Quan Vũ (sinh ? - mất 220), tự Vân Trường, quê ở Vận Thành, tỉnh Sơn Tây, miền bắc của Trung Quốc ngày nay. Ông là một trong những nhân vật lịch sử của Trung Quốc được biết đến nhiều nhất ở khu vực Đông Á, hình tượng của ông đã được tiểu thuyết hóa trong Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung và sau này được khắc họa trong các dạng hình nghệ thuật như kịch, chèo, tuồng, phim ảnh...
Quan Vũ được miêu tả có khuôn mặt đỏ như gấc, mắt phượng mày tằm, râu dài hai thước, tay cầm Thanh Long Yển Nguyệt đao cưỡi trên ngựa Xích Thố, dáng vẻ oai phong lẫm liệt, tính tình hào hiệp, trượng nghĩa, sức chiến đấu mạnh mẽ địch vạn người.
Xung quanh nhân vật lịch sử được thần thánh hóa này có rất nhiều chuyện kỳ bí và thú vị, trong đó không thể không kể về gương mặt đỏ rực của Quan Vân Trường. Có vô vàn giai thoại lý thú về nguồn gốc nước da đỏ của ông.
Theo dân gian, nước da đỏ rực của Quan Vũ gắn liền với tích bôi máu gà. Trong một lần bị quan binh truy sát, Quan Vân Trường trốn chạy tới vùng núi non hun hút. Tại đây, một sơn nữ đang ngồi trước cửa nhà thêu thùa bỗng trông thấy người anh hùng gặp nạn, vội bảo ông lên giường giả bệnh. Cô gái giết một con gà trống, bôi tiết khắp mặt Quan Vũ, rồi cắt tóc mình gắn quanh miệng ông.
Lưu Bị, Quan Vân Trường và Trương Phi kết nghĩa huynh đệ tại vườn đào năm nào.
Quan binh truy sát tới nơi, trông thấy có người nằm trên giường, bèn mở chăn ra xem, chắc mẩm không phải. Vì người mà họ truy bắt có nước da trắng trẻo, khôi ngô chứ không đỏ rực, râu dài lê thê và dáng vẻ phát sốt như vậy. Nghĩ đoạn, quan binh bỏ đi. Nhờ đó mà Quan Công thoát nạn. Từ đấy về sau, làn da của ông cứ mãi ửng lên sắc đỏ lạ kỳ và mái tóc của cô sơn cước nọ cũng trở thành bộ râu quắc thước của ông.
Trong dân gian còn lưu truyền một giai thoại thú vị khác. Khi bị truy sát, Quan Vân Trường chạy tới bờ sông thì gặp một bà lão. Thấy ông dáng anh hùng, bà cụ bèn cất lời: "Này chàng trai, con hãy tự đánh vào mũi mình". Nghe vậy, Quan Công bèn dùng nắm đấm đấm mạnh vào mũi, khiến máu me giàn giụa trên mặt, nước da cũng vì thế mà nhuộm tràn sắc đỏ.
Quan Vũ.
Tiếp đó, ông nhanh tay cắt tóc dính quanh miệng, biến thành một đại trượng phu râu dài mặt đỏ đầy uy nghiêm, vì thế mà thoát chết. Quan Vân Trường đa tạ bà lão nhanh trí hiến mưu rồi chạy tiếp về hướng Trác Châu. Dân gian còn đồn thổi, vị lão bà ấy không ai khác chính là Quan Thế Âm Bồ Tát hóa thành.
Cũng có quan niệm cho rằng, Quan Vân Trường không phải người phàm. Ông là Long Vương chuyển kiếp. Tương truyền, Giải Châu, quê nhà của Quan Công, có hồ muối lớn. Bên bờ hồ có ngôi thiền tự. Lão hòa thượng tại đây rất thích đánh cờ. Phàm là những ai đi qua đều vui vẻ đấu cờ cùng hòa thượng, thậm chí lưu lại dùng bữa cơm chay thanh tịnh. Về sau, có một vị đại trượng phu tới đây nhiều tháng để chơi cờ cùng lão hòa thượng.
Một ngày, lão hòa thượng thua liên tục ba ván. Lúc đó vùng Giải Châu nhiều tháng nay không một giọt mưa, đồng ruộng khô hạn, bách tính đói kém, héo hon. Hòa thượng vì thương xót muôn dân mà lòng trĩu nặng. Vị đại trượng phu nghe tâm sự bèn lên tiếng: "Ta chính là Long Vương. Ngọc hoàng thượng đế không cho ta làm mưa tại vùng này. Ta cũng đành lực bất tòng tâm".
