Tâm sự của một bà mẹ bị trầm cảm sau sinh ai cũng nên đọc

Luna |

Câu chuyện buồn liên quan tới cái chết của cháu Việt A. (33 ngày tuổi chết trong chậu nước) đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về vấn đề trầm cảm sau sinh mà không ít bà mẹ mắc phải.

Những ngày qua, câu chuyện buồn liên quan đến vụ án đứa trẻ 33 ngày tuổi chết trong chậu nước đã khiến cho báo giới, mạng xã hội... phải rúng động. Và qua quá trình điều tra, người ta biết được rằng, nguyên nhân ban đầu có liên quan tới triệu chứng trầm cảm sau sinh của phụ nữ.

Điều này càng khiến cho vấn đề muôn thuở về chuyện sinh nở được quan tâm hơn bao giờ hết. Người thì bàn tán việc nỗi đáng sợ của việc mắc phải trầm cảm, người lo lắng không biết mình sẽ ra sao sau khi sinh hạ em bé...

Và đó cũng chính là lý do vì sao chia sẻ của người dùng Tr.H.T lại nhận được nhiều sự quan tâm đến vậy. Bản thân chị cũng thừa nhận rằng đã trải qua những ngày tháng đáng sợ đó khi triệu chứng trầm cảm sau sinh tới "gõ cửa".

Nhưng may mắn rằng, chị T. đã vượt qua được nó. Để giúp đỡ những bà mẹ đang và sắp trải qua kỳ sinh nở không bị mắc phải chứng trầm cảm sau sinh, chị T. đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm rất quý báu.

Tâm sự của một bà mẹ bị trầm cảm sau sinh ai cũng nên đọc - Ảnh 1.

Chúng tôi xin dẫn nguyên văn đoạn chia sẻ của chị H.T:

"Trầm cảm sau sinh - Cứu mình trước khi người khác cứu.

Có vẻ như là trend của ngày, khi mở facebook và thấy trên tường chi chít những chia sẻ về chủ đề này. Và đáng buồn là nó được gắn với sự ra đi của một đứa trẻ và nỗi đau của một gia đình.

Nhớ lại những ngày này đúng 2 năm trước, mình cũng đang lún vào cái vực khủng khiếp đó. Trí nhớ khi đó tệ đến mức, có lẽ chỉ còn trên mức "ăn rồi bảo chưa ăn" một level (có những lúc mình nghĩ có lẽ mình không bao giờ quay lại làm việc được nữa).

Sức khỏe thì chỉ sau gần 2 tháng, sụt gần 7kg, về form cũ nhanh hơn mọi thể loại tập gym. Không có cảm giác ngon miệng với bất cứ thứ gì, và có thể rơi nước mắt vì lý do bé như hạt cát (con muỗi lườm cũng khóc).

Nhưng có thể vì mình may mắn khi nhận ra tình trạng của mình từ trước khi nó đi đến chỗ không thể vãn hồi được, cũng có thể vì mình rơi vào hoàn cảnh đó khi đã lớn tuổi và trải qua nhiều chuyện, nên mình đã tìm được phương pháp đúng, và vượt qua được.

Note ra vài thứ có thể có ích cho những ai quan tâm (và có thể cho cả chính mình, biết đâu còn có lúc cần đến:

1. Không nên để mình nhàn rỗi chân tay

Vì khi nhàn rỗi chân tay nhiều, đầu óc sẽ hoạt động. Và khi đầu óc hoạt động nhiều dưới tác dụng của xáo trộn hormone sau sinh, kết quả có thể là những thứ tồi tệ.

Mà các mẹ sau sinh thì lại hay được ưu tiên, kiêng cữ không phải làm gì, nên nguy cơ "nhàn cư vi bất thiện" càng cao. Mình nhớ là hồi đó, mình đã cố xin xỏ để được rửa bát, dọn cơm, làm những việc lặt vặt nhẹ nhàng để giữ cho mình luôn bận bịu.

2. Không nên ngồi trong phòng kín, thiếu ánh sáng

Ánh nắng rất tốt cho người trầm cảm. Lúc mình sinh xong là thời gian nóng khủng khiếp.

Trong nhiều ngày đầu, nóng đến mức cả ngày mình và con hầu như chỉ ngồi trong phòng kín điều hòa, mỗi ngày ra ngoài hít bụi được khoảng 30p, mà cũng chỉ loanh quanh trong nhà.

Sau đó, khi nhận ra tình trạng tồi tệ, mình đã quyết tâm ra ngoài đi bộ phơi nắng mỗi buổi chiều. Đi về mồ hôi ướt như tắm, mệt bơ phờ, nhưng tâm trạng tốt hơn hẳn.

3. Nói với càng nhiều người càng tốt

Mình là đứa không thích chia sẻ chuyện cá nhân, nhưng thời kỳ đó, tất cả người thân trong nhà, bạn bè thân thiết đều bị mình túm lại để nghe than vãn về chuyện trầm cảm.

Nói ra không phải để họ giúp mình, mà để tự mình giúp mình, vì mỗi lần nói ra được với 1 người, cảm giác gánh nặng của mình được đẩy sang họ một ít.

Tâm sự của một bà mẹ bị trầm cảm sau sinh ai cũng nên đọc - Ảnh 2.

4. Không ngon miệng vẫn phải ăn

Ăn những thứ khả dĩ nhất với cái miệng lúc đó, dễ hấp thụ nhất và nhiều vitamin nhất. Uống thêm các loại vitamin và viên sắt rất có ích.

5. Dùng thêm thuốc nếu có điều kiện

Mình nhớ hồi đó đã nhờ cô bạn cắt thuốc và đều đặn gửi cho mình mỗi lần 10 thang sắc sẵn, bỏ tủ lạnh uống dần. Không nhớ là mình đã uống mấy chục thang như thế, nhưng rõ ràng là sau mỗi đợt cảm giác khá hơn.

6. Cố gắng đừng dính vào mạng ảo

Thế giới đó quá thừa những chuyện tiêu cực, bi lụy mà lúc thường thì mình có thể nhơn nhơn cười vào mũi đứa nào viết ra, nhưng lúc đã suy sụp thì những chuyện mà mình biết mười mươi là bịa cũng có thể có tác dụng như những cú đấm knockout tinh thần.

Web cũng là chỗ quá thừa những bài viết câu view bằng nỗi sợ hãi bệnh tật của người đọc. Lúc tỉnh táo chỉ nhìn tít, mình cũng có thể hỉ mũi một phát mà giở sang trang khác không mảy may rung động, nhưng khi đã sa vào bẫy trầm cảm rồi, thì con chỉ bị muỗi cắn mà lên mạng search cũng ra cả đống bệnh kinh hoàng, rồi ngày đêm lo sợ.

Tâm sự của một bà mẹ bị trầm cảm sau sinh ai cũng nên đọc - Ảnh 3.

Vác con đi hết chỗ này chỗ kia khám chỉ để nhận lại một rổ mắng mỏ của bác sĩ rằng mẹ hoang tưởng (mình đã từng vài lần bị bác sĩ của con nói mát là "thế này bác phải chữa cho mẹ chứ không phải chữa cho con, vì con có sao đâu mà suốt ngày mang đến khám").

Ngắn gọn lại trong 1 nốt nhạc là các mẹ sau sinh thì vứt cái smartphone đi, tụt xuống khỏi giường, lăng xăng, lao động, gặp gỡ, chém gió, thì có lẽ nguy cơ trầm cảm đã giảm được một nửa rồi".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại