn nàn về bạn gái của mình với bạn bè", Yang cười nói.

Tâm sự với người lạ: Nghề mới của giới trẻ Trung Quốc trong cảnh thất nghiệp tràn lan, tỷ lệ độc thân, không người yêu tăng cao- Ảnh 1.

"Giới trẻ ngày càng cô đơn hơn. Một số người rất căng thẳng trong công việc và một số phải chịu áp lực từ chính gia đình họ", cô Yang cho biết thêm.

Sự căng thẳng và cô đơn này đã tạo nên công việc cho thuê thời gian rảnh hay tâm sự với người lạ trong giới trẻ. Nhu cầu tăng cùng với lượng lớn người thất nghiệp tạo nên nguồn cung hoàn hảo cho thị trường.

Theo Nikkei, sự phục hồi kinh tế chậm chạp của Trung Quốc, tình trạng sa thải nhân viên và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao kỷ lục đã tạo ra một lượng lớn người có nhiều thời gian và có nhu cầu kiếm thêm tiền. Về phía cầu, áp lực to lớn tại nơi làm việc và xã hội đã thúc đẩy giới trẻ tìm kiếm những cách mới để trút giận và giải tỏa.

"Nếu bạn trả tiền cho dịch vụ, bạn có thể nói bất cứ thứ gì mình muốn mà chẳng cần phải tranh cãi hay thỏa hiệp như khi ở với bạn bè hoặc gia đình", cô Yang cho biết.

Nghề mới này đang trở thành một xu thế tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội như Douyin và Xiaohongshu. Nhiều cư dân mạng bắt đầu đăng quảng cáo vì tò mò, trong khi một số đã thành công biến đây thành nghề tay trái.

Cho đến hiện tại, cô Yang đã kiếm được 7 khách hàng, tất cả đều dưới 35 tuổi. Hầu hết họ đều có công việc toàn thời gian căng thẳng, đồng thời tích lũy được ít tiền rảnh rỗi.

Ví dụ như trường hợp một người đàn ông phải liên tục chiều lòng khách hàng của mình nên muốn tự trải nghiệm cảm giác trở thành "khách hàng" vào cuối tuần với cô Yang.

Một người đàn ông khác gặp rắc rối với cuộc hôn nhân và đã yêu cầu Yang lắng nghe mình tâm sự.

Ở trường hợp khác, một bà mẹ nội trợ đã nhờ Yang đi cùng đến các hoạt động xã hội ngẫu nhiên, ví dụ như đi xem bói vì đơn giản là bạn bè của cô không có thời gian đi chơi với cô.

Trên thực tế công việc chính của Yang là làm KOL trên Douyin, quảng cáo cho các nhà hàng khác nhau. Mặc dù nghề "tay trái" lắng nghe tâm sự của người lạ không thể thay công việc chính nhưng cô Yang cho biết chúng cũng đem lại nguồn thu nhập kha khá.

Tất nhiên vì lý do an toàn, cô Yang chỉ chấp nhận gặp khách hàng ở nơi công cộng.

Tâm sự với người lạ: Nghề mới của giới trẻ Trung Quốc trong cảnh thất nghiệp tràn lan, tỷ lệ độc thân, không người yêu tăng cao- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Thế hệ cô đơn, sợ tổn thương

Theo anh Yi Xiang, một người mù nhưng cũng là chủ tiệm massage ở Wenzhou đã từng thuê dịch vụ tâm sự với người lạ, việc Trung Quốc từng áp dụng chính sách một con, quá trình đô thị hóa và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng đã thúc đẩy thị trường này.

"Hiện rất nhiều bạn trẻ đang thất nghiệp nên họ làm thêm kiếm tiền là điều hợp lý, qua đó đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngoài ra mọi người ngày nay sống trong các căn hộ cao tầng chứ không ở thổ cư như làng quê thời xưa nên việc giao tiếp, tâm sự cũng bị hạn chế hơn. Thế rồi trẻ em ngày nay lớn lên mà không có anh chị em cạnh tranh, khiến chúng chẳng biết nói chuyện với ai", anh Yi nói.

Anh Yi đã thuê dịch vụ từ một công ty ở Hangzhou, sau đó đón tiếp anh là một phụ nữ đến từ Liaoning đang kiếm việc làm tại đây.

Chỉ với 200 Nhân dân tệ, người phụ nữ này đã đưa khách hàng mù lòa của mình thăm thú Tây Hồ, miêu tả phong cảnh cho anh nghe, giúp anh cảm nhận những chiếc lá cây ven hồ và kể về cuộc sống cũng như nhiều chuyện khác.

"Những người bạn không khuyết tật của tôi sống quá xa và họ không phải lúc nào cũng có thời gian. Việc trả tiền cho dịch vụ này dễ dàng hơn và thật thú vị khi thuê một người lạ đưa tôi đi tham quan. Lần nào tôi cũng có thể gặp một người mới", anh Yi cho hay.

