Tấm ảnh phi công Vũ Xuân Thiều và câu chuyện “quả tên lửa thứ ba tiêu diệt B-52”

Trần Thanh Hằng |

Tại triển lãm “Bản hùng ca Điện Biên Phủ trên không”, khách tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam được chiêm ngưỡng bức ảnh phi công Vũ Xuân Thiều trước giờ xuất kích. Nhưng ít ai biết được, sau tấm ảnh đó là câu chuyện về tấm gương lòng dũng cảm của người Anh hùng Vũ Xuân Thiều.

"Quả tên lửa thứ ba tiêu diệt B-52"

Ngày 18/12/1972, ngay khi Ních xơn chính thức ra lệnh mở cuộc ném bom chiến lược bằng không quân vào Hà Nội và Hải Phòng và các lân cận, lực lượng phòng không ba thứ quân, đặc biệt là bộ đội tên lửa đã bắn rơi nhiều máy bay B-52 và các loại máy bay khác của Mỹ.

Không quân đã xuất kích nhiều lần, bắn rơi một số máy bay chiến thuật, nhưng qua mấy ngày vẫn chưa bắn rơi được máy bay B-52.

Các phi công giỏi nhất về nghiệp vụ, có bản lĩnh, ý chí quyết tâm cao nhất của Không quân nhân dân Việt Nam được điều về Đại đội MiG đánh đêm của Trung đoàn 921, Sư đoàn 371.

Trong những ngày chưa hạ gục được B-52, các anh đều cảm thấy áp lực, cho rằng mình chưa làm tròn trách nhiệm đối với Tổ quốc, với nhân dân. Ai nấy ra sức tập luyện, đúc rút kinh nghiệm tìm ra cách đánh mới, hạ quyết tâm bắn rơi bằng được máy bay B-52 của Mỹ.

Quyết tâm ấy đã có kết quả. Đêm ngày 27/12/1972, phi công Phạm Tuân lập chiến công đầu tiên cho Không quân khi bắn rơi 1 máy bay B-52. Thành tích ấy góp phần động viên, cố vũ niềm tin cho các phi công MiG-21 có thể hạ gục "siêu pháo đài bay B-52 bất khả xâm phạm" của đế quốc Mỹ.

Thượng úy Vũ Xuân Thiều là một phi công dày kinh nghiệm thuộc Trung đoàn 927, Sư đoàn 371.

Chính vì vậy, anh được điều về Đại đội MiG đánh đêm. Vũ Xuân Thiều rất nóng lòng được ra trận để được thử thách lập công. Trong buổi họp rút kinh nghiệm chiến đấu với B-52 diễn ra trung tuần tháng 12/1972, Vũ Xuân Thiều đã nói: "Lần sau khi phát hiện B-52, cho tôi được xuất kích tiêu diệt, bắn B-52 mà không trúng tôi sẽ lao thẳng vào chúng".

Tấm ảnh phi công Vũ Xuân Thiều và câu chuyện “quả tên lửa thứ ba tiêu diệt B-52” - Ảnh 1.

MiG-21 xuất kích đánh chặn B-52 - Ảnh Tư liệu BTLSQSVN.

Ngày 28/12/1972, mong muốn của anh thành hiện thực. Theo tin tình báo chiến lược, từ 21 giờ 30 đến 23 giờ 30 đêm 28 tháng 12, địch tập trung máy bay B-52 đánh phá Thủ đô Hà Nội.

21 giờ, Đại đội ra đa 26 đóng ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa và Đại đội ra đa 22 đóng ở Mộc Châu báo đã phát hiện các tốp máy bay B-52 đang bay vào. 21 giờ 41 phút, Phó Tư lệnh Không quân Trần Mạnh lệnh cho phi công Vũ Xuân Thiều xuất kích từ sân bay Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá.

Lúc 21 giờ 52 phút, Sở chỉ huy lệnh cho Vũ Xuân Thiều vòng phải, bay hướng 360 độ để chặn đánh B-52. Nhưng do nhiễu quá nặng, Vũ Xuân Thiều vẫn chưa phát hiện được mục tiêu. Lúc này, đồng chí Trần Xuân Mão đảm nhiệm dẫn đường trên hiện sóng ra đa phát hiện chấm trắng đục giữa nền nhiễu và khẳng định đó là B-52.

Bằng kinh nghiệm của mình, đồng chí nhận định chúng đổi hướng, bay ngược lên Sơn La rồi mới vòng xuống đánh phá Hà Nội. Sở chỉ huy lập tức lệnh cho Thiều vòng phải, bay hướng 90 độ, qua Sầm Nưa, lên hướng Bắc đuổi theo tốp B-52 đang bay về hướng Nà Sản, Sơn La.

Lúc 21 giờ 58 phút, khi đến Sơn La, Vũ Xuân Thiều phát hiện mục tiêu bên trái, phía trước một dãy đèn nhấp nháy đang bay vào, đó là đèn tín hiệu của máy bay B-52. Thiều báo cáo: "046 phát hiện quạ đen bên trái 40 độ 10 km" và ép độ nghiêng lao vào bám sát địch. Trong bầu trời tối đen, ra đa lại bị nhiễu rất nặng nên rất khó phán đoán cự ly.

Bằng mắt thường, anh dõi theo đèn tín hiệu của máy bay B-52. Lúc này tại Sở chỉ huy đã nhận được báo cáo của Vũ Xuân Thiều, ai nấy đều cảm thấy phấn khởi. Phó Tư lệnh Không quân Trần Mạnh nhắc: "046 bật công tắc bắn cả loạt, kiên quyết tiêu diệt địch".

Tấm ảnh phi công Vũ Xuân Thiều và câu chuyện “quả tên lửa thứ ba tiêu diệt B-52” - Ảnh 2.

Máy bay B-52 bị cháy trên bầu trời miền Bắc, tháng 12/2017 - Ảnh Tư liệu BTLSQSVN.

Phi công Vũ Xuân Thiều trả lời: "Nghe rõ!". Một phút sau, Sở chỉ huy hỏi: "046 công tác tốt không?" nhưng không nghe trả lời. Điện đàm liên tục tiếng gọi: "Sông Mã gọi 046?" nhưng đều không phản hồi. Tất cả cán bộ, chiến sỹ tại Sở chỉ huy tim như ngừng đập.

Phó Tư lệnh Trần Mạnh và Trần Hanh đều hiểu có điều gì đó không bình thường nhưng rất phi thường đã xảy ra. Hai người chỉ huy lóe lên suy nghĩ có thể do cự ly quá gần do ban đêm khó ước lượng bằng mắt, sau khi phóng hai tên lửa trúng mục tiêu, máy bay của Thiều đã lao vào chiếc B-52 và anh dũng hy sinh.

Tên anh đi vào lịch sử, ghi tạc trời xanh

Tuy nhiên, sự hy sinh của phi công Vũ Xuân Thiều vẫn là một ẩn số. Có ý kiến cho rằng máy bay của Vũ Xuân Thiều bị đối phương bắn hạ. Ý kiến của đồng chí Trần Mạnh và Trần Hanh mới chỉ là nhận định. Tháng 10/2002, câu chuyện về tinh thần cảm tử của Vũ Xuân Thiều được giải mã.

Nhân một chuyến sang Mỹ công tác, một số chuyên viên Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam đến thăm Viện Bảo tàng Không quân Mỹ tại Oa-sinh-tơn và được tìm hiểu cuốn sách "Không chiến trên bầu trời Bắc Việt". Trong tài liệu có ghi kỹ lưỡng về trận không chiến đêm 28/12/1972 trên bầu trời miền Bắc Việt Nam theo lời kể của các phi công Mỹ tham gia trận chiến.

Tác giả Istvan Toperczer ghi lại lời kể một phi công Mỹ lái máy bay làm nhiệm vụ vệ tinh cho chiếc B-52D bị máy bay của không quân của ta tấn công đêm hôm đó: "Chiếc máy bay MiG-21 của không quân Bắc Việt lao vút lên bầu trời. Khi phát hiện ra mục tiêu B-52 và các máy bay tiêm kích của Mỹ bảo vệ, chiếc MiG-21 đã mưu trí vượt qua hàng rào bảo vệ và tiếp cận mục tiêu.

Quả tên lửa thứ nhất phóng đi, rồi quả thứ hai, chiếc B-52 bị thương nhẹ chỉ tròng trành trong vài giây rồi vẫn gắng gượng lao đến vị trí cắt bom. Khi khói vàng vừa nhả ra thì chớp nhoáng chiếc MiG-21 lao như một mũi tên vào chiếc B-52 Mỹ. Cả hai khối sắt thép cùng nổ tung trên bầu trời...".

Tấm ảnh phi công Vũ Xuân Thiều và câu chuyện “quả tên lửa thứ ba tiêu diệt B-52” - Ảnh 3.

Tấm ảnh Anh hùng, Liệt sĩ phi công Vũ Xuân Thiều trưng bày tại triển lãm "Bản hùng ca Điện Biên Phủ trên không" - Ảnh Tư liệu BTLSQSVN.

Từ nội dung trong tài liệu này, nhận định của đồng chí Trần Mạnh và Trần Hanh về sự hy sinh dũng cảm của phi công Vũ Xuân Thiều đã được khẳng định.

Khi bám sát B-52 ở cự ly quá gần để phóng tên lửa, đối mặt với cái sống - cái chết, người lính bay quả cảm ấy đã không toan tính hạnh phúc của riêng mình, hạ quyết tâm tiêu diệt địch khi cùng chiếc MiG-21 thân yêu biến thành "quả tên lửa thứ ba" lao vào "Pháo đài bay".

Với chiến công này, ngày 20/12/1994, Thượng úy, Liệt sĩ Vũ Xuân Thiều đã được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Vũ Xuân Thiều sinh năm 1945 tại Nam Định. Vốn là cựu học sinh Trường Bưởi – Chu Văn An và là sinh viên Trường Đại học Bách Khoa. Tháng 7/1965, anh nhập ngũ, tham gia lớp huấn luyện lái máy bay MiG-21 đoàn thứ ba tại Liên Xô.

Chiếc máy bay B-52D bị Thượng úy Vũ Xuân Thiều bắn hạ đêm ngày 28/12/1972 trên bầu trời Sơn La là chiếc máy bay B-52 thứ hai bị Không quân nhân dân Việt Nam bắn hạ và là chiếc pháo đài bay cuối cùng của Mỹ bị bắn rơi trong trận Điện Biên Phủ trên không năm 1972.

Nhìn ngắm tấm ảnh của Anh hùng, Liệt sĩ Vũ Xuân Thiều cùng tại triển lãm Bản hùng ca Điện Biên phủ trên không, thế hệ hôm nay và mai sau luôn khâm phục và ghi nhớ tấm gương về lòng dũng cảm của Anh hùng, Liệt sĩ Vũ Xuân Thiều, đã góp phần xứng đáng vào chiến thắng của quân và dân ta trong 12 ngày đêm chống trả cuộc tập kích đường không của đế quốc Mỹ.

Ngày nay, tại quận Long Biên, Hà Nội có một con phố và một trường Tiểu học mang tên Vũ Xuân Thiều.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại