Nữ tiếp viên trưởng Ngọc Trâm
Rất sợ cảnh: Ra ngoài xa lánh, về nước bị... kỳ thị
Nữ tiếp viên trưởng Ngọc Trâm (đoàn tiếp viên Vietnam Airlines, chuyên phục vụ đường bay Việt Nam – Đức) tâm sự: Trong mùa dịch, thông thường, trên các chuyến bay đường dài tôi và đồng nghiệp phải đeo khẩu trang để bảo vệ chính mình khi làm việc và giao tiếp với hành khách. Đây hiện là cách hiệu quả nhất để ngăn bị nhiễm Covid-19 .
Trên một số chuyến bay đường dài thời gian bay 12 - 13 giờ đồng hồ, tiếp viên chúng tôi phải đảm bảo khẩu trang luôn trên mặt. Khi máy bay hạ cánh ở nước bạn, vẫn phải đeo tới khi về khách sạn, nên có thể lên tới 16-18 giờ đeo khẩu trang liên tục.
Quá trình đó lặp lại trên chuyến bay về Việt Nam. Điều đó khiến tai chúng tôi bị đau, mặt bị trầy xước và bị kích ứng do đeo khẩu trang quá lâu. Còn tay thì phồng rộp vì đeo găng tay quá lâu. Khi máy bay hạ cánh, bạn có thể sẽ phải đi thẳng tới khu vực cách ly mà không có cơ hội về nhà nói gì đó với gia đình.
Trong thời gian chúng tôi lưu lại châu Âu để nghỉ ngơi đợi chuyến bay về, nếu có ra đường vẫn phải đeo khẩu trang để bảo vệ người xung quanh và chính mình khi mọi thứ không ai biết trước. Tuy nhiên, ở nơi đó, đeo khẩu trang ra đường trở thành điều gì đó thật..."tệ hại".
Những gì chúng tôi nhận được là mọi người đều nhìn chằm chằm vào mình. Thậm chí, không cửa hàng nào cho vào vì khẩu trang khiến mọi người sợ hãi và... khó chịu.
Bạn có thể hỏi: Chúng tôi sẽ đi được đâu, ăn gì? Trên thực tế, chúng tôi có thể mang đồ ăn từ nhà đi, nhưng sẽ chắc chắn không thể qua cửa kiểm soát nhập cảnh. Vậy ăn gì bây giờ? mì gói chăng?
Trên các chuyến bay mùa dịch Covid-19, tiếp viên phải luôn đeo khẩu trang, găng tay.
Trên các chuyến bay, tiếp viên luôn cố gắng hết sức để mọi hành khách đều cảm thấy thoải mái, hài lòng, an toàn và được hỗ trợ khi cần. Tuy nhiên, điều chúng tôi nhận được từ nỗ lực đó là sự nhạo báng từ chính cộng đồng, nơi quê hương mình.
Ngay cả khi bị cách ly, chúng tôi vẫn sẵn lòng chấp nhận vì đó là công việc mình đã chọn, biết rủi ro. Không những không được ghi nhận, khích lệ, tệ hơn, nhiều người nhìn chúng tôi như người mang virus về nước.
Dù chúng tôi chỉ làm công việc của mình, và chính chúng tôi cũng được xem là bệnh nhân. Tôi hy vọng tất cả mọi người cùng cẩn trọng trong thời gian này. Kể cả khi mọi người ghét tôi, tôi vẫn mong mọi người được an toàn.
Không ai muốn tên mình đi kèm 1 con số
Nữ tiếp viên Nguyễn Nguyệt Minh tâm sự dưới lời nhắn gửi cho mẹ trước khi thực hiện chuyến bay đi vào tâm dịch Anh tối 17/3: Như thường lệ, trước mỗi chuyến bay đi Anh, là nguyên 1 ngày dài buồn thiu nằm chờ. Thời điểm này bên châu Âu, đặc biệt ở Anh, dịch Covid-19 đang diễn biến xấu.
Đêm nay, con cùng 15 thành viên khác sẽ trải qua 12 tiếng đồng hồ để bay thẳng vào tâm dịch đón đồng bào về. Nằm miên man lại nghĩ tới tin nhắn mẹ gửi: “Tình hình dịch bệnh sợ thế này hay là xin nghỉ đi con”.
Nếu hỏi rằng có lo lắng hay không? Tất nhiên lo. Hỏi có sợ hay không? Tất nhiên có. Nhưng điều mà con lo hay sợ không phải việc mình có thể bị nhiễm bệnh, hay phải đi cách ly. Vì con luôn tin, Việt Nam đang kiểm soát dịch rất tốt, chẳng may mắc bệnh cũng được chữa khỏi.
Điều khiến con lo sợ là sự kỳ thị, soi xét, tìm đủ mọi lý do đổ lỗi, dùng những từ ngữ thậm tệ nhất để chỉ trích, chì chiết với người nhiễm bệnh là 1 tiếp viên hàng không. Chẳng ai muốn bản thân mình sẽ thành cái tên tiếp theo đi kèm 1 con số bị đưa lên tất cả phương tiện truyền thông.
Nữ tiếp viên Nguyễn Nguyệt Minh
Nghề tiếp viên rất đặc thù, những khi dịch bệnh phải đi bay thì càng bay càng nguy hiểm bởi mỗi chuyến bay là một trận chiến. Vì môi trường làm việc là tuyến đầu tiếp xúc với hàng trăm, hàng nghìn con người tới từ khắp nơi trên thế giới.
Ai biết trước được chuyến bay của mình có hành khách nào nhiễm bệnh không, liệu con virus đấy có chừa mình ra không. Nếu may mắn, kết thúc mỗi chuyến bay được trở về với gia đình. Lỡ kém may, nhẹ thì tới thẳng nơi cách ly, nặng phải mang theo 2 chữ “dương tính”.
Gửi cho mẹ, Nguyệt Minh viết: Con không hiểu sao, cứ nhắc tới tiếp viên hàng không bất kể về chủ đề gì, người ta bàn ra tán vào sôi nổi, với những “mỹ từ” khó nghe. Mỗi người đều có công việc của mình.
Mỗi công việc đều đóng góp khác nhau cho xã hội. Tại sao người ta không dùng thời gian làm “anh hùng bàn phím” để lo làm tốt công việc của mình?
Có đồng nghiệp chia sẻ: “Chừng nào hành khách vẫn lựa chọn, chúng tôi sẽ bay. Chừng nào đồng bào vẫn muốn về quê mẹ, chúng tôi sẽ đón”.
Những dòng nhắn nhủ tới mẹ của cô gái còn có thông điệp: Con không nghỉ được, sẽ không nghỉ trừ khi sức khoẻ không đủ để đi. Đó là nhiệm vụ và trọng trách của mình. Làm sao có thể ích kỷ vì lo sợ cho bản thân để trốn tránh, đùn đẩy hiểm nguy cho đồng nghiệp khác. Nên mẹ ạ, mẹ đừng lo lắng.
Theo Minh, hãng bay đã chu đáo chuẩn bị đầy đủ phòng hộ, đồng nghiệp cũng luôn động viên. "Con chưa bao giờ thấy đồng nghiệp lại gắn kết nhau đến vậy, cảm giác được bảo vệ, quan tâm, ấm lòng lắm. Cứ sống tốt thôi. Con sẽ mang theo sự lạc quan này để hoàn thành tốt chuyến bay và quay trở về bình an. Vững tâm nha mẹ ơiii!.", nữ tiếp viên chào mẹ.