Tâm sự của nhà đầu tư bất động sản: Tết ngồi chốt số lỗ!

Minh Tâm |

Thị trường bất động sản “thấm đòn” kiểm soát tín dụng, lãi suất tăng cao và thanh khoản sụt giảm. Theo đó, nhiều nhà đầu tư đang rơi vào cảnh khó khăn những ngày cận Tết Nguyên đán.

Nhà đầu tư chật vật dịp cận Tết

Thời điểm cuối năm âm lịch là lúc mọi người tổng kết những thành quả sau một năm làm ăn. Nhưng với một số nhà đầu tư bất động sản, sau một năm đầu tư, đến nay nhìn lại thành quả chỉ là những số tiền vay nợ.

Anh Hoàng Tuấn (Thanh Trì, Hà Nội) tâm sự: “Cuối năm 2021, thấy thông tin sốt đất tràn ngập khắp nơi, tôi cũng dồn tiền và vay thêm để đi đầu tư, hầu hết các mảnh đất đều trong một thời gian ngắn đã có lời từ 100 - 200 triệu đồng. Tuy nhiên, đến tháng 4/2022, thị trường bắt đầu có những thông tin bất lợi và dần dần đi vào trạng thái trầm lắng”.

Anh Hoàng cho biết, hiện nay đang giữ 3 mảnh đất tại vùng ven Hà Nội với tổng giá trị thời điểm mua là 8 tỷ đồng, trong đó 40% số vốn là đi vay. Mức lãi vay ngân hàng của anh đang là 14%. Do vậy hàng tháng cả gốc và lãi anh phải trả là hơn 50 triệu đồng.

“Dù tôi đã hạ giá bán, chấp nhận cắt lỗ tới 30% nhưng không tìm được khách mua. Chỉ còn mấy ngày nữa là tới Tết coi như đã hết cơ hội bán lấy tiền tất toán các khoản. Trong khi, tình hình kinh doanh không tốt, lương của nhân viên tôi phải khất sau Tết sẽ trả, bây giờ mới chỉ trả được tiền thưởng. Quả thật, Tết đã rất gần nhưng thấy vẫn rất xa với tôi”, anh Hoàng than thở.

Để lo Tết Nguyên đán cho gia đình, trước mắt, anh Hoàng đã phải liên hệ tới những bạn bè thân thiết để vay tiền trang trải.

Đồng cảnh ngộ, anh Vũ Khang (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, thời điểm đầu năm 2022, xuống tiền mua 2 mảnh đất tại Hải Phòng với giá 4 tỷ đồng, kỳ vọng trong vòng 1 năm sẽ có lời. Tuy nhiên, trước sức ép tài chính anh Khang cũng “đứng ngồi không yên”.

Tâm sự của nhà đầu tư bất động sản: Tết ngồi chốt số lỗ! - Ảnh 1.

“Cuối năm vẫn có người tới hỏi mua nhưng họ ép giá, thấp hơn tới 40% so với thời điểm tôi. Bây giờ nếu bán cũng chỉ đủ trả nợ, coi như tôi trắng tay, còn không bán cũng chưa biết diễn biến tiếp theo của thị trường ra sao. Mấy ngày nữa là tới Tết, gia đình tôi vẫn lo lắng về 2 mảnh đất đó, đến ngày 28 tháng Chạp vẫn chưa mua sắm được gì”, anh Khang buồn rầu nói.

Theo thống kê của Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), trong năm 2022 thị trường ghi nhận tình trạng cắt lỗ, đặc biệt là phân khúc đất nền. Giá đất nền thứ cấp tại các huyện vùng ven Hà Nội đã giảm 15 - 35% so với đầu năm 2022, còn đất nền dự án cũng giảm từ 8 - 15%.

Thị trường còn tiếp tục khó khăn?

Thực tế, thị trường bất động sản khép lại một năm âm lịch trong không khí trầm lắng, càng về cuối năm, xuất hiện càng nhiều các thông tin cắt lỗ, giảm giá,...

Theo anh Nguyễn Văn Tú, chủ một văn phòng môi giới bất động sản tại Hà Nội, tình hình thanh khoản trên thị trường thứ cấp rơi vào trầm lắng rõ rệt.

Theo đó, những bất động sản tại khu vực trung tâm đã giảm nhẹ, còn ở vùng ven đã có sự giảm sâu. Đặc biệt là phân khúc đất nền ở ven đô và các tỉnh đã giảm tới 30 - 35%. Thậm chí, thời điểm cuối năm những chủ đất cần tiền gấp phải chấp nhận giảm sâu hơn để có dòng tiền trang trải.

“Thời điểm cận Tết, lượng nhà đầu tư rao bán bất động sản ngộp càng nhiều, mức giá cũng giảm sâu hơn so với tháng 12/2022. Nhưng rất khó để tìm người mua. Thậm chí, một số người còn tăng thêm hoa hồng cho môi giới. Nhưng chia sẻ thật là môi giới bất động sản lúc này cũng phải chọn lọc sản phẩm để bán.

Bởi nếu không bán được sẽ không có hoa hồng mà tốn thêm chi phí tìm khách hàng. Ví dụ, những bất động sản đang giảm mạnh như đất nền, liền kề, biệt thự,... nhưng người gửi bán vẫn muốn rao bán với mức giá cao dù nằm ở vị trí xấu”, anh Tú nói.

Anh Tú cũng cho rằng, trong bối cảnh lãi suất vay ngân hàng vẫn cao như hiện nay, thị trường bất động sản vẫn tiếp tục sẽ gặp khó khăn. “Chỉ khi nào lãi suất hạ nhiệt thị trường bất động sản mới giải quyết được vấn đề về khoản”, người này nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại