Tại sao Thủ tướng Nhật Bản đưa các lãnh đạo G7 tới thăm đền thờ?

Tuệ Minh |

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự định sẽ đưa các lãnh đạo nhóm G7 tới đền thờ các vị thần Shinto vào hôm nay (26/5) trước khi Hội nghị thượng đỉnh diễn ra.

Hội nghị lần này sẽ đề cập đến các chủ đề từ nguy cơ đối với kinh tế toàn cầu cho tới vấn đề tị nạn và an ninh hàng hải.

Ông Abe sẽ đưa Tổng thống Obama và các lãnh đạo G7 khác tới đền Ise Grand Shrine ở trung tâm Nhật Bản, nơi thờ thần mặt trời Amaterasu Omikami, tổ mẫu theo truyền thuyết của các Nhật hoàng.

Thủ tướng Nhật cho biết ông hy vọng chuyến thăm đền thờ này sẽ giúp các lãnh đạo thế giới hiểu hơn về trung tâm văn hóa của Nhật Bản.

Các nhà chỉ trích thì cho rằng việc làm của ông chỉ nhằm phục vụ cho việc củng cố nền tảng bảo thủ, muốn đưa tôn giáo quay trở lại chính trị và khôi phục các giá trị truyền thống.

Vào tối qua (25/5), ông Abe đã gặp ông Obama để hội đàm về việc bắt giữ một nhân viên làm việc tại căn cứ quân sự Mỹ do liên quan đến vụ sát hại một phụ nữ Nhật Bản ở đảo Okinawa.

Vụ việc này đã ảnh hưởng tới ý định của ông Obama rằng trọng tâm trong chuyến thăm lần này là chuyến đi tới thành phố Hiroshima vào ngày mai (27/5), nhằm nhấn mạnh sự hòa giải giữa hai cựu thù thời Thế chiến II cũng như chương trình nghị sự chống phổ biến vũ khí hạt nhân của chính quyền Mỹ.

Trong cuộc họp báo sau buổi gặp mặt, Tổng thống Obama khẳng định: “Chuyến thăm của tôi tới Hiroshima nhằm vinh danh những người đã hy sinh trong Chiến tranh thế giới thứ II và tái khẳng định tầm nhìn chung về một thế giới không vũ khí hạt nhân, cũng như nhấn mạnh mối quan hệ đồng minh đặc biệt mà chúng ta đã có trong nhiều thập kỷ qua”.

Ông Abe, trong bài phát biểu của mình, dường như vẫn nhấn mạnh tới vị thế nạn nhân của Nhật Bản, quốc gia đầu tiên bị ảnh hưởng nặng nề bởi vũ khí hạt nhân, và ông cũng không nhắc đến sự tàn bạo trong thời chiến của Tokyo.

Kiểm tra “sức khỏe” toàn cầu

Các mối lo ngại về tình hình kinh tế thế giới cũng như cuộc khủng hoảng tị nạn ở châu Âu sẽ là một trong những chủ đề hàng đầu được thảo luận tại Hội nghị G7. Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Donald Tusk cho biết ông sẽ yêu cầu sự hỗ trợ từ G7 để giúp đỡ những người tị nạn trên toàn cầu.

“Nếu G7 không dẫn đầu trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng này thì không ai có thể làm được”, ông Tusk cho phóng viên biết.

Dòng người tị nạn từ Syria và nhiều nơi khác đổ dồn về châu Âu thời gian qua đã khiến lục địa này phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhập cư tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ II.

Theo các nguồn tin của Reuters, mặc dù sự đồng thuận hoàn toàn về một chính sách kinh tế vĩ mô tại G7 là điều khó có thể xảy ra nhưng các lãnh đạo nhóm này được cho là có thể thúc đẩy các chính sách cơ cấu, tài khóa và tiền tệ nhằm nâng cao tăng trưởng trong cộng đồng.

Với việc Anh và Đức phản đối những lời kêu gọi kích thích tài chính, ông Abe sẽ thúc giục các lãnh đạo G7 áp dụng một chính sách tài chính linh hoạt, cân nhắc đến tình hình của từng nước. Các lãnh đạo G7 cũng có thể tái khẳng định cam kết ổn định thị trường chứng khoán nước ngoài trước đó của mình.

Ngoài ra, các chủ đề chính trong Hội nghị khác còn có vấn đề khủng bố, an ninh mạng và an ninh hàng hải, bao gồm các hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Nhóm các nước G7 bao gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại