Tuy nhiên, nếu chia sẻ về bản thân không đúng cách, bạn có thể tự làm cản trở con đường thăng tiến của mình.
Tổ chức TalentSmart của Mỹ từng tiến hành thử nghiệm với 1 triệu người và nhận thấy những người giữ vị trí cao thường là những người có chỉ số trí tuệ cảm xúc cao (90%). Họ rất giỏi đọc vị cảm xúc của người khác, biết rõ bản thân nên và không nên tiết lộ điều gì chốn công sở.
Dưới đây là những điều bạn không nên công khai ở nơi làm việc
1. Quan điểm chính trị
Việc tỏ ý phản đối quan điểm chính trị của người khác có thể thay đổi nhận thức của họ về bạn một cách nhanh chóng vì quan điểm chính trị vốn được coi là gắn liền với hệ giá trị của mỗi cá nhân.
Mỗi người có một quan điểm chính trị khác nhau và xây dựng cuộc sống của họ theo lý tưởng và niềm tin đó. Hãy sẵn sàng lắng nghe quan điểm của người khác nhưng nếu không đồng tình thì cũng không nên thể hiện ra ngoài.
Thách thức quan điểm chính trị của người khác sẽ khiến họ phán xét bạn nhiều hơn, chưa kể việc nói để thay đổi nhận thức của họ là điều rất khó khả thi.
2. Nghĩ ai đó không đủ năng lực
Cơ quan nào cũng có những người kém năng nổ và rất có thể bạn là người biết rõ điều đó. Nếu bạn không có khả năng giúp họ tiến bộ hay sa thải họ thì bạn cũng không nên nói ra điều này với những người khác.
Việc bóc mẽ người khác cũng không khiến bạn trở nên giỏi hơn và rủi ro thay, đến một ngày nào đó bạn có thể trở thành nạn nhân của những bình luận tiêu cực từ phía đồng nghiệp.
3. Tiền lương của bạn
Không có công ty nào trả lương công bằng một cách tuyệt đối, vậy nên việc tiết lộ tiền lương có thể khiến đồng nghiệp của bạn nảy sinh ý nghĩ so sánh.
Ngay sau khi bạn tiết lộ mức lương của mình, mọi việc bạn làm đều sẽ bị soi xét.
4. Sự chán nản trong công việc
Mỗi khi mất động lực làm việc, chúng ta thường hay ca thán với đồng nghiệp rằng mình chán công việc này đến mức nào.
Điều này vô tình khiến bạn trở thành người mang năng lượng tiêu cực, làm giảm tinh thần của cả tập thể. Sếp sẽ nhanh chóng nhận thấy ai là người không theo kịp tiến độ công việc và luôn sẵn sàng thay thế vị trí của bạn bằng những nhân tố nhiệt huyết khác ngay cạnh bạn.
5. Bạn làm gì trong phòng ngủ
Cuộc sống hôn nhân của bạn trong phòng ngủ là chuyện cá nhân, ở nơi làm việc không có chỗ cho những thông tin riêng tư đó. Đồng nghiệp có thể cười khúc khích với câu chuyện bạn kể, hoặc khó chịu hay thậm chí phản đối. Chưa kể, bạn có thể để lại tiếng xấu nếu cứ vô tư đem chuyện nhà ra kể ở cơ quan như vậy.
Bên cạnh đó, bạn cũng không nên công khai nhận định của mình về chuyện riêng tư của các đồng nghiệp khác: đoán già đoán non về cách ứng xử của cô này trong chuyện tình cảm, anh này có thói quen gì khi ở cạnh vợ…
Dù không nói ra nhưng những người khác sẽ dần hình thành định kiến với bạn nếu bạn mang chuyện riêng của người khác ra mổ xẻ.
6. Quá khứ phóng túng của bạn
Quá khứ tiết lộ nhiều thứ về bạn. Những người xung quanh hoàn toàn có lý do để tin rằng những lỗi lầm trong quá khứ của bạn sẽ tiếp diễn. Tốt hơn hết là giữ kín thông tin này.
7. Bạn đang tìm việc
Tiến sĩ Travis Bradberry, đồng tác giả cuốn sách bán chạy nhất về trí tuệ cảm xúc Emotional Intelligence 2.0, kể về kỉ niệm đáng nhớ với huấn luyện viên bóng chày khi ông còn nhỏ.
Ông thông báo với huấn luyện viên rằng sẽ nghỉ hoạt động ở đội và hai tuần sau đó phải ngồi ở băng ghế dự bị. Mọi chuyện thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn khi sau hai tuần đó ông quyết định ở lại. Ông nhận ra rằng việc thông báo về quyết định rời đi của mình khi mọi thứ chưa sẵn sàng là một sai lầm.
Điều tương tự sẽ xảy ra khi bạn nói với đồng nghiệp rằng mình đang tìm một công việc khác. Một khi tiết lộ ý định muốn rời đi, bạn sẽ trở thành người thừa trong mắt mọi người. Cơ hội để bạn có việc mới là 50/50, vì vậy hãy kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi bạn chính thức có một nơi làm việc mới.