Khác với anh Yi, cô Alaia Zhang, 22 tuổi đi theo nghề cho thuê thời gian rảnh này như một nguồn thu nhập trong khi thất nghiệp, cho rằng tư tưởng sợ tổn thương đã khiến giới trẻ ngày nay không muốn dành thời gian và công sức để hình thành những mối quan hệ sâu sắc, đáng tin cậy.

"Giới trẻ ngày nay có rất nhiều lo lắng nhưng họ không muốn truyền sự tiêu cực đó cho bạn bè và gia đình, hoặc họ cảm thấy không có người đáng tin cậy để tâm sự. Mọi người ngày nay đều cô đơn, ngay cả tôi cũng cô đơn", cô Zhang thừa nhận khi cho biết chỉ nhận khách nữ vì lý do an toàn.

Tâm sự với người lạ: Nghề mới của giới trẻ Trung Quốc trong cảnh thất nghiệp tràn lan, tỷ lệ độc thân, không người yêu tăng cao- Ảnh 3.

Ngoài ra, cô Zhang cho rằng mức phi tìm chuyên gia tâm lý trị liệu quá cao cùng với nguy cơ sợ bị kỳ thị cũng khiến nghề tâm sự với người lạ được ưa chuộng hơn.

Dịch vụ cho người già

Tờ Nikkei cho biết bên cạnh phân khúc thị trường tâm sự và đi chơi cùng thì nhiều khách hàng cao tuổi cũng cần đến sự chuyên nghiệp hơn để có người giúp họ đến bệnh viện.

Trong trường hợp này, người nhận tiền sẽ phải điều tra rõ về hệ thống chăm sóc sức khỏe địa phương, nghiên cứu trước tình trạng, tiền sử bệnh của khách hàng, xếp hàng chờ khách hàng trước khi họ đến và hỏi bác sĩ những câu hỏi phù hợp.

Cô Cui Pei, 38 tuổi, là một nhân viên đồng hành tại bệnh viện ở Tây An. Dù là một bà mẹ nội trợ với hai đứa con nhưng cô Cui đã làm việc này được một năm rưỡi trong khi nghề chính là quản lý danh sách cho thuê trên Airbnb.

Trả lời Nikkei, cô Cui cho biết mình trở thành người bạn đồng hành toàn thời gian của bệnh viện vì nhu cầu đã tăng vọt.

Hầu hết khách hàng của cô là những người trưởng thành đang làm việc ở thành phố khác hoặc ở nước ngoài thuê cô đưa cha mẹ già đến bệnh viện. Khách hàng của cô đã tìm thấy cô trên Xiaohongshu cũng như thông qua một nhóm cộng đồng hưu trí ở địa phương.

"Đây được gọi là ‘nền kinh tế tóc bạc’. Ngành công nghiệp này sẽ trở nên khổng lồ vì Trung Quốc có dân số đông và đang già đi nhanh chóng", cô Cui nhận định.

Cui giải thích rằng nguồn lực chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc còn hạn chế và hệ thống bệnh viện thường rất phức tạp và ngày càng được số hóa. Ngay cả những người trẻ lớn lên với điện thoại thông minh cũng có thể gặp khó khăn trong việc đặt lịch hẹn với bác sĩ hoặc tìm ra nơi cần đến cho từng khoa khám bệnh.

"Trong nghề này, những người như chúng tôi phải hành động như con cái của khách hàng khi con cái thật của họ không có ở đây. Chúng tôi sẽ phải chăm sóc họ chu đáo như cha mẹ già của mình vậy. Chúng tôi phải thông cảm và học cách hiểu cảm xúc của người già, qua đó an ủi họ", cô Cui cho hay.

Cũng theo cô Cui, các bác sĩ ngày càng chấp nhận hiện tượng này vì việc giải thích bệnh trạng cho người đồng hành thường nhanh chóng và dễ dàng hơn thay vì đối phó với những bệnh nhân dễ xúc động hoặc lãng tai.

Tâm sự với người lạ: Nghề mới của giới trẻ Trung Quốc trong cảnh thất nghiệp tràn lan, tỷ lệ độc thân, không người yêu tăng cao- Ảnh 4.

Thất nghiệp cao tại Trung Quốc đang khiến nảy sinh nhiều thị trường ngách

Thậm chí ngay cả bệnh nhân trẻ cũng muốn dùng dịch vụ bạn đồng hành của bệnh viện vì không muốn nợ ân tình của bạn bè hay người thân đi cùng.

Cô Cui cho biết những người đồng hành cùng bệnh viện có thể kiếm được trên 6.000 nhân dân tệ mỗi tháng. Bởi vậy nhiều người đã tìm đến Cui qua Xiaohongshu để học nghề nhưng cô không nhận những học viên trên 50 tuổi vì công việc này khá mệt mỏi về thể chất.

"Tôi tin vào thị trường tình bạn trả phí vì cuối cùng thì ai cũng sẽ cần giúp đỡ mà thôi", cô Cui nói.

*Nguồn: Nikkei

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại