Lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra kho hàng quốc nội Vietnam Airlines (sân bay Tân Sơn Nhất) thu giữ hơn 4 tấn hàng không có hoá đơn chứng từ gồm quần áo, đồ gia dụng, đồ chơi trẻ em.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, trong 2 ngày 15-16/6/2020, Đội Quản lý thị trường số 3, Cục Quản lý thị trường TPHCM (Tổng cục Quản lý thị trường) đã thực hiện phương án khám phương tiện vận tải, đồ vật tại Kho hàng quốc nội Vietnam Airlines (sân bay Tân Sơn Nhất).
Toàn bộ các kiện hàng thuộc vận đơn 73845261742 trên chuyến bay VN1820. Đội Quản lý thị trường số 3 lập Biên bản khám phương tiện vận tải, đồ vật với ông Mai Ngọc Duẩn – nhân viên Công ty TNHH TM DV vận tải YES.
Kiểm tra hàng hóa thực tế thuộc vận đơn trên chuyến bay VN1820 là 168 kiện hàng hóa (hơn 4 tấn hàng) gồm quần áo, đồ gia dụng, đồ chơi trẻ em. Đây là số lượng hàng hóa rất lớn vận chuyển theo đường hàng không.
Do điều kiện tại kho hàng Quốc nội Vietnam Airlines – Chi nhánh khu vực miền nam (địa chỉ số 49 Trường Sơn, Phường 2, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) không thuận lợi để kiểm đếm hàng hóa thực tế, đồng thời ông Mai Ngọc Duẩn chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ nên Cục Quản lý thị trường đã tạm giữ, niêm phong toàn bộ hàng hóa chuyển về kho tang vật để kiểm đếm thực tế mặt hàng, chủng loại, số lượng.
Trước đó, vào ngày 2/6, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội tiến hành khám lô hàng có vận đơn số 738.4744-6512 được vận chuyển từ sân bay Tân Sơn Nhất đến sân bay quốc tế Nội Bài.
Kết quả kiểm tra cho thấy toàn bộ số hàng hóa này được sản xuất tại nước ngoài và không có hóa đơn chứng từ kèm theo.
Theo nhận định ban đầu, đây là lô hàng có giá trị lớn nằm trong một đường dây chuyên vận chuyển hàng lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thường xuyên lợi dụng đường hàng không để đưa hàng vào sâu nội địa, cất giấu trong các kho chứa chuyên nghiệp.
Các mặt hàng bao gồm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung, thuốc tân dược, đồ gia dụng, đồ chơi (con thú), sữa các loại với tổng số 1.877 sản phẩm được đựng trong 43 kiện và 10 thùng chứa hàng.
Theo Bộ Công Thương, qua hai vụ việc trên cho thấy việc lợi dùng đường hàng không để vận chuyển hàng lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thường xuyên lợi dụng đường hàng không để tiến hành việc đưa hàng vào sâu nội địa, cất giấu cả trong các kho chứa chuyên nghiệp.
Lực lượng Quản lý thị trường đã ban hành quyết định tạm giữ, niêm phong toàn bộ số hàng hóa trên đồng thời đề nghị thông báo cho chủ lô hàng trên đến cơ quan chức năng làm việc theo quy định của pháp luật.