Sau vụ tàu chở hàng qua eo biển Hormuz bị tấn công hồi cuối tháng 6-2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nêu nhận xét thẳng thắn đến kinh ngạc: “Trung Quốc có tới 91% lượng dầu nhập khẩu từ Vùng Vịnh, Nhật Bản 62% và nhiều quốc gia khác…”
Ông Trump đặt câu hỏi: Tại sao người Mỹ suốt nhiều năm phải bảo vệ các tuyến vận tải biển này cho các quốc gia khác mà không được hỗ trợ gì. Tất cả các quốc gia này nên bảo vệ tàu hàng của mình
Nhiều người phương Tây thực sự ủng hộ Hải quân Trung Quốc tiếp quản trạm kiểm soát ở eo biển Hormuz hay thúc giục Bắc Kinh điều tàu tới khu vực này.
Một cựu quan chức tình báo Mỹ chỉ trích: “Trung Quốc không đóng góp bất kỳ khoản tiền nào, nhưng họ vẫn tiếp tục hưởng sự bảo vệ của chúng tôi”
Một nghiên cứu của Australia còn chỉ ra rằng, Trung Quốc có một hạm đội tàu nhiều kinh nghiệm sau các hoạt động chống cướp biển ở Vịnh Aden, cũng như căn cứ gần đó ở Djibouti. Trung Quốc có thể cử tàu tuần tra để đóng góp vì lợi ích quốc tế.
Lyle J. Goldstein, Giáo sư tại Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc (CMSI) thuộc Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ cho biết, quan điểm của Trung Quốc về việc này có thể thấy rõ trong bài “Trung Quốc có nên tham gia hộ tống hàng hải ở eo biển Hormuz?” đăng trên Tạp chí Hải quân Hiện đại năm 2019.
Theo đó, bài báo thừa nhận rằng 5 trong số 10 nhà xuất khẩu dầu hàng đầu sang Trung Quốc nằm ở Vịnh Ba Tư, tuy nhiên tỷ lệ thực tế vào khoảng 44%.
Do đó, Trung Quốc không phải là một trong những quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào dầu của Vịnh Ba Tư. Một số nước có tỷ lệ nhập khẩu cao hơn hẳn là Nhật Bản 88% và Hàn Quốc 82%
Việc triển khai tàu hộ tống tới Vùng Vịnh chứa đựng không ít rủi ro. Trước đây, đã xảy ra một số vụ bạo lực nhằm vào tàu hàng đi qua eo biển Hormuz khiến các thủy thủ Trung Quốc mất mạng hoặc bị thương nặng.
Ngoài ra, vì vịnh hẹp nên bất kỳ quốc gia nào cũng sẽ có thể phong tỏa eo biển này để không tàu hàng nào có thể vượt qua.
Trong khoảng 10 năm nay, Mỹ và các đồng minh đã triển khai khoảng 175 tàu chiến quanh khu vực nhưng mức chi bảo hiểm đối với tàu dân sự đi tới Vùng Vịnh vẫn tăng gấp 3 lần.
Nếu như ở Vịnh Aden, cướp biển là mục tiêu yếu và dễ dàng, nhưng ở eo biển Hormuz, đối thủ để người Trung Quốc chống lại là ai?
Nguồn cơn bất ổn an ninh khu vực này rõ ràng là căng thẳng giữa Washington và Tehran, nhưng một khi xung đột xảy ra, nó sẽ kéo theo nhiều nước. Bởi lẽ đó, Hải quân Trung Quốc hoàn toàn không muốn đảm nhận nhiệm vụ này.
Trung Quốc vẫn đang thể hiện quan điểm trung lập với Mỹ và Iran. Họ không ủng hộ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran cũng như phản đối các kế hoạch phát triển hạt nhân của Iran, tránh bị lôi kéo vào một cuộc xung đột giữa các nước lớn trong Vùng Vịnh.
Nếu cuộc chiến thực sự nổ ra, Trung Quốc có thể cân nhắc việc điều tàu đến hộ tống tàu hàng, tuy nhiên, hiện tại, Bắc Kinh dường như khá tập trung vào việc giảm sự phụ thuộc vào Vịnh Ba Tư bằng cách tăng nhập khẩu năng lượng từ Nga.
Theo bài báo trên tạp chí Hải quân Hiện đại nói trên, Trung Quốc chủ trương không can thiệp quân sự vào khu vực này. Có vẻ như Bắc Kinh quá hiểu là cần tránh mắc kẹt trong cát lún Trung Đông, vốn đã khiến người Mỹ sa chân cả chục năm qua.