Tài xế đứng kín phòng xử vụ án taxi Vinasun kiện Grab đòi 42 tỷ đồng

Bảo Minh |

Để thu thập thêm thông tin, chứng cứ cần thiết, HĐXX quyết định tạm đình chỉ vụ Vinasun kiện Grab về việc tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Ngày 7/3, TAND TP HCM mở lại phiên xử sơ thẩm vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam.

Trước đó 1 tháng, ngày 6/2, vụ kiện từng được đưa ra xét xử nhưng HĐXX quyết định tạm dừng phiên xử để thu thập, bổ sung thêm chứng cứ.

Tại phiên tòa hôm nay, nhiều tài xế Vinasun tập trung kín phòng xử. 

Tuy nhiên, HĐXX quyết định tạm đình chỉ vụ án để thu thập thông tin theo quy định. Tòa sơ thẩm cho biết sẽ gửi quyết định thu thập thông tin, chứng cứ cần thiết đến Bộ Giao thông Vận tải, Sở Giao thông Vận tải TP HCM, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM theo thẩm quyền.

Theo đơn khởi kiện của Vinasun vào ngày 15/11/2017, Grab Việt Nam đã lợi dụng Quyết định số 24 của Bộ GTVT về "Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng" (Đề án 24), thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật gây xáo trộn thị trường vận tải hành khách bằng taxi.

Theo đó, Grap tự nhận là "Công ty công nghệ không cung cấp dịch vụ vận tải" nhưng thực chất lại là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi. Grab thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, phương thức cạnh tranh không lành mạnh, khuyến mãi tràn lan, phá giá… 

Vinasun cho rằng trong khi việc khuyến mãi phải được đăng ký trước với Sở Công Thương thì Grab lại khuyến mãi tràn lan quanh năm. Theo Nghị định 37/2006 quy định rõ về việc khuyến mại không quá 90 ngày/năm, một chương trình không quá 40 ngày, nhưng Grab tổ chức khuyến mại tràn lan, vượt quá quy định.

Những hành vi này của Grab gây thiệt hại nghiêm trọng về doanh thu, lợi nhuận cho Vinasun. Trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017 Vinasun đã bị thiệt hại gần 76 tỷ đồng, trong đó do Grab gây ra là gần 42 tỷ đồng. Do đó, phía Vinasun yêu cầu tòa buộc Grab phải bồi thường số tiền thiệt hại này.

Tài xế đứng kín phòng xử vụ án taxi Vinasun kiện Grab đòi 42 tỷ đồng - Ảnh 1.

Luật sư Nguyễn Hải Vân - bảo vệ cho quyền và lợi ích của Vinasun trả lời báo chí tại phiên tòa ngày 7/3.

Tại phiên tòa ngày 6/2, Grab khẳng định mình chỉ là đơn vị cung cấp phần mềm gọi xe cho các hợp tác xã, không phải là đơn vị kinh doanh vận tải, không quyết định giá cước cũng như các chương trình khuyến mãi...

Phía Grab cho rằng, họ có vi phạm pháp luật hay không, có làm đúng Đề án 24 hay không... thì Bộ GTVT mới là cơ quan có thẩm quyền xử lý. Và việc này Vinasun chưa cung cấp được bằng chứng. Nếu cho rằng hoạt động của Grab gây thiệt hại, VinaSun phải khiếu nại quyết định cho phép đề án thí điểm lên Bộ trưởng GTVT hoặc khiếu kiện hành chính, chứ không phải vụ kiện này.

Bị đơn cũng phản bác quan điểm cho rằng Grab vi phạm về cạnh tranh, khuyến mại tràn lan… Bởi nếu có, Bộ Công thương đã phạt họ. Đối với yêu cầu bồi thường của Vinasun, Grab cho rằng nguyên đơn phải chứng minh Grab có hành vi vi phạm pháp luật, Vinasun có thiệt hại thực tế và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật và thiệt hại.

Do đó, phía Grab đề nghị tòa bác yêu cầu của phía nguyên đơn và đình chỉ giải quyết vụ án.

Đại diện Vinasun: "Chúng tôi sẽ tiếp tục thu thập thêm chứng cứ"

Tại phiên tòa trước đó, ông Mã Bửu Thịnh - đại diện Grab thông tin trước tòa Grab có hơn 100 hợp tác xã là đối tác và hứa sẽ cung cấp đầy đủ danh sách, cũng như thông tin các hợp tác xã này cho Hội đồng xét xử theo yêu cầu. Grab cũng cam kết cung cấp các thông tin theo yêu cầu của Hội đồng xét xử chậm nhất trong ngày 6/3. Tuy nhiên, đến hết ngày tòa vẫn chưa nhận được danh sách các hợp tác xã cũng như các chứng từ pháp lý khác.

Đại diện Grab cho biết: "Sáng nay, TAND TP HCM đã có quyết định tạm đình chỉ phiên tòa để thu thập chứng cứ. Chúng tôi đã nộp tất cả chứng cứ cho tòa, tòa thông báo Vinasun cũng chưa nộp thêm chứng cứ nào cho tòa".

Luật sư Nguyễn Hải Vân - đại diện phía Vinasun trao đổi với báo chí: "Theo quy định của pháp luật thì tòa yêu cầu bị đơn cung cấp danh sách hợp tác xã mà bị đơn đã ký hợp đồng để tiến hành kinh doanh vận tải. Tuy nhiên đến nay chúng tôi chưa thấy bị đơn cung cấp.

Chúng tôi kiện liên quan tới vấn đề khuyến mãi chứ không phải vi phạm Luật cạnh tranh như phía bị đơn cung cấp. Chúng tôi kiện bồi thường vi phạm ngoài hợp đồng là đúng quy định của pháp luật. Về chứng cứ thì chúng tôi đã cung cấp 15 chứng cứ trong đó có 13 vi bằng. Trong thời gian tạm đình chỉ phiên tòa chúng tôi sẽ tiếp tục thu thập chứng cứ".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại