Đã bao giờ bạn gặp rắc rối với trò chơi "Tìm điểm khác nhau giữa hai bức ảnh" chưa? Trò chơi cổ điển này thường xuất hiện gần trang bìa sau của những tờ báo thiếu nhi hồi xưa, bây giờ cũng xuất hiện rất nhiều phiên bản điện tử trên web hoặc ứng dụng điện thoại.
Luật chơi rất đơn giản, có hai tấm ảnh được đưa ra, có thể là ảnh vẽ đồ họa hoặc ảnh chụp được chỉnh sửa. Nhiệm vụ của bạn là đi tìm tất cả các điểm khác nhau giữa hai tấm ảnh.
Ban đầu, chúng ta thường rất hào hứng đi giải câu đố này và có được những chiến thắng đầu tiên dễ dàng. Nhưng càng về sau, người chơi có vẻ càng khó khăn để tìm ra những điểm khác biệt giữa hai tấm ảnh, đặc biệt là 1-2 điểm cuối cùng.
Nhưng tại sao lại vậy? Hóa ra, có một cơ chế của não bộ đứng đằng sau sự thất bại của chúng ta, và trò chơi này đã khai thác rất tốt điểm yếu đó. Hãy cùng tìm hiểu:
Đây là một phiên bản cổ điển của trò chơi "Tìm điểm khác nhau giữa hai bức ảnh". Hai bức ảnh mô tả thí nghiệm với con diều nổi tiếng của Ben Franklin, trong đó ông ấy đã thả một con diều để bắt những tia sét trong một cơn giông rồi dẫn chúng xuống mặt đất.
Nhưng ở đây, bạn không cần quan tâm đến thí nghiệm của Franklin làm gì. Chúng ta sẽ chỉ tập trung để tìm ra 3 điểm khác nhau giữa hai bức ảnh. Hãy thử xem và quay lại đây.
Trên thực tế, nếu bạn chưa có được đáp án cuối cùng cho mình, bạn không hề đơn độc. Thất bại với các trò chơi tìm điểm khác nhau giữa hai tấm ảnh là điều thường xảy ra. Bởi theo các nhà nghiên cứu thị giác, nhận thức và tâm lý học, bộ não chúng ta không được thiết kế để chơi giỏi trò chơi này.
Khi thị giác của chúng ta quét trong không gian, chúng ta bắt đầu bằng việc có được cái nhìn tổng quan của mọi vật, sau đó, chúng ta bắt đầu chú ý đến những cụm chi tiết lớn hơn. Điều đó có nghĩa là khi nhìn vào hai bức ảnh này, thoạt đầu bạn sẽ chẳng thấy chúng có điểm gì khác biệt.
Sau đó, bạn sẽ chú ý đến những chi tiết lớn, vào hai hình người, vào khu rừng họ đang đứng và có lẽ là vào ngôi nhà ở phía sau (Điều này cũng gợi ý tại sao nhiều người sẽ thấy điểm khác biệt đầu tiên ở ngôi nhà – một gợi ý dành cho bạn).
Các chi tiết nhỏ hơn như cánh diều, cái mũ, ngón tay của nhân vật, số bụi cây, cửa sổ của tòa nhà ít được chú ý tới. Nhưng điểm kỳ lạ trong trò chơi tìm điểm khác nhau giữa hai bức ảnh, đó là ngay cả khi chúng ta đã chú ý tới từng chi tiết nhỏ này, và so sánh chúng trong hai bức ảnh, thì một lúc sau, chúng ta lại quay lại so sánh chúng một lần nữa.
Hiệu ứng này lặp đi lặp lại nhiều lần và không chỉ riêng bạn gặp phải. Dường như não bộ chúng ta đã quên rằng nó đã so sánh chúng trước đây. Dan Simons, một nhà tâm lý học tại Đại học Illinois, nói rằng đó là vì bộ não chúng ta không bao giờ nhớ những chi tiết mà nó cho là không quan trọng.
Khi bạn đã so sánh hai điểm nhỏ trong hai bức ảnh mà chúng giống nhau, hai điểm này trở nên không quan trọng trong trò chơi và não bộ sẽ quên chúng đi. Nó khiến bạn sau đó lại so sánh lại hai điểm này một lần nữa, và rồi rất có thể lại quên chúng và lặp lại vòng lặp.
Trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí Khoa học Nhận thức vào năm 2003, nhà tâm lý học Victor Lamme đến từ Đại học Amsterdam, Hà Lan cũng từng giải thích hiệu ứng này. Ông đề xuất một mô hình phân biệt giữa sự chú ý và nhận thức của não bộ.
Theo đó, các tín hiệu đầu vào, trong đó có thị giác, được chia thành 2 phần: Nhận thức được và vô thức. Chúng ta không thể nhận thức về các tín hiệu vô thức, các tín hiệu này không đi vào và không được ghi lại hay lưu trữ trong não bộ.
Nhưng ngay cả phần tín hiệu nhận thức được cũng bị chia thành 2: Phần mà chúng ta chú ý đến và phần mà chúng ta không chú ý.
Các tín hiệu thị giác đầu vào mà chúng ta chú ý sẽ được lưu trữ sâu và lâu dài, đó là phần mà não bộ chúng ta biết là chúng ta nhận thức được. Các điểm khác nhau giữa hai bức ảnh mà bạn tìm thấy sẽ nằm ở trong phần chú ý này.
Ngược lại, các điểm giống nhau của hai tấm ảnh nằm trong phần chúng ta nhận thức được nhưng không chú ý đến. Lamme cho biết chúng sẽ chỉ được não bộ lưu trữ trong ngắn hạn và nhanh chóng bị xóa đi để lãng quên. Đó là lý do tại sao chúng ta thường dò đi dò lại những điểm giống nhau trong hai bức ảnh mà không chắc chúng ta đã dò nó một vài lần rồi.
Đây là một cơ chế bình thường của não bộ để hạn chế sự quá tải cho nhận thức của chúng ta, và cũng là điểm yếu mà trò chơi tìm điểm khác biệt giữa hai bức ảnh khai thác vào. Simons cho biết ông không quá ngạc nhiên khi não bộ không mã hóa mọi thứ mà chúng ta nhìn thấy.
Nhưng có một vài người trong các nghiên cứu từng khiến Simons phải bất ngờ. Họ dường như nhận thức được nhiều chi tiết vụn vặt hơn những người khác. Một số tình nguyện viên có thể phát hiện ra nhiều lỗi nhỏ trong các bộ phim của Hollywood, chẳng hạn như một người đã phát hiện số hiệu chiếc máy bay Cessna 172 Skyhawk mà John Connor, nhân vật trong bộ phim Kẻ hủy diệt đã lái ở phần 3 trong hai cảnh quay liên tiếp là khác nhau.
Hãy để ý số hiệu của chiếc máy bay
Rõ ràng, đa số chúng ta sẽ không để ý đến nó khi thưởng thức bộ phim này, thậm chí, bạn còn chẳng nhớ mẫu máy bay mà John Connor đã lái là Cessna 172 Skyhawk. Trên Youtube, chúng ta cũng có thể thấy mô tip bình luận quen thuộc của những người chuyên "soi lỗi" này.
Những bình luận thích thú và nhận được nhiều like, khi ai đó kèm theo số giây của một khung hình, trong đó một con chuột vô tình chạy qua chẳng hạn. Hoặc có những khung hình của phim cổ trang vô tình lẫn ô tô hay ổ điện vào cũng khiến mọi người thích thú vì chẳng mấy khi để ý đến.
Trở lại với trò chơi tìm điểm khác nhau giữa hai bức ảnh, bây giờ, chúng ta đã biết tại sao não bộ của đa số mọi người không được thiết kế để chơi giỏi trò này. Câu hỏi tiếp theo là liệu có cách nào để chơi giỏi hơn hay không?
Có! Như bạn đã thấy, chúng ta thường quên đi cả những điểm giống nhau mà chúng ta đã tìm ra. Do đó, mẹo nhỏ ở đây là bạn hãy đánh dấu và khoanh vùng cả những điểm mà bạn đã chắc chắn là chúng đã giống hệt ở hai bức ảnh. Điều này sẽ giúp bạn không phải lật lại chúng một lần nữa, mặc dù não bộ của bạn cũng vẫn sẽ quên chúng mà thôi.
Và nếu như vậy rồi mà bạn vẫn chưa thể tìm ra cả 3 điểm khác nhau trong tấm hình Franklin thì đây là đáp án: (1) Ngôi nhà trong hình trên có 4 ô cửa sổ mà ngôi nhà hình bên dưới không có. (2) Khóm hoa ở góc dưới bên phải của hình phía trên có 4 bông, trong khi hình dưới chỉ có 3 bông. (3) Hai thân cây cổ thụ phía rìa bên trái tấm ảnh phía trên có bóng in dưới thảm cỏ, còn hình bên dưới thì không.