Tâm lý đám đông: Vòng xoáy khiến những giá trị lệch chuẩn được tôn vinh trên mạng xã hội

Ban Thời sự |

Sự ủng hộ của đám đông bất chấp đúng sai đã khiến cho không ít giá trị lệch chuẩn được tôn vinh, tốt xấu trở lên mơ hồ và khó phân định trên không gian mạng.

Nhiều người sản xuất nội dung trên mạng xã hội thừa nhận những lời cổ vũ và bình luận của cư dân mạng có sức hút rất lớn, khiến người làm nội dung khó từ bỏ con đường theo nội dung kém chất lượng, gây tranh cãi. Sức ép từ đám đông và sự hấp dẫn từ thứ được cho là "quyền lực ngầm" khi được đám đông tung hô trên mạng xã hội là có thật. Sự ủng hộ của đám đông bất chấp đúng sai đã khiến cho không ít giá trị lệch chuẩn được tôn vinh, tốt xấu trở lên mơ hồ và khó phân định.

"Sự cổ vũ ảo trên mạng xã hội tạo ra vòng xoáy cho chúng ta, từ câu chuyện đếm like, share, dẫn đến việc ngộ nhận về ảnh hưởng của mình đến xã hội. Điều đó nghiêm trọng nếu những chia sẻ, hành động trên mạng ảnh hưởng tới những người khác và cộng đồng nói chung", ông Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội chia sẻ.

Tâm lý đám đông: Vòng xoáy khiến những giá trị lệch chuẩn được tôn vinh trên mạng xã hội - Ảnh 1.

Chưa bao giờ, một người bình thường có thể dễ dàng được đông đảo mọi người biết đến và rộng khắp như hiện nay. Một hành động đẹp được ghi hình lại đưa lên mạng, người đó sẽ nổi tiếng. Nhưng cũng có những trường hợp nổi tiếng theo cách khó chấp nhận được như ngồi bất động nhìn vào điện thoại, đập phá xe máy, làm những điều kỳ quặc, nói tục chửi bậy… Sự nổi tiếng quá nhanh và được đám đông ủng hộ đã khiến nhiều người bất chấp mọi hậu quả, mọi hành vi xấu để tìm cách thu hút được lượng người theo dõi.

"Người ta cho rằng nền tảng mạng xã hội cho người dùng một nền tảng miễn phí để biến một người không có danh tiếng trở lên nổi tiếng sau một đêm rất nhanh. Chính khi nền tảng quá dễ dàng, sự tương tác công chúng rất nhiều, nó tạo ra những người ấy sự ảo tưởng về sự tung hô. Họ sẽ dễ vượt qua ranh giới pháp luật, vượt qua việc tôn trọng sự riêng tư của người khác, rơi vào cuộc ném đá tập thể hay làm nhục ai đó, thậm chí vượt qua ranh giới. Nói trên bề mặt tâm lý, những đám đông với sự chia sẻ, tung hô hay bình luận ấy tạo ra sự ảo tưởng trên không gian mạng", bà Phạm Hải Chung – Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Đại học LHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay.

Gần đây, các chuyên gia đã nhắc tới một hội chứng mang tên hội chứng sợ bị bỏ rơi. Trên mạng xã hội, hội chứng này thể hiện ở việc nhiều người sợ bản thân bị loại khỏi một trải nghiệm chung tích cực hoặc đáng nhớ. Vì thế, họ rượt đuổi tham gia các câu chuyện, các vấn đề mà đám đông có xu hướng quan tâm. Điều đó làm hình thành các đám đông khổng lồ hùa theo chủ đề được khuấy lên. Kể từ khi mạng xã hội hình thành, có vô số các làn sóng tương tác do đám đông gây ra. Các làn sóng này bùng lên rồi thoái trào, rồi lại xuất hiện các làn sóng mới. Đặc tính của những đám đông kiểu này là không có chính kiến và dễ thay đổi.

Tâm lý đám đông: Vòng xoáy khiến những giá trị lệch chuẩn được tôn vinh trên mạng xã hội - Ảnh 2.

Bà Phạm Hải Chung – Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Đại học KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội.

Ở một góc độ khác, các chuyên gia truyền thông chỉ ra rằng khi bị dẫn dắt một cách mù quáng bởi những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội thì chính đám đông lại trở thành nạn nhân, bị lợi dụng vào nhiều mục đích khác nhau như tấn công có chủ đích, hạ nhục ai đó, bóp méo một sự việc, vấn đề theo ý đồ xấu, thậm chí nhiều trường hợp còn nhằm tác động tới chính sách của cơ quan quản lý nhà nước hoặc phá hoại, chống phát chính quyền. Những người dễ dàng bị dẫn dắt, kích động thường là thiếu thông tin đầy đủ, thiếu hiểu biết về các vấn đề xã hội, sẵn mang theo định kiến cá nhân hay chụp mũ, quy kết người khác.

Một điều không thể phủ nhận, mạng xã hội với người dùng đông đảo có thể sức tác động rất lớn. Nếu bị sử dụng cho mục đích xấu thì sẽ tạo ra hậu quả khó lường. Nếu có thể hướng sức mạnh đám đông vào mục đích tốt đẹp thì sẽ có những phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ. Điều đó cho thấy mỗi người dùng mạng cần tỉnh táo, thận trọng, trách nhiệm hơn trong các bình luận của mình, tránh gây ảnh hưởng tới người khác, không để bị lôi kéo vào các mục đích xấu, nhằm tạo ra một không gian mạng, văn hóa mạng lành mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại