Tam quốc diễn nghĩa: Chân dung đệ nhất chiến thần vượt mặt Quan Vũ, Triệu Tử Long thời Tam quốc

Quốc Tiệp |

Là một mãnh tướng thiện chiến nhất nhì thời Tam quốc, hình ảnh Lã Bố cưỡi Ngựa Xích Thố tay cầm cây Phương Thiên Họa Kích, tung hoành giữa chốn ba quân như chỗ không người, đã để lại ấn tượng mạnh trong lòng người đọc.

Là một mãnh tướng thiện chiến nhất nhì thời Tam quốc, hình ảnh Lã Bố cưỡi Ngựa Xích Thố tay cầm cây Phương Thiên Họa Kích, tung hoành giữa chốn ba quân như chỗ không người, đã để lại ấn tượng mạnh trong lòng người đọc.

Thời kỳ Tam quốc không thiếu gì tướng giỏi, chẳng hạn như Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Tử Long, Hứa Chử, Mã Siêu… nhiều người trong số đó không chỉ có võ công cao cường, mà những chiến tích phi thường cũng không thiếu.

Tam quốc diễn nghĩa: Chân dung đệ nhất chiến thần vượt mặt Quan Vũ, Triệu Tử Long thời Tam quốc - Ảnh 1.

Tạo hình Lã Bố trong phim Tam quốc diễn nghĩa 2010.

Nhưng nếu nhắc tới sự phóng khoáng và kiêu ngạo, có không ít người cho rằng ít ai có thể bì được với Lã Bố.

Khi nhắc tới tài năng võ thuật của vị tướng này, người thời bấy giờ vẫn thường lưu truyền câu nói: "Nhân trung Lữ Bố, mã trung Xích Thố" (người có Lữ Bố, ngựa có Xích Thố) để tôn vinh hai cực phẩm chốn nhân gian này.

Trong dân gian thì có câu nói: "nhất Lã, nhị Triệu, tam Điển Vi, tứ Quan, ngũ Mã, lục Trương Phi" … Dù thứ hạng đằng sau có thay đổi ra sao thì "nhất Lã" cũng vẫn đứng đó vững như núi Thái Sơn.

Dũng mãnh từ thuở nhỏ

Lã Bố hay còn gọi là Lữ Bố (160 - 199) tự Phụng Tiên, người đất Cửu Nguyên, huyện Ngũ Nguyên thuộc Tinh châu (nay là thành phố Bao Đầu, Nội Mông Cổ) là một danh tướng thời Tam quốc.

Người đời biết đến Lã Bố chủ yếu qua tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung. Ông được đánh giá là một trong số những vị tướng dũng mãnh nhất trong lịch sử Trung Hoa.

Theo ghi chép trong các sách: Tam quốc chí của Trần Thọ, Ngụy Thư Lã Bố truyện, cha ông là Lã Lương đã theo nghiệp tổ phụ, trấn thủ vùng biên giới. Mẹ là người họ Hoàng, là con một đại phú hào, thông minh, hiền lành, có tri thức, hiểu lễ nghĩa.

Ngay từ nhỏ, Lã Bố đã thể hiện là một đứa trẻ có sức mạnh phi thường, tinh thông võ nghệ, rất hiếu thắng, luôn giành chiến thắng trong những "trận đấu" với bạn bè đồng trang lứa. Hệ quả, không ai dám chơi đùa với Lã Bố.

Lớn lên, Lã Bố được gia đình cho học cầm kì thi thư và luyện võ. Nhưng sở thích lớn nhất của ông vẫn là côn quyền, cung tên, đao kiếm và luôn muốn cho mọi người thấy mình dũng mãnh đến nhường nào.

Sử sách Trung Quốc ghi lại rằng năm 11 tuổi Lã Bố đã đánh bại đại lực sĩ nổi tiếng trong dòng tộc. Sau sự kiện đó, cả quận Ngũ Nguyên đều biết đến cái tên thiếu niên anh hùng Lã Bố.

Mãnh tướng thiện chiến nhất nhì thời Tam quốc

Tam quốc diễn nghĩa: Chân dung đệ nhất chiến thần vượt mặt Quan Vũ, Triệu Tử Long thời Tam quốc - Ảnh 2.

Lã Bố mãnh tướng thiện chiến nhất nhì thời Tam quốc.

Lã Bố sống trong một thời đại loạn ly, chiến tranh, cướp bóc liên miên, hoàng triều đổ nát, giặc cướp nổi lên như ong. Ông sớm có dịp được thi thố tài nghệ của mình. Trong suốt những năm rong ruổi chiến trận, Lã Bố từng theo hầu dưới trướng nhiều người như Đinh Nguyên, Đổng Trác, Viên Thuật, Viên Thiệu…

Theo ghi chép trong lịch sử vào năm Hi Bình thứ năm (năm 176), bộ lạc Tiên Ti phát động chiến tranh chống Đông Hán. Lã Bố theo cha rút xuống phía nam, đến đất Sơn Tây. Khi đó thứ sử Tinh châu là Đinh Nguyên lĩnh chức Kị đô úy, đóng ở Hà Nội bèn bổ nhiệm Lã Bố làm chủ bạ, luôn coi ông là người thân tín.

Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung kể rằng Đinh Nguyên nhận Lã Bố làm con nuôi.