Nghe nói thế, lão hòa thượng hết mực van xin. Long Vương động lòng thương cảm mà rằng: "Được, ta sẽ về trời làm mưa. Nhưng ta có một thỉnh cầu. Đợi tới khi mưa dứt, thầy hãy đem một chiếc thùng lớn đến bên bờ hồ, khi nào nước nổi đỏ ngầu thì múc vào thùng đem về chùa". Nói đoạn, vị trượng phu biến mất.
Quả nhiên, mưa như trút nước đổ xuống khắp vùng, khiến người lẫn vật như được hồi sinh. Lão hòa thượng không quên lời dặn dò của ân nhân, bèn đem thùng lớn tới hồ, lấy đầy nước đang vẩn đỏ. 108 ngày sau đó, trong thùng nước bỗng nổi lên một cậu bé hồng hào, đó chính là Quan Công sau này.
Đứa bé thực chất là Long Vương, sau khi trái lệnh trời làm mưa cho khắp vùng Giải Châu, đã bị trừng phạt. Dòng nước màu đỏ trong lòng hồ chính là những giọt máu của ông. Khi được đem về chùa cất giữ, hình hài mới của Long Vương được tạo thành, đó chính là Quan Công. Ngay từ khi ra đời, gương mặt ông đã ửng màu đỏ rực.
Theo cách lý giải khác, hình tượng Quan Công được xây dựng nên nhờ trí tưởng tượng của các văn nhân thời phong kiến. Họ căn cứ theo những truyền thuyết trong dân gian và "tô" sắc đỏ cho gương mặt của vị anh hùng cái thế này. Điển hình là nhân vật Quan Vân Trường trong Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung.
Cho tới nay, sự thực về sắc da của Quan Công vẫn chưa có lời giải chính xác, nhưng hậu thế luôn coi đó là màu sắc biểu thị cho tinh thần quật cường, ý chí chiến đấu hiên ngang; bản lĩnh chính trực và bản chất anh hùng của ông. Sắc đỏ ấy còn hàm chứa một ý nghĩa văn hóa sâu xa của người Trung Quốc.
Tự cổ chí kim, thiên hạ đều quan niệm, những vật có sắc đỏ đều mang tính thần bí và tiềm tàng năng lượng siêu phàm. Vì vậy, Quan Công mặt đỏ thể hiện sự oai phong, đường vệ của ông, khiến mọi thứ ác tà đều không thể làm hại. Ngay trong xã hội phong kiến xưa kia, hoàng đế mặc hoàng bào, nhưng phần lớn đồ vật trong cung đều có sắc đỏ: thảm đỏ, đèn lồng đỏ...
Các triều đại Trung Hoa phong Thánh cho Quan Vân Trường
Hầu như đều có bàn thờ Quan Công với bức tượng cầm đao, cưỡi ngựa rất oai phong. Điều này lại có xuất xứ rõ ràng từ thời nhà Thanh.
Tương truyền, hoàng đế Càn Long hồi mới lên ngôi mỗi lần đi lại đều nghe phía sau mình có tiếng lẹp kẹp như ai đó mang dép đi theo, nhưng ngoảnh lại thì không thấy ai cả. Một lần quay đầu lại như vậy, Càn Long cất tiếng hỏi: “Ai vẫn hay theo sau hộ giá trẫm thế?”. Lập tức có tiếng trả lời: “Là nhị đệ Quan Vân Trường”.
Hoàng đế Càn Long của đại Thanh.
Cũng trong đời Càn Long, có lời đồn rằng chính Quan Vũ hiển linh giúp quân Thanh thắng giặc, khiến binh lính nhà Thanh treo ảnh ông trong doanh trại, và đeo tượng của ông như thứ bùa hộ mệnh. Vì vậy triều Thanh đã phong ông là Trung Nghĩa Thần Võ Linh Hựu Nhân Dũng Uy Hiển Quan Thánh Đại Đế, đồng thời tôn vinh là Võ Thánh, tức là ngang hàng với danh xưng Văn Thánh của Khổng Tử.
Các triều đại phong kiến Trung Quốc cũng nhiều lần ca tụng và phong tặng những mỹ từ dành cho Quan Vũ, vua nhà Minh coi ông là vị thần hộ quốc. Ngay từ thời Đường, ông đã được thờ trong võ miếu, bên cạnh danh tướng nhà Chu là Khương Tử Nha. Không những thế, hình tượng Quan Vũ còn được thờ cúng phổ biến trong Phật giáo Tạng truyền vùng Tây Tạng. Ông được truy phong là Gia Khâm hộ pháp Quan Vân Trường.
Bên cạnh đó, Quan Vũ còn được dân gian thờ phụng như Thần hộ mệnh. Ông cũng là nhân vật duy nhất được cả Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo phong làm thần linh.
Video: Quan Vũ chém Thái Dương.