Tháng 5/1969, một trận chiến khốc liệt đã diễn ra trong gần 11 ngày giữa lực lượng Mỹ và quân giải phóng miền nam Việt Nam nhằm giành quyền kiểm soát một ngọn đồi đã đi vào lịch sử với tên gọi trận Đồi Thịt Băm.
Trận chiến này là một phần của Apache Snow - chiến dịch do quân đội Mỹ và quân lực Việt Nam Cộng hòa cùng thực hiện.
Trận Đồi Thịt Băm đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam. Sau nhiều đợt tấn công với tổn thất nặng nề, lực lượng Mỹ cuối cùng cũng chiếm được điểm cao 937 (đồi A Bia), vào ngày 20/5, nhưng phải rút khỏi vị trí này chỉ vài ngày sau đó.
Những tổn thất nhân mạng trong trận chiến do đó bị xem là vô nghĩa và tiếp tục gây ra nhiều tranh cãi kéo dài cho đến nay.
Nguồn gốc tên gọi Đồi Thịt Băm
Ngọn đồi được người Mỹ gắn cho cái tên này do mức độ khốc liệt của giao tranh tại đây, mà theo mô tả của lính Mỹ là máy xay thịt người.
James Spears, một trung sĩ 19 tuổi tham gia trận chiến, kể lại với các phóng viên: "Các anh đã từng ở bên trong máy xay thịt chưa? Chúng tôi bị "xay nát" bởi hỏa lực súng máy rất chính xác." Cái tên "Đồi Thịt Băm" sau đó nhanh chóng trở nên phổ biến vì có rất nhiều phóng viên chiến trường đổ đến khu vực này.
Bob Harkins, khi đó là chỉ huy đại đội A, tiểu đoàn 3, trung đoàn 187, giải thích: "Họ (quân giải phóng) cũng đọc báo Mỹ, và biết về phong trào phản chiến. Họ biết nếu họ có thể gây thiệt hại nặng cho chúng tôi thì có thể chúng tôi phải thay đổi chiến thuật. Và ở một mức độ nào đó thì điều đó đã xảy ra."
Thách thức từ địa hình
Đồi Thịt Băm nằm cách Khe Sanh khoảng 100 km về phía nam, và chỉ cách biên giới với Lào chưa đầy 2 km, trong thung lũng A Sầu. Theo tài liệu của phía Mỹ, mặc dù bản thân điểm cao này có rất ít giá trị chiến lược, thung lũng này lại là nơi diễn ra nhiều cuộc giao tranh ác liệt trong suốt cuộc chiến vì nó nằm trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại.
Cả thung lũng và ngọn đồi đều nằm ở vị trí hẻo lánh và được rừng che phủ dày đặc, khiến công tác trinh sát của Mỹ gặp rất nhiều khó khăn. Họ chủ yếu dựa vào các báo cáo từ những cuộc tuần tra và thông tin từ những tù binh.
Do đó, phía Mỹ rất mơ hồ về vị trí đóng quân và quy mô thực sự của lực lượng quân giải phóng. Thậm chí rất ít binh lính Mỹ tham gia trận chiến được thông báo trước rằng ngọn đồi chính là mục tiêu của chiến dịch.
Dự kiến chỉ vài giờ, trận chiến kéo dài nhiều ngày
Khi tiểu đoàn 3, thuộc trung đoàn 187 sư đoàn không vận 101, tiếp cận ngọn đồi vào ngày 10/5, các chỉ huy Mỹ ước tính điểm cao sẽ bị chiếm sau vài giờ. Nhưng trên thực tế trận chiến kéo dài đến 10 ngày với 12 lần công kích.
Lực lượng Mỹ thả hơn 1.088 tấn bom, 142 tấn bom napalm, 31.000 viên đạn cỡ 20 ly và 513 tấn hơi cay.
Một lính Mỹ trực thuộc sư đoàn 101 bị thương và được đồng đội đưa ra ngoài từ đồi A Bia trong Trận Đồi Thịt Băm tháng 5/1969. Ảnh: AP
"Cảnh tượng như bề mặt Mặt Trăng vậy. Nó không khác gì chiến trường Mặt trận phía Tây của Thế chiến thứ 1, tất cả chỉ là một cảnh hoang tàn" - một nhà nghiên cứu lịch sử của Mỹ nhận xét.
Khi giao tranh kết thúc, 72 lính Mỹ thiệt mạng (một số là do bị đồng đội bắn nhầm) và hơn 370 bị thương. Theo giáo sư sử học James Wright tại Đại học Dartmouth thì 4 đại đội của trung đoàn 187 đổ bộ vào ngày đầu tiên của cuộc chiến có tỷ lệ thương vong từ 50% đến 75%.
Nhanh chóng rút lui
Nhưng chỉ vài ngày sau đó, 5/6/1969, lực lượng Mỹ phải rút khỏi ngọn đồi và quân giải phóng nhanh chóng chiếm lại vị trí này. Tuy điều này vẫn thường diễn ra trong cuộc chiến, ông Wright cho rằng quyết định bỏ Đồi Thịt Băm bị ảnh hưởng một phần bởi trận Khe Sanh đầu năm 1968.
Trong trận chiến đó, lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ đồn trú phải chống đỡ trận vây hãm suốt 77 ngày đêm.
Thương vong của quân Mỹ trong Trận Đồi Thịt Băm là rất lớn. Ảnh: AP
Ông Harkins cho rằng một lí do chính đằng sau những tranh cãi của trận Đồi Thịt Băm là công chúng cho rằng người Mỹ đã đổ quá nhiều máu nhưng cuối cùng vẫn thất bại, phải rút chạy và các toan tính của chỉ huy lực lượng Mỹ ở chiến trường là rất sai lầm. Trong khi đó, lực lượng Mỹ tham chiến thì biện hộ rằng mục tiêu của chiến dịch chỉ là tiêu hao sinh lực đối phương chứ không phải chiếm đóng vị trí.
Phản ứng của công luận Mỹ
Vào 20/5, ngày mà lực lượng Mỹ chiếm ngọn đồi, thượng nghị sĩ Edward Kennedy ra tuyên bố phản đối chiến dịch này. Nhiều chính trị gia và nhà hoạt động chính trị khác cũng cho rằng máu của người Mỹ đã phải đổ một cách vô ích.
Đây chính là một bước ngoặt của cuộc chiến. Trước đó, công chúng chủ yếu chỉ trích khía cạnh địa chính trị hay tổn thất nhân mạng của binh lính Mỹ. Tiếp đến, họ lên án thương vong cho dân thường và tính phi nghĩa của cuộc chiến. Sau trận Đồi Thịt Băm, ngay cả những toan tính chiến thuật và năng lực của các chỉ huy chiến trường cũng trở thành mục tiêu chỉ trích của công chúng.
Vào thời điểm năm 1969, 4 năm sau khi Mỹ trực tiếp tham chiến trên quy mô lớn Việt Nam, người Mỹ đã quá mệt mỏi với cuộc chiến.
Hơn 30.000 lính Mỹ đã thiệt mạng trong thời gian này và phong trào phản chiến đã lớn hơn bao giờ hết.
Đồi Thịt Băm là một cú sốc lớn với người Mỹ.
Trực thăng y tế sơ tán lính dù Mỹ bị thương trong Trận Đồi Thịt Băm. Ảnh: Getty Images
Tác động đến chiến lược của Mỹ tại Việt Nam
Ngay sau trận Đồi Thịt Băm, Mỹ bắt đầu thay đổi chiến lược. Lầu Năm Góc hạn chế tối đa vai trò của lực lượng Mỹ trong các chiến dịch, cho dù gặp sự phản đối của nhiều chỉ huy cấp cao.
Vào ngày 8/6, chưa đầy 3 tuần sau khi trận chiến kết thúc, tổng thống Nixon công bố chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh (vốn đã được bắt đầu lên kế hoạch từ trước trận Đồi Thịt Băm). Từ sau đó, quân đội Việt Nam Cộng hòa sẽ gánh vác trách nhiệm chính trong các chiến dịch và quân đội Mỹ sẽ bắt đầu triệt thoái.