Giải mã bí mật Vạn Lý Trường Thành vẫn đứng vững nhất qua hàng nghìn năm xây dựng, các chuyên gia cho biết nguyên nhân chính là do sử dụng vữa bằng gạo nếp để lấp đầy các kẽ hở trên gạch.
Theo nghiên cứu của tiến sĩ Trương Bính Kiến và các đồng nghiệp đã phát hiện rằng, khoảng 1.500 năm trước, những người thợ xây dựng Trung Quốc cổ đại đã phát triển ra loại vữa vô cùng chắc chắn bằng cách trộn bột gạo nếp với vôi tôi.
Họ tin rằng vữa gạo nếp có khả năng là loại vữa composite đầu tiên trên thế giới, dùng để trộn các vật liệu hữu cơ và vô cơ. Loại vữa này có độ kết dính mạnh hơn và khả năng chống thấm nước tốt hơn so với vữa vôi nguyên chất.
Vữa gạo nếp là một trong những phát minh công nghệ vĩ đại nhất vào thời điểm đó.
Các công nhân xây dựng thời cổ đại thường sử dụng loại vữa này để xây dựng các công trình quan trọng như lăng tẩm, chùa chiền và tường thành.
Tiến sĩ Trương còn cho biết: "Phân tích và nghiên cứu cho thấy vữa xây dựng thành cổ là một vật liệu composite kết hợp giữa vô cơ và hữu cơ. Thành phần vô cơ là canxi cacbonat, trong khi thành phần hữu cơ là tinh bột từ gạo nếp.
Tinh bột nếp hoạt động như một chất ức chế sự kết tinh của canxi cacbonat, hình thành một cấu trúc vi mô chặt chẽ. Đây là lý do tại sao loại vữa composite hữu cơ-vô cơ này có hiệu suất đáng kinh ngạc. Vữa gạo nếp-vôi có tính chất vật lý mạnh, độ bền cơ học lớn và khả năng tương thích rất tốt."
Hiện tại, kết quả của nghiên cứu này đã được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Hóa học Mỹ (JACS).