Uber, Grab đơn phương tăng chiết khấu lên cao, tài xế méo mặt lo vỡ nợ
Trao đổi với Tiền Phong, nhiều tài xế Uber, Grab không tránh khỏi bức xúc khi mức chiết khấu ngày càng tăng, thu nhập của họ bị ảnh hưởng lớn. Cụ thể, chiết khấu cho dịch vụ ô tô của Grab đã lên đến 28,6% còn Uber lên tới 28,375%.
Mức chiết khấu "trên trời" khiến nhiều tài xế đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Ảnh: Duy Phạm.
Anh Nguyễn Cát Phương, tài xế GrabCar chia sẻ, trung bình một ngày chạy “cật lực” 8 tiếng được 15 – 25 cuốc thì sẽ thu về 700.000 - 800.000 đồng tương ứng với khoảng 80 – 90km. Trừ chi phí hãng 25% sau đó còn 75% còn lại trừ tiếp 4,5% thuế thu nhập cá nhân, trừ phí xăng xe khoảng 20 – 30% chưa kể các chi phí phụ. Những người khỏe hơn có thể “cày” 10 – 14 tiếng mỗi ngày thu về tầm 1 – 1,3 triệu đồng nhưng sẽ ảnh hưởng đến an toàn lao động.
Tính ra, một ngày làm việc của anh Phương chỉ thu về khoảng 200.000 đồng, và đối với nhiều GrabCar khác cũng như vậy, không đủ trả tiền vay vốn ngân hàng, đặt sổ đỏ để mua xe. Nhiều tài xế đối mặt với nguy cơ vỡ nợ.
“Theo tôi được biết Uber ở thị trường Châu Âu chiết khấu của họ dưới 15%, ở thị trường Indonesia đang là 9,2% chúng tôi mong muốn Uber giảm chiết khấu để đảm bảo thu nhập cho tất cả anh em lái xe”, anh Phương chia sẻ.
Với mức thu nhập hấp dẫn ban đầu, nhiều tài xế tưởng chừng có thể làm ăn lâu dài, gắn bó với Uber, Grab. Ảnh: Duy Phạm.
Cùng cảnh ngộ, anh Phạm Hoài Nam, tài xế Uber chia sẻ, lúc đầu Uber, Grab với dịch vụ ô tô có chiết khấu thấp, chế độ ưu đãi hấp dẫn, chính những thuận lợi như vậy nên mọi người đã đồng lòng, xác định gắn bó để làm đối tác với Uber, Grab. Nhưng theo thời gian hãng tăng chiết khấu lên trong khi đó rất nhiều người phải vay ngân hàng để mua xe, giờ phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ.
“Vì khi nhìn thấy chiết khấu thấp như vậy, cuộc kinh doanh có lợi nhuận, hiệu quả cho hai bên thì chúng tôi mới dám đầu tư. Nhiều người vỡ nợ vì Grab, Uber tăng chiết khấu, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của tài xế”, anh Nam bức xúc.
Grab hẹn đối thoại, Uber “quay lưng” với tài xế
Để tìm đường “giải thoát” cho mình, hàng trăm tài xế Uber, Grab tìm đến trụ sở hãng trình bày nguyện vọng và hầu hết họ hy vọng rằng Uber, Grab sẽ giảm mức chiết khấu “trên trời” thì họ mới có thể duy trì thu nhập, ổn định cuộc sống và gắn bó lâu dài với hãng.
Sáng 15/1, hàng trăm tài xế kéo đỗ xe trước trụ sở GrabTaxi tại phố Duy Tân (Hà Nội) để phản đối, yêu cầu hạ chiết khấu khá cao của dịch vụ GrabCar, thậm chí họ dán cả khẩu hiệu lên xe.
Tài xế dán cả khẩu hiệu lên xe để yêu cầu giảm chiết khấu. Ảnh: Duy Phạm.
Sau một hồi làm việc, trao đổi với tài xế, đại diện Grab cho biết sẽ có một buổi đối thoại giữa lãnh đạo Grab và đối tác để tìm được tiếng nói chung về vấn đề chiết khấu đang ở mức cao vào ngày 18/1. Các tài xế Grab cũng sẽ thành lập hội, tổ chức có luật sư riêng để bảo vệ quyền lợi cho các lái xe.
Chiều 15/1, sự việc tương tự diễn ra, hàng trăm tài xế tập trung trước cửa tại văn phòng Uber Hà Nội phản đối mức chiết khấu cao “ngất ngưởng” của hãng. Các tài xế Uber đều mong muốn mức chiết khấu trở về con số 15%. Tuy nhiên, nhân viên Uber đóng kín cửa, không tiếp đối tác.
Đến khoảng 14h ngày 15/1, đại diện Uber có mời 3 người đại diện vào làm việc, giải tán đám đông. Các tài xế thất vọng khi khi biết đại diện Uber nói các đối tác: “Nếu không thích sử dụng dịch vụ của hãng có quyền tắt app hoặc dừng hợp tác”.
Uber đóng cửa, "quay lưng" với đối tác. Ảnh: Duy Phạm.
Không chỉ gặp khó khăn về chiết khấu, các tài xế Uber, Grab với dịch vụ ô tô còn gặp khó khi bị cấm trên 13 tuyến phố ở Hà Nội. Mức tiền thì cố định trên app Uber, Grab còn tài xế muốn trả khách thì buộc phải đi đường vòng. Những km đường đó hiển nhiên được định giá miễn phí.
“95% tài xế vay ngân hàng để chạy Grab, Uber. Chúng tôi không ổn định được cuộc sống và chuyện chia tay Uber, Grab chuyển sang loại dịch vụ khác là một điều tất yếu”, anh Phạm Hoài Nam tâm sự.