Đánh lái là tình thế cấp thiết
Liên quan đến sự việc anh Đỗ Văn Tiến (trú tại xã Kỳ Sơn, huyện Thuỷ Nguyên, TP. Hải Phòng) điều khiển xe tải chở đá đã đánh lái để tránh 2 người ngã ra giữa đường rồi sau đó va chạm với 2 xe con bên đường lật nghiêng, trao đổi với PV dưới góc độ pháp lý về vụ việc trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội) cho biết:
Qua nghiên cứu tình huống của tài xế xe tải đang lưu thông trên đoạn đường nội thị với tốc độ cho phép thì bất ngờ gặp tình huống hai xe máy đi ngay phía trước với khoảng cách rất gần, cùng chiều xảy ra va chạm khiến hai người ngã xuống giữa đường.
Hiện trường vụ tai nạn.
Ngay lập tức lái xe đã phản xạ rất nhanh và bình tĩnh đánh lái tránh đâm vào 2 người bị ngã nằm ra đường trước đầu xe.
"Hành vi đánh lái của tài xe đã tránh gây thương vong cho hai người đi đường nhưng đã gây thiệt hại cho phương tiện trên đường và bản thân xe tải của mình.
Trong trường hợp này, lái xe tải gây thiệt hại về tài sản cho hai ô tô trên đường (kể cả trường hợp thương vong) thuộc trường hợp tình thế cấp thiết được quy định tại Điều 23 Bộ luật hình sự 2015 là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật", Luật sư Thơm bày tỏ quan điểm.
Thuộc trường hợp miễn trừ trách nhiệm dân sự
Luật sư Thơm cũng cho biết,về mặt xã hội, chúng ta coi việc hành động trong tình thế cấp thiết đánh lái tránh 2 người ngã ra giữa đường của tài xế Đỗ Văn Tiến là hành động có ích.
Video tài xế đánh lái tránh 2 người ngã ra đường.
Thông thường, nhiều lái xe bị bất ngờ khi gặp chướng ngại vật đã đánh xe và lao thẳng vào phía bên đường, có thể lao vào nhà dân.
Nhưng trong trường hợp này, lái xe sau khi đánh lái tránh được 2 người ngã ra giữa đường đã tiếp tục bẻ lái trở lại nhằm hạn chế thấp nhất việc va chạm trực tiếp với nhà dân, tránh gây hậu quả lớn là việc làm cần thiết, dù có gây hư hỏng tài sản cho hai chiếc xe ô tô cũng là trường hợp thuộc tình thế cấp thiết.
Hiện trường vụ tai nạn.
Do đó, việc gây thiệt hại về tài sản trong tình thế cấp thiết, theo quy định tại Điều 601 Bộ luật dân sự 2015 thì lái xe và chủ phương tiện thuộc trường hợp miễn trừ trách nhiệm dân sự.
"Trong trường hợp này căn cứ theo pháp luật thì lái xe Đỗ Văn Tiến sẽ được miễn trừ tiền bồi thường đối với 2 chiếc xe con bị hư hỏng mà chiếc xe tải của anh này điều khiển xảy ra va chạm.
Việc sửa chữa 2 chiếc xe hư hỏng sẽ được bảo hiểm chi trả...", Luật sư Thơm nêu quan điểm.
Tài xế Đỗ Văn Tiến chia sẻ sau vụ tai nạn.
Trước đó, vào khoảng 13h ngày 29/3, trên đường 359C (xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) đã xảy ra vụ tai nạn liên hoàn khiến xe tải bị lật và hai xe con đỗ bên đường hư hỏng nặng.
Qua trích xuất hình ảnh camera an ninh của người dân tại hiện trường vụ tai nạn cho thấy tài xế xe tải đã gặp phải tình huống bất khả kháng.
Vào thời điểm trên, xe tải BKS 15C - 010.14 do tài xế Đỗ Văn Tiến đang chở đá theo hướng QL 10 về TT Núi Đèo.
Chiếc xe con bị hư hỏng sau vụ việc.
Cùng lúc đó, trước cửa nhà nghỉ Đức Việt, 2 nữ sinh đi trên xe máy đã va chạm giao thông ngã ra ngay trước đầu xe tải.
Thấy vậy, anh Tiến nhanh chóng bẻ lái tránh việc xảy ra tai nạn thương tâm. Sau khi tránh được 2 nữ sinh, anh Tiến tiếp tục đánh lái trả lại để tránh đâm trực tiện vào nhà dân nhưng do xe chở nặng nên chiếc xe xảy ra va chạm với hai ô tô đỗ bên đường rồi lật nghiêng.
Tài xế Đỗ Văn Tiến tâm sự sau vụ tai nạn.
Điều 23 Bộ luật hình sự 2015. Tình thế cấp thiết
1. Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa. Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm.
2. Trong trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, thì người gây thiệt hại đó phải chịu trách nhiệm hình sự.
Điều 601 Bộ luật dân sự 2015. Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra
1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.
Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật.
2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
3. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây: a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
4. Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại. Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại