Ngày 26/7, Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo, lực lượng hải quân nước này sẽ tổ chức hoạt động quân sự quy mô lớn kéo dài từ Thanh Đảo tới cảng Liên Vân (Giang Tô) tới khu vực biển Hoa Đông - địa điểm diễn ra hoạt động phần lớn thuộc vùng biển Hoàng Hải - giáp với bán đảo Triều Tiên.
Hiện nội dung cụ thể của "hoạt động quân sự" này vẫn chưa được công bố nhưng giới quan sát cho rằng, đây rất có thể là cuộc diễn tập quân sự của Giải phóng quân Trung Quốc (PLA).
Đáng chú ý, động thái trên chỉ là một trong những hoạt động quân sự trong vòng gần một tháng nay của PLA. Ngày 22/7, giai đoạn đầu của cuộc tập trận quân sự Liên hợp trên biển giữa Trung Quốc và Nga cũng được khởi động trên biển Baltic. Theo kế hoạch, giai đoạn hai sẽ diễn ra tại vùng biển Nhật Bản và Okhotsk.
Nhiều loại pháo đồng thời kết hợp tấn công mục tiêu. Ảnh: Thời báo Hoàn cầu
Đầu tháng 7, nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh đến thăm Hồng Kông với hành trình kéo dài 22 ngày. Nhóm tàu tác chiến này đã thực hiện một chuỗi huấn luyện khi đi qua eo biển Đài Loan. Hơn 100 đơn vị tác chiến, bao gồm các chiến đấu cơ J-15 tham gia diễn tập.
Ngoài các cuộc diễn tập của hải quân, những động thái gần đây của quân chủng không quân Trung Quốc trên biển Hoa Đông cũng nhận được sự chú ý.
Ngày 13/7, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, nhóm 6 máy bay ném bom H-6K của Bắc Kinh đã bay qua eo biển Miyako, giữa hai đảo phía nam của Nhật Bản. Dù máy bay Trung Quốc chưa xâm phạm không phận nhưng Tokyo cho rằng động thái này là "bất thường".
Một tuần sau (20/7), Bộ Quốc phòng Nhật Bản tiếp tục thông báo, 8 máy bay ném bom H-6K và 2 chiến đấu Y-8 bay qua eo biển Bashi và eo biển Miyako.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã phản pháo rất nhanh rằng: "Nhật Bản nên quen với việc máy bay Trung Quốc lướt qua". Không quân Trung Quốc cũng tuyên bố, đây là hoạt động bình thường của quân chủng này.
Song song với các cuộc diễn tập của hai binh chủng hải quân và không quân, lực lượng lục quân Trung Quốc mới đây đã tổ chức bắn đạn thật ở Tây Tạng trong bối cảnh leo thang căng thẳng tại biên giới Trung-Ấn.
Giới phân tích đánh giá, động thái diễn tập liên tiếp của tam quân Trung Quốc không phải ngẫu nhiên mà mang ý nghĩa sâu xa.
Xét về mặt đối nội, năm nay đánh dấu kỷ niệm 90 năm thành lập PLA. Theo thông lệ, "5 năm tổ chức lễ kỷ niệm nhỏ, 10 năm tổ chức lễ kỷ niệm lớn", Bắc Kinh đang phát đi những tín hiệu đặc biệt.
Ví như, kênh truyền hình trung ương Trung Quốc gần đây phát sóng loạt chuyên đề mang tên Quân đội Trung Quốc, Bộ chính trị đảng cộng sản Trung Quốc ngày 25/7 tổ chức nghiên cứu tập thể lần thứ 42, nhấn mạnh thúc đẩy phát triển cải cách quân đội và quốc phòng theo chiều sâu.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hồng Kông) ngày 24/7 dẫn lời quan chức quân đội Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh sẽ tổ chức giải đấu quân sự thay vì duyệt binh nhân kỷ niệm 90 thành lập quân đội.
Binh lính Trung Quốc tại cơ sở đào tạo chiến thuật Chu Nhật Hòa (Zhourihe). Ảnh: Bộ Quốc phòng Trung Quốc.
Xét về đối ngoại, tình hình bán đảo Triều Tiên và căng thẳng biên giới Trung-Ấn ngày càng leo thang khiến phía Đông và Tây Trung Quốc đồng thời đối mặt với áp lực an ninh. Theo giới chuyên gia, mục đích cuộc tập trận bắn đạn thật ở Tây Tạng chính là cảnh cáo Ấn Độ, song song với những tuyên bố cảnh báo trên truyền thông.
Ngoài ra, những cuộc tập trận này cũng được coi là bước chuẩn bị cho tình huống xấu như phát sinh xung đột hoặc chiến tranh. Trước đây, Trung-Ấn từng bùng phát chiến tranh do tranh chấp biên giới nên trước tình hình căng thẳng mới đây - cả hai nước thực sự rất khó đưa ra một đáp án chính xác cho cục diện hiện tại.
Giới phân tích phân tích cũng cho rằng, những cuộc diễn tập với tần suất dày đặc của tam quân Trung Quốc mục đích là để rèn luyện, nâng cao khả năng tác chiến của quân đội, đồng thời cảnh cáo rằng, Trung Quốc đã chuẩn bị các cuộc tấn công trên mọi mặt trận.