Năm 189, Hán Linh Đế qua đời, con là Hán Thiếu Đế Lưu Biện lên nối ngôi. Ngoại thích Hà Tiến mưu trừ hoạn quan chuyên quyền, bèn triệu tập quân các trấn. Đinh Nguyên theo lệnh dẫn quân đến Lạc Dương, Lã Bố đi theo.

Sau đó Hà Tiến bị hoạn quan giết, Viên Thiệu diệt hoạn quan. Một tướng khác được Hà Tiến triệu tập là Đổng Trác cũng tiến vào Lạc Dương, tranh chấp quyền lực. Viên Thiệu yếu thế phải bỏ chạy còn Đinh Nguyên dàn quân chống lại.

Trong trận này Lã Bố đã thể hiện mình là mãnh tướng dũng mãnh vô song, đánh tan quân đội Đổng Trác và làm Đổng Trác kinh hoảng phải tế ngựa bỏ chạy. Sau trận đó Đổng Trác đã họp bàn với các mưu sỹ của mình với ý định chiêu mộ Lã Bố.

Lúc đó Đổng Trác dùng kế lấy lợi lộc và Ngựa Xích Thố, sai Lý Túc đến dụ Lã Bố để ông phản lại Đinh Nguyên. Lã Bố nhận lời, nhân lúc Đinh Nguyên tin tưởng mình không phòng bị bèn bất ngờ giết chết Đinh Nguyên, mang toàn quân về hàng Đổng Trác.

Kể từ khi theo Đổng Trác, trên chiến trường, Lã Bố trong tay cầm cây Phương Thiên Họa Kích, cưỡi ngựa Xích Thố, tung hoành giữa chốn ba quân như chỗ không người, khiến cho kẻ địch chỉ nghe tên mà khiếp vía.

Giai thoại, điển tích về sức mạnh của Lã Bố

Một trong những điển tích khiến người ta nhớ về Lã Bố nhiều nhất được La Quán Trung miêu tả trong Tam quốc diễn nghĩa là cảnh "tam anh chiến Lã Bố".

Khi Viên Thiệu tập hợp quân 18 lộ chư hầu giương cờ thảo phạt Đổng Trác, một mình Lã Bố ra nghênh chiến và thư hùng với hai huynh đệ Quan - Trương cùng liên thủ thì vẫn không có biện pháp hạ được Lữ Bố. Về sau, Lưu Bị cũng xông lên tiếp ứng.

Vì lo lắng sẽ xảy ra sơ suất, Lữ Bố mới buộc phải rút lui trở về. Khi ấy Lã Bố đang là Trung lang tướng dưới quyền Đổng Trác. Tuy nhiên, tình tiết "tam anh chiến Lã Bố" ở cửa ải Hổ Lao trong hồi thứ 4 của Tam quốc diễn nghĩa được giới sử học đánh giá là do La Quán Trung hư cấu ra.

Tam quốc diễn nghĩa: Chân dung đệ nhất chiến thần vượt mặt Quan Vũ, Triệu Tử Long thời Tam quốc - Ảnh 3.

Lã Bố bắn kích Viên môn.


Ngoài ra, còn có rất nhiều giai thoại liên quan đến sự anh dũng của Lã Bố, tiêu biểu như: "Viên môn xạ kích" (bắn kích ở Viên môn). Chuyện kể rằng khi ấy Viên Thuật sai tướng là Kỷ Linh mang 3 vạn tinh binh tấn công vào đất Tiểu Bái, vây khốn Lưu Bị. Lã Bố chỉ mang 1000 quân bộ và 200 quân kỵ đến nói chuyện giảng hòa với hai bên.

Ông có một cách điều đình rất đặc biệt. Lã Bố sai quân lính cắm kích cách xa 150 bước, giao hẹn trước rằng nếu mình có thể bắn tên trúng vào ngạnh kích thì Kỷ Linh và Lưu Bị phải giảng hòa. Sau đó, ông lùi lại, giương cung bắn mạnh, trúng ngay vào ngạnh kích như đã nói. Lưu Bị tạ ơn Lã Bố đã giải nguy còn Kỷ Linh thấy Lã Bố quá kiêu dũng nên cũng rút quân về, không dám trái ý.

Tuy kiêu dũng vô song là thế nhưng nhiều sử gia đánh giá Lã Bố chỉ là hạng "hữu dũng vô mưu", tham lợi bỏ nghĩa và háo sắc. Chỉ vì một con ngựa Xích Thố Lã Bố phản Đinh Nguyên theo Đổng Trác.

Chỉ vì một nàng Điêu Thuyền, Lã Bố tiếp tục sát hại Đổng Trác theo về với Tư Đồ Vương Doãn. Vương Doãn bổ nhiệm Lã Bố làm Phấn vũ tướng quân và phong tước Ôn hầu (Tam quốc diễn nghĩa kể rằng chức Ôn hầu của Lã Bố do Đổng Trác phong).

Tuy nhiên, không lâu sau đó Trường An bị quân Lương Châu tấn công, từ đây cuộc đời của Lã Bố bước sang một trang khác. Không chỉ lưu lạc, nương nhờ nhiều lúc Lã Bố cũng đã có cơ hội để tranh hùng thiên hạ.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại