Đã gần 20 năm trôi qua kể từ vụ khủng bố đẫm máu ngày 11-9-2001 nhưng nỗi đau và chấn thương của nhiều người sống sót vẫn còn nguyên. Cuộc đời một số người trải qua bước ngoặt do chấn thương thể chất trong khi những người khác bị dằn vặt bởi nỗi đau tinh thần.
Một trong 3 người trả lời phỏng vấn đài Sky News là bà Lauren Manning, bị bỏng hơn 80% cơ thể. Lúc ấy, khi người phụ nữ vừa bước vào toà tháp Bắc của WTC thì chiếc máy bay đầu tiên lao trúng nó, tạo nên quả cầu lửa đập xuống trục thang máy và rơi xuống sảnh.
"Ngay sau đó, tôi bị nhấn chìm trong ngọn lửa. Nỗi đau thấm sâu vào tận cơ thể. Tôi bị thiêu sống. Không có từ ngữ nào diễn tả được cảm giác ấy" - bà Lauren nhớ lại.
Bà Lauren bị bỏng hơn 80% cơ thể. Ảnh: Sky News
Bà Lauren gặp con trai tại bệnh viện. Ảnh: Sky News
Bà Lauren lập tức chạy ra ngoài, băng qua một con đường rồi lăn trên đám cỏ và được một người đàn ông giúp đỡ. "Tôi đã không ngã xuống và chết trong ngọn lửa. Tôi tìm cách chống lại nó. Tôi hét lên với người đàn ông rằng hãy đưa tôi ra khỏi đây" - bà Lauren tiếp lời.
Khi đang nằm, bà Lauren nhìn thấy chiếc máy bay thứ hai lao vào toà tháp Nam của WTC. Nhiều người rơi khỏi những tòa nhà chọc trời.
Cuối cùng, bà Lauren được chuyển tới bệnh viện và sống sót nhưng phải điều trị 6 tháng và mất 10 năm để phục hồi. Bà Lauren trước đây từng sống sót trong vụ đánh bom WTC năm 1993.
Chiếc máy bay đầu tiên lao vào toà tháp Bắc của WTC. Ảnh: Sky News
Mọi người đứng xem khói bốc lên từ toà tháp đôi. Ảnh: AP
Người tham gia phỏng vấn thứ hai, bà Lynn Tierney, là nhân viên cứu hoả, đến WTC sau khi 2 chiếc máy bay đã đâm vào các toà tháp. "Đó là một cảnh tượng kinh hoàng. Cả 2 toà tháp bốc cháy. Ngọn lửa nhấn chìm những tầng trên. Điều tồi tệ nhất là có người nhảy xuống đất. Tôi thấy một cặp đôi nhảy xuống khi nắm chặt tay nhau. Không thể tin được" - bà Lynn kể.
12 lính cứu hỏa tới hiện trường cùng với bà Lynn sau đó thiệt mạng khi cố gắng dập lửa. "Bụi dày tới mức bạn có thể nhai nó. Tất cả đều khó thở. Đó là lần duy nhất tôi nghĩ về cái chết" - bà Lynn cho biết.
Khi toà tháp thứ hai sụp đổ, bà Lynn đã ở nơi an toàn, đó là Tòa Thị chính New York. Khoảng 343 lính cứu hỏa đã thiệt mạng trong thảm kịch.
Bà Lynn là nhân viên Sở Cứu hoả TP New York. Ảnh: Sở Cứu hoả TP New York
Hai toà tháp Bắc và Nam của WTC bị máy bay đâm trúng. Ảnh: Sky News
Người dân tán loạn chạy khỏi hiện trường. Ảnh: AP
Người trả lời phỏng vấn thứ ba, ông Briton Charlie Gray, kể rằng lúc đầu, ông nghĩ một trận động đất xảy ra ở New York khi đang làm việc tại toà tháp Bắc ngày 11-9-2001. Đột nhiên, ông thấy những mảnh vụn rơi từ tầng trên xuống.
"Bạn có thể nhận ra những thứ này đang bốc cháy... Mất khoảng 17 phút để đi xuống 9 tầng. Cảnh tượng bên ngoài WTC giống như chiến trường. Các bộ phận thi thể nằm trên đường, xe hơi bị phá huỷ. Tôi đếm được 20 người nhảy ra khỏi toà tháp. 20 người bạn của tôi đã thiệt mạng" - ông Gray nhớ lại.
Sau khi thoát khỏi thảm kịch, ông Charlie bị mắc chứng "rối loạn tội lỗi". Người đàn ông này luôn tự hỏi tại sao rất nhiều người đã chết, còn mình thì không.
Ông Briton Charlie Gray. Ảnh: Sky News
Xác định thêm danh tính 2 nạn nhân sau 20 năm
Cơ quan y tế TP New York đã xác định thêm 2 nạn nhân trong các cuộc tấn công vào WTC ngày 11-9-2001, gồm một người tên Dorothy Morgan và một người đàn ông (gia đình yêu cầu giấu tên).
Đây là hai nạn nhân thứ 1.646 và 1.647 được xác nhận trong vụ khủng bố cách đây gần 20 năm. Nạn nhân Morgan làm việc cho một công ty bảo hiểm trên tầng 94 của toà tháp Bắc.