Ngày 4/6, tòa án tỉnh Chiba, Nhật Bản đã mở phiên tòa xét xử công khai vụ án cô bé 9 tuổi người Việt Lê Thị Nhật Linh bị mất tích và sát hại vào tháng 3/2017.
Theo bản cáo trạng được đưa ra, Yasumasa Shibuya đã bắt cóc bé Linh bằng xe ô tô vào sáng 24/3, sau đó cưỡng bức rồi siết cổ cô bé và vứt bỏ thi thể bé Linh ở gần một mương nước ở thành phố Abiko của tỉnh Chiba.
Dựa trên mẫu máu và nước bọt của nạn nhân được tìm thấy trên xe Shibuya cũng như ADN của Shibuya được tìm thấy trên người bé Linh, các công tố viên đã buộc tội Shibuya là kẻ tấn công, quấy rối tình dục và sát hại bé Linh.
Gia đình bé Nhật Linh chưa thật sự hài lòng về bản án mà thủ phạm nhận được. (Ảnh: Internet)
Dù Yasumasa Shibuya liên tục phủ nhận việc có liên quan đến cái chết của cô bé Lê Thị Nhật Linh, nhưng các công tố viên đã đưa ra những lập luận đanh thép dựa trên bằng chứng cũng như lời xác nhận của các nhân chứng, khiến hắn không thể chối cãi.
Cuối cùng, sau hơn nửa tháng tranh tụng, chiều nay, tòa án tỉnh Chiba, Nhật Bản vừa tuyên án chung thân cho Yasumasa Shibuya, dù bố nạn nhân cũng như các công tố viên đều yêu cầu mức án tử hình cho hắn.
Tuy nhiên, có một điều mà nhiều người quan tâm, đó là tại sao gây ra một tội ác khủng khiếp như vậy nhưng Shibuya lại thoát được án tử hình?
Yasumasa Shibuya đã thoát án tử hình. (Ảnh minh họa: Internet)
Điều này dường như có liên quan đến những thay đổi trong luật pháp mà Nhật Bản mới đưa ra.
Từ khi hệ thống hội thẩm nhân dân được bố trí tại Nhật Bản từ năm 2009, mới chỉ có 4 bị cáo bị tuyên án tử hình trong các vụ việc chỉ có một nạn nhân tử vong.
Trong số này cũng chỉ có một bản án được thực hiện sau khi bị cáo rút đơn kháng án, trong khi 3 bản án còn lại đã được giảm xuống chung thân ở các tòa án tối cao.
Theo Kyodo News