Thủ tướng Italy Mario Draghi (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong chuyến thăm Irpin, Ukraine. Ảnh: AP
Trừng phạt Nga nhưng phương Tây cũng chịu tổn thất
Giá khí tự nhiên đã tăng gấp 4 lần ở Italy và Mỹ.
"Giá nhiên liệu tăng. Hàng tạp hóa tăng. Giá cả mọi thứ đều tăng", đó là những người dân Mỹ và châu Âu thốt lên vào lúc này.
Mối lo ngại hiện nay đã vượt qua vấn đề lạm phát. Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio gần đây cảnh báo, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine có thể gây ra cuộc chiến bánh mì trên toàn cầu, dẫn tới nạn đói ở châu Phi và một làn sóng di cư mới đổ về châu Âu.
"Vấn đề với các lệnh trừng phạt Nga là chúng chỉ có hiệu quả chúng cũng gây tổn hại cho chính chúng ta", nhà quan sát Roberto Pesciani nhận định trên Los Angeles Times.
Tác động kinh tế nặng nề đang gây ra những vấn đề chính trị cho các nước châu Âu tham gia cùng với Mỹ vào chiến dịch trừng phạt Nga.
Nathalie Tocci, Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế Italy nhận định: "Tác động đau đớn của các lệnh trừng phạt ở phương Tây lớn hơn nhiều so với Nga nhưng sức chịu đựng của chúng ta thì lại thấp hơn. Vì thế, câu hỏi là liệu khả năng tiến hành chiến dịch quân sự của Nga lớn hơn hay khả năng chống chịu với các tổn thất kinh tế của chúng ta lớn hơn?”
Phương Tây cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh cược Nga sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến này.
Các lệnh trừng phạt của phương Tây "ngay từ đầu đã không có cơ hội thành công", nhà lãnh đạo Nga nhận định trong bài phát biểu tại St. Petersburg ngày 17/6.
"Chúng ta là một dân tộc mạnh mẽ và có thể đối phó với bất kỳ thách thức nào", Tổng thống Putin tuyên bố.
Mệt mỏi vì cuộc chiến ở Ukraine
Những lo ngại của châu Âu đã được phản ánh trong một cuộc khảo sát được tiến hành ở 10 nước châu Âu vào tuần trước của Hội đồng Đối ngoại châu Âu.
Hầu hết các nước châu Âu đều đổ lỗi cho Nga vì đã bắt đầu cuộc chiến nhưng họ vẫn chia rẽ về cách thức phản ứng với Moscow. Tại Pháp và Đức, phần lớn những người được hỏi (40%) mong muốn một thỏa thuận hòa bình. Họ muốn chiến tranh kết thúc sớm nhất có thể, thậm chí cả khi điều đó buộc Ukraine phải nhượng bộ Nga. Trong khi đó, 20% cho rằng họ sẽ đứng về phía "công lý", đó là Nga sẽ bị đánh bại hoàn toàn, thậm chí cả khi điều đó đồng nghĩa với việc chiến tranh kéo dài.
Tại Italy, số người đứng về phía quan điểm ủng hộ hòa bình thậm chí còn lớn hơn, với tỷ lệ 52%.
Bất chấp điều đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Italy Mario Draghi đã đi một chuyến tàu đêm từ Ba Lan tới Kiev vào tuần trước để thể hiện sự ủng hộ với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Cách đây một vài tuần, cả 3 nước này đều thể hiện sự dao động về cục diện chiến tranh ở Ukraine. Tổng thống Pháp Macron đã có những nỗ lực công khai để thuyết phục Nga ngồi vào bàn đàm phán và nói rằng, phương Tây nên tránh "làm bẽ mặt" Nga. Thủ tướng Đức Scholz và Thủ tướng Italy Draghi cũng có những nỗ lực kín đáo để xem liệu Nga có cân nhắc đến đàm phán hay không.
Tuy nhiên, tuần trước, 3 nhà lãnh đạo châu Âu lại thể hiện lập trường cứng rắn về cuộc chiến ở Ukraine.
Ukraine "phải giành chiến thắng", Tổng thống Macron tuyên bố.
"Ukraine là một phần của gia đình châu Âu", Thủ tướng Scholz bình luận.
"Người dân Ukraine sẽ bảo vệ các giá trị dân chủ", Thủ tướng Draghi khẳng định.
Dù vậy, cả 3 nhà lãnh đạo này đều không đề cập điều mà Tổng thống Zelensky mong muốn nhất. Đó là nhanh chóng cung cấp các vũ khí mới.
Các nhà lãnh đạo này đã tán thành với đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Ukraine với một tuyên bố hoan nghênh việc kết nạp Kiev nhưng đây chỉ là một động thái gần như mang tính biểu tượng.
Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Thủ tướng Anh Boris Johnson đều cho rằng phương Tây phải chuẩn bị cho cuộc chiến lâu dài ở Ukraine, giữa bối cảnh Nga ngày càng đạt được nhiều bước tiến ở chiến trường phía Đông Ukraine.
Ông Stoltenberg cho rằng không ai biết cuộc xung đột sẽ kéo dài bao lâu nhưng "chúng ta cần chuẩn bị cho thực tế rằng cuộc xung đột này có thể kéo dài một vài năm".
"Chúng ta không được dừng sự ủng hộ cho Ukraine. Thậm chí cả khi chi phí cho cuộc chiến này tăng cao, không chỉ là về sự hỗ trợ quân sự mà còn bởi giá năng lượng và lương thực tăng".
Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng cảnh báo về điều mà ông cho là "sự mệt mỏi vì cuộc chiến ở Ukraine" trên thế giới sau gần 4 tháng xung đột. Trở về sau chuyến thăm thủ đô Kiev, ông Johnson đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc các nước phương Tây cần sát cánh với Kiev về dài hạn.
Phép thử với phương Tây
Nga đã phản ứng trước các lệnh trừng phạt của phương Tây bằng cách dừng dòng chảy khí tự nhiên tới phương Tây như một lời nhắc nhở về những công cụ của Moscow sở hữu nhằm gây ảnh hưởng đến nền kinh tế của những nước này.
Trong khi Mỹ ở một vị thế "dễ chịu" hơn so với châu Âu vì không quá phụ thuộc vào khí đốt Nga thì ở trong nước, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đang khiến lạm phát tăng cao kỷ lục, điều đang khiến người dân Mỹ giảm dần sự ủng hộ với cuộc chiến ở Ukraine.
Vào tháng 4/2022, cuộc khảo sát của AP cho thấy phần lớn cử tri Mỹ cho rằng Washington nên áp đặt những biện pháp trừng phạt cứng rắn lên Nga thậm chí cả khi điều đó khiến Mỹ chịu tổn thất về kinh tế. Tuy nhiên, vào tháng 5, tỷ lệ này đã thay đổi khi 51% cử tri được hỏi cho rằng ưu tiên hàng đầu nên là hạn chế những tổn thất đối với nền kinh tế Mỹ.
Nhà quan sát Gideon Rachman nhận định với Financial Times vào tháng trước rằng cuộc chiến ở Ukraine đang diễn ra trên 3 mặt trận và phương Tây liên quan đến cả 3 mặt trận này.
"Mặt trận đầu tiên là bản thân cuộc chiến. Mặt trận thứ hai là kinh tế và mặt trận thứ ba là cuộc chiến của ý chí".
Thách thức lớn nhất với mặt trận thứ ba của phương Tây có lẽ sẽ đến vào mùa thu này, khi mà nhu cầu về nhiên liệu để sưởi ấm tăng cao và khối đoàn kết của phương Tây sẽ xuất hiện ngày càng nhiều rạn nứt, trong khi Tổng thống Biden phải quay lại Quốc hội để đề nghị thông qua hàng tỷ USD hỗ trợ bổ sung cho Ukraine.
Liệu sự mệt mỏi qua thời gian vì cuộc chiến ở Ukraine có khiến phương Tây "đầu hàng" trước những sức ép kinh tế hay họ sẵn sàng chấp nhận mọi tổn thất để hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến trường kỳ với Nga? Câu trả lời, có lẽ phải đợi khi mùa đông tới./.