Chưa bao giờ hết khổ
Theo lời khẩn cầu, chúng tôi tìm đến nhà bà Lê Thị Kim Tuấn (SN 1955), trú thôn Phú Bình, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, Quảng Nam đúng lúc cơn mưa nặng hạt trút xuống.
Biết chúng tôi hỏi nhà bà Tuấn, ông Ngô Công Cần, trưởng thôn Phú Bình nhiệt tình dẫn đường, vừa đi ông vừa chia sẻ: “Tội nghiệp lắm chú ơi, chưa bao giờ tôi thấy bà ấy hết khổ cả.
Hết chăm sóc mẹ tâm thần rồi đến một mình vất vả nuôi con. Cứ ngỡ khi con lớn khôn, bà ấy sẽ được an nhàn hơn, thế nhưng mới đây thằng con trai của bả lại bị chấn thương sọ não, giờ nằm một chỗ không có tiền lo thuốc thang…”.
Bà Tuấn một mình chăm sóc con trai và cháu nội
Có lẽ vì quá lo lắng cho đứa con đang thừa sống thiếu chết trên giường bệnh nên khi chúng tôi vừa đến thăm, người mẹ bất hạnh ấy đã vội quỳ xuống nền nhà mà chắp tay khẩn cầu xin cứu lấy mạng sống đứa con của mình trước sự ngỡ ngàng của những người chứng kiến.
Phải đợi một lúc lâu, thì chúng tôi mới khuyên được bà đứng dậy và phải mất thêm một lúc lâu nữa thì người mẹ bất hạnh ấy mới bình tâm lại để kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời đầy bĩ cực, truân chuyên của mình trong những giọt nước mắt chua xót.
Sinh ra trong một gia đình nghèo đến nỗi “không còn cái mồng tơi để rớt”.
Rồi lớn lên, bà lấy chồng nhưng bất hạnh lại đến khi ngày bà biết mình mang thai đứa con đầu lòng cũng là lúc người chồng vô tâm bỏ đi biệt tích. Ngậm đắng nuốt cay, bà một mình gồng gánh nuôi nấng anh Trần Văn Hai (SN 1986) nên người.
Rồi khó khăn cũng dần vơi bớt đi khi người con trai khôn lớn, cưới vợ và sinh con. Thế nhưng hạnh phúc của người mẹ nghèo ấy nào có trọn vẹn, khi vợ chồng con trai mới sinh cho bà được đứa cháu nội thì cũng là lúc họ dắt nhau ra tòa ly dị.
Nước mắt mẹ già
Bà động viên con trai cố gắng làm lụng để nuôi nấng đứa cháu mới 4 tuổi khôn lớn.
Nhưng nghiệt ngã thay, nỗi đau lại một lần nữa dằn vặt vào thấu tâm can người mẹ nghèo bất hạnh, khi vào đầu tháng 1/2015, trên đường đi làm ruộng thì anh Hai bị tai nạn giao thông.
Các bác sĩ cho biết anh bị chấn thương sọ não và khó có thể cứu được tính mạng.
Gia đình nghèo khó chỉ biết trông chờ vào hai sào ruộng đến ăn còn không đủ, nhưng vì thương con, bà đành chạy vạy vay mượn khắp nơi hàng chục triệu đồng để có tiền phẫu thuật cho con.
Thế nhưng vừa phẫu thuật lấy hộp sọ ra nuôi nhân tạo được vài ngày, bác sỹ bảo phải nằm viện để theo dõi tình hình sức khỏe.
Nhưng vì không có tiền, nhà lại chẳng còn thứ chi để bán, chưa kể số nợ vay mượn có thể đến hết đời bà cũng không thể trả hết nên bà đành nuốt nước mắt đưa con trốn viện về nhà nằm đợi chờ “phép màu”.
Từ khi ra viện đến nay anh Hai cứ nằm bất động một chỗ, từ chuyện ăn, uống, vệ sinh cá nhân đều do một tay bà Tuấn chăm sóc.
Không quản ngại nắng mưa, ngày qua ngày, thân già còm cõi ấy lại lam lũ để kiếm tiền mua thuốc cho con và chăm sóc đứa cháu thơ dại.
Những khi trái gió, trở trời nhìn con rên xiết vì đau đớn mà lòng bà cứ dằn vặt vì không biết lấy chi bán để đưa con nhập viện.
Từ ngày con bị tai nạn đến giờ, chưa đêm nào bà ngủ ngon giấc, cứ nhắm mắt là nghe con rên vì đau, nước mắt bà lại chảy dàn giụa. Có lẽ đến khi nhắm mắt xuôi tay, bà vẫn chưa thể yên lòng khi nhìn con quằn quại trong đau đớn bệnh tật…
Đút từng muỗng cháo cho con, bà Tuấn nghẹn ngào: “Chuẩn bị đến hạn đưa nó đến bệnh viện để mổ lắp hộp sọ lại rồi mà chừ nhà tôi chẳng có được thứ chi đáng giá tiền trăm nữa chứ biết kiếm đâu ra 50 triệu để lo phẫu thuật cho nó.
Không biết tôi còn sống được bao lâu nữa để chăm sóc nó đây, tôi mà chết sớm thì chắc nó cũng chết theo luôn quá, rồi còn đứa cháu nhỏ của tôi biết nương tựa vào ai đây?!”.
Hãy chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh thương tâm bằng cách gửi tiền ủng hộ đến Quỹ Tấm lòng Thiện, Báo điện tử Trí Thức Trẻ.
Tài khoản: 1912.832.546.5015
Báo Điện tử Trí Thức Trẻ - Techcombank Lĩnh Nam - Hà Nội
Địa chỉ: Tầng 21 Toà nhà Center Building, Hapulico. Số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội
Hoặc: Gửi trực tiếp bà Lê Thị Kim Tuấn, trú tổ 2, thôn Phú Bình (thôn 10), xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
Tòa soạn sẽ là nhịp cầu nối Tấm lòng thiện của độc giả tới những hoàn cảnh khó khăn.