Tại sao Tổng thống Donald Trump coi trọng quan hệ với Trung Quốc hơn với Nga?

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Việc Mỹ đưa Trung Quốc lên cấp ngang với đồng minh của mình trong cuộc đối thoại An ninh - Ngoại giao vừa qua cho thấy Washington rất coi trọng quan hệ với Bắc Kinh.

Ngày 21/6 vừa qua tại Washington, Mỹ và Trung Quốc đã tổ chức hội nghị Đối thoại An ninh - Ngoại giao đầu tiên. Đồng chủ trì cuộc đối thoại về phía Mỹ là Ngoại trưởng Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, còn về phía Trung Quốc là Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì và Tổng tham mưu trưởng quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc Thượng tướng Phòng Phong Huy.

Đây là lần đầu tiên Mỹ cử Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng đồng chủ trì hội nghị, đồng thời cũng là lần đầu tiên Mỹ nâng Trung Quốc lên mức ngang với "đồng minh" để tiến hành đối thoại. Trong các cuộc đối thoại chiến lược kinh tế Mỹ - Trung trước đây, phía Mỹ chưa bao giờ cử Bộ trưởng Quốc phòng hoặc đại diện quân đội Mỹ tham dự.

Đối thoại An ninh - Ngoại giao là một trong bốn cơ chế cấp cao được thiết lập sau cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại bang Florida hồi tháng 4 vừa qua. Ba cơ chế còn lại là đối thoại về Kinh tế, Thực thi pháp luật, An ninh mạng và Văn hóa - xã hội.

Việc Mỹ đưa Trung Quốc lên cấp ngang với đồng minh của mình trong cuộc đối thoại An ninh - Ngoại giao vừa qua cho thấy Mỹ rất coi trọng quan hệ với Trung Quốc.

Tại sao Tổng thống Donald Trump coi trọng quan hệ với Trung Quốc hơn với Nga? - Ảnh 1.

Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Bộ trưởng BQP James Mattis đồng chủ trì Đối thoại an ninh - Ngoại giao Trung-Mỹ. Ảnh: Tân Hoa Xã

Hai sắc thái

Trong khi đó, Mỹ đối xử với Nga hoàn toàn khác. Chỉ còn ít ngày nữa sẽ diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh của nhóm các nền kinh tế lớn G-20 tại Hamburg (Đức) nhưng Nhà Trắng vẫn chưa khẳng định cuộc gặp giữa hai Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Donald Trump bên lề hội nghị này, mặc dù hai bên đã có kế hoạch từ lâu.

Đến giờ phút này, cả người phát ngôn chính thức của Văn phòng Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov và người phát ngôn chính thức của Tổng thống Mỹ, bà Lindsay Walters vẫn chưa tuyên bố gì và cả hai phía đều chưa có bất kỳ sự thỏa thuận cụ thể nào về công việc chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ này.

Đã thế, chính quyền Mỹ lại quyết định tăng cường thêm lệnh cấm vận bao gồm 38 cá nhân và tổ chức của Nga. Đây là lần đầu tiên các biện pháp cấm vận bổ xung chống Nga được tiến hành dưới thời Tổng thống Trump.

Việc làm này hoàn toàn trái với tuyên bố của ông trong chiến dịch vận động tranh cử năm ngoái về khả năng công nhận Crimea và giảm nhẹ cấm vận đối với Nga. Thứ trưởng ngoại giao Nga Sergey Ryabkov nói rằng, việc tăng cường trừng phạt Nga là tiếp tục chính sách của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama nhằm làm tổn hại quan hệ hai nước và điều đó có nghĩa là từ bỏ các cam kết về đối thoại với Moscow.

Trong chuyến thăm Moscow tháng 4 vừa qua của Ngoại trưởng Tillerson, hai bên đã thỏa thuận thành lập một nhóm công tác để thảo luận các vấn đề cản trở quan hệ hai nước.

Trên lời nói, Nhà Trắng luôn luôn tuyên bố cần thiết phải cải thiện quan hệ với Nga. Tuy nhiên, trên thực tế thì Mỹ lại làm khác. Đã hơn 5 tháng trôi qua kể từ khi bước vào Nhà Trắng, Tổng thống Trump chưa có một quan điểm rõ ràng nào về cải thiện quan hệ với Moscow và chưa có một bước đi nào tích cực đối với Nga.

Trong khi đó, Quốc hội Mỹ lại luôn luôn tìm cách ngăn cản các cố gắng bình thường hóa quan hệ hai nước.

Tuần trước, Quốc hội Mỹ với 98 phiếu thuận, 2 phiếu chống đã thông qua bộ luật về việc trừng phạt các quan chức và các doanh nhân Nga.

Bộ luật này không chỉ gây khó khăn cho Nga mà còn cho một số nước trong Liên minh châu Âu sử dụng khí đốt của Nga. Các biện pháp trừng phạt này sẽ ngăn cản các công ty và các doanh nghiệp châu Âu cung cấp tài chính và công nghệ để xây dựng đường ống dẫn khí "Dòng chảy phương Bắc-2".

Tại sao Tổng thống Donald Trump coi trọng quan hệ với Trung Quốc hơn với Nga? - Ảnh 2.

Bởi vậy, không có gì là ngạc nhiên nếu những người có trách nhiệm xây dựng đường ống dẫn khí này phải tìm kiếm nguồn tiền từ Trung Quốc trong trường hợp châu Âu không thể tiếp tục tài trợ.

Trong khi căng thẳng với Nga thì chính quyền Mỹ lại có những bước đi mạnh mẽ cải thiện với Trung Quốc mặc dù hai bên còn nhiều bất đồng về các vấn đề chính trị.

Ngày 22/6/2017, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố ông Tập Cận Bình sẽ gặp Tổng thống Mỹ Trump tại Hamburg (Đức). Về phần mình, ông Trump cũng tuyên bố Washington có mối quan hệ đặc biệt với Bắc Kinh và đang tính hợp tác với với Trung Quốc về sáng kiến "Vành đai và con đường".

Điều này không có gì lạ khi Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Kim ngạch thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đạt trên dưới 600 tỷ USD/năm.

Năm 2016, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc, chiếm 19% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong khi Bắc Kinh chỉ là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Mỹ, với 10% thị phần và thâm hụt thương mại với Trung Quốc lên tới 260 tỷ đô la. Tổng số nợ của Mỹ đối với Trung Quốc hiện nay lên tới 1 ngàn tỷ đô la.

Điều này có thể giải thích được tại sao Tổng thống Trump lại coi trọng quan hệ với Trung Quốc hơn quan hệ với Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại