Tại sao phương Tây lo ngại việc Nga trang bị tên lửa Zircon?

TUẤN SƠN |

Dù mới đang trong quá trình thử nghiệm và chưa được chấp nhận vào trang bị chính thức vào biên chế Hải quân Nga, nhưng những thông tin về việc tên lửa hành trình diệt hạm siêu thanh thế hệ mới Zircon sẽ được biên chế cho các tuần dương hạm nguyên tử đang tạo ra làn sóng lo ngại lớn từ các quốc gia phương Tây.

Vũ khí khiến phương Tây không có đối trọng

Trên nhiều tạp chí quân sự phương Tây, tên lửa Zircon được miêu tả như loại vũ khí uy lực, không chỉ có khả năng tiêu diệt chiến hạm của đối phương, mà còn làm thay đổi cân bằng chiến lược hải quân tại châu Âu. Cụ thể, tạp chí Đức Stern đánh giá, tên lửa Zircon sẽ là “mối đe dọa chết người” với các hạm đội tàu sân bay Mỹ, cũng như hải quân châu Âu.

Dòng tên lửa siêu thanh mới của Nga sẽ sớm được trang bị trên tuần dương hạm nguyên tử lớp Kirov là Pior Velyki và Admiral Nakhimov cùng với thế hệ tên lửa hành trình Kalibr-NK đã được thử lửa tại chiến trường Syria mới đây.

Tại sao phương Tây lo ngại việc Nga trang bị tên lửa Zircon? - Ảnh 1.

Châu Âu lo ngại vì không có vũ khí đối trọng với Zircon.

Không chỉ có Tạp chí Stern, nhiều chuyên gia quân sự châu Âu nhận định, phương Tây lo ngại trước việc Nga đưa vào trang bị tên lửa Zircon vì thực tế, châu Âu không sở hữu loại vũ khí nào có tính năng tương tự.

Với khả năng bay tới tốc độ Mach 6 (gấp 6 lần tốc độ âm thanh) và tầm bắn tới 600km, tên lửa Zircon sẽ tạo ra uy thế vượt trội của Hải quân Nga so với châu Âu.

Ở thời điểm hiện tại, nguy cơ xảy ra xung đột quân sự giữa Nga và Mỹ gần như là không thể, nên động thái Hải quân Nga đưa vào trang bị tên lửa Zircon sẽ mang tính biểu tượng nhiều hơn. Với trang bị tên lửa vượt trội so với phần còn lại của thế giới, Nga sẽ khẳng định vị thế của siêu cường ở những nơi chiến hạm Nga hiện diện.

Với Zircon, bất kỳ chiến hạm nào của Nga cũng có thể tung ra các đòn tấn công chết người vào đối phương ở khoảng cách 500-800km, gấp 3 lần so với tầm bắn của tên lửa diệt hạm Mỹ và phương Tây đang sử dụng. Cùng với đó, sự nguy hiểm của tên lửa Zircon là khả năng xuyên thủng mọi lá chắn tên lửa hiện có với tốc độ bay lớn và khả năng siêu cơ động của nó.

Với tên lửa Zircon, Nga đã tạo ra vũ khí bất đối xứng lợi hại khi sử dụng đạn tên lửa với chi phí thấp để tiêu diệt các chiến hạm đắt tiền của đối phương trên biển. Sự quan ngại của phương Tây quả thực không thừa!

Sức mạnh không có đối thủ của Zircon

Cùng với những đánh giá của truyền thông và chuyên gia quân sự phương Tây, xét về mặt kỹ thuật, tên lửa Zircon thực sự là dòng vũ khí đáng gờm và chưa có “đối thủ xứng tầm” trên thế giới. Thậm chí, sức mạnh thực sự của dòng tên lửa diệt hạm siêu thanh này hiện vẫn chưa được thể hiện hết.

Dù vẫn đang trong quá trình thử nghiệm, nguyên mẫu của tên lửa Zircon trong một lần phóng thử hồi tháng 4-2017 đã đạt tốc độ bay tới Mach 8. Các chuyên gia Nga giám sát vụ phóng thử nhận định: Đó chưa phải là giới hạn cuối cùng của Zircon.

Tên lửa có thể đạt tới tốc độ Mach 10. Ở tốc độ bay này, không có vũ khí nào trên thế giới có thể ngăn cản được tên lửa Zircon. Các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại chỉ đủ khả năng ngăn chặn các mục tiêu bay tới Mach 2.5.

Tại sao phương Tây lo ngại việc Nga trang bị tên lửa Zircon? - Ảnh 2.

Zircon hiện chưa có đối thủ xứng tầm trên thế giới.

Đánh giá về tên lửa Zircon, chuyên gia quân sự Nga Konstantin Sivkov nhận định: Sự xuất hiện của Zircon sẽ đánh dấu việc suy yếu vai trò của hạm đội tàu sân bay, cũng như các hạm đội tàu mặt nước đối thủ của Nga. Ngoài ra, Zircon cũng giúp khẳng định vị thế siêu cường của Nga trong lĩnh vực phát triển vũ khí siêu thanh tương lai.

Các thông tin về tên lửa Zircon hiện tại chủ yếu thông qua các nguồn tin rò rỉ từ Tổ hợp Công nghiệp quốc phòng Nga. Các thông tin chính thức về dòng vũ khí siêu thanh tương lai của Hải quân Nga vẫn được giữ bí mật.

Theo một số nguồn tin, đạn tên lửa Zircon có thể dài từ 8 tới 10m, tầm bắn hiệu dụng khoảng 500km và phù hợp để trang bị trong tổ hợp giếng phóng 3C14, tương tự như đạn tên lửa P-800 Onyx và Kalibr.

Tại sao phương Tây lo ngại việc Nga trang bị tên lửa Zircon? - Ảnh 3.

Tuần dương hạm tên lửa lớp Kirov sẽ là dòng chiến hạm đầu tiên được trang bị tên lửa Zircon.

Tại sao phương Tây lo ngại việc Nga trang bị tên lửa Zircon? - Ảnh 4.

Với tên lửa Zircon, các tàu ngầm nguyên tử thuộc Hải quân Nga sẽ là đối thủ chết chóc đối với các hạm đội tàu sân bay đối phương.

Thiết kế của tên lửa Zircon không chỉ phù hợp trang bị trên hạm, mà còn có thể trang bị trên tàu ngầm hạt nhân tấn công Đồ án 885M Yasen-M và trong tương lai là tàu ngầm lớp Husky.

Nếu mọi việc diễn ra đúng kế hoạch, tên lửa Zircon sẽ được chấp nhận vào biên chế Hải quân Nga ngay trong năm 2018 và được tái trang bị đầu tiên lên các tuần dương hạm nguyên tử lớp Kirov.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại