Hẳn các bạn đã quen với hình ảnh Buffon, De Gea, Neuer hay Cech thực hiện những pha cứu thua hoàn hảo. Trong sự nghiệp của mỗi thủ thành này, đôi găng tay luôn là vật bất ly thân. Thế nên khi futsal trở nên phổ biến hơn, nhiều CĐV tự hỏi tại sao các thủ môn lại thường đi tay trần.
Tại Futsal World Cup 2016, cả 2 thủ môn Ngô Đình Thuận và Văn Huy của Việt Nam không hề sử dụng găng tay, bất chấp việc họ liên tục phải cản phá các cú sút từ đối thủ. Điều này có vẻ chẳng làm những "người gác đền" chơi kém đi. Bằng chứng là Ngô Đình Thuận vẫn đang nằm trong top 3 thủ môn cứu thua nhiều nhất giải (54 lần).
Các pha cản phá của thủ môn Ngô Đình Thuận
Thủ môn Văn Huy với đôi tay trần.
Để giải thích cho vấn đề này, FIFA đã đưa ra 2 lí do. Một là vì trái bóng futsal cỡ nhỏ hơn nên các thủ môn có thể cầm gọn trong tay dễ hơn bóng của sân 11 người. Thứ hai là do "người gác đền" futsal đặt mục tiêu cản phá lên trên bắt dính bóng nên đôi tay chịu ít áp lực hơn.
Paco Sedano, thủ môn của TBN, chia sẻ: "Tôi thấy đi tay trần dễ hơn. Đeo găng vào tôi không cầm nổi trái bóng".
"Khi còn đá sân 11, tôi cũng hay dùng găng tay. Sau này chuyển sang futsal, tôi thử cả 2 cách và thấy đi tay không tiện hơn", thủ môn của ĐT Colombia đồng tình.
Tuy nhiên, cũng có 1 số thủ thành vẫn trung thành với đôi găng. Theo thống kê, phần lớn trong số họ chịu ảnh hưởng từ thói quen ở sân 11 người.
Thủ môn Gustavo từ Nga tiết lộ: "Khi xưa, tôi thường chơi bóng ngoài trời trong thời tiết lạnh buốt. Kể từ khi đó, tôi đã quen dùng găng tay rồi".
Không chỉ găng tay, thủ môn Gustavo còn có chiếc mũ bảo hiểm như của Cech.
"Người gác đền" của đội Marocco cũng có hoàn cảnh không khác nhiều: "Hồi bé đá sân cỏ tôi đã đeo găng rồi. Sau này bắt futsal, người ta cũng bảo có vẻ như tay trần tiện hơn. Mà thôi, tôi quen rồi, đã quá muộn để thay đổi".