Theo Peter Gibson, giám đốc truyền thông của Cơ quan An toàn Hàng không dân dụng (CASA) chia sẻ: “Việc yêu cầu hành khách kéo màn cửa sổ lên lúc cất hay hạ cánh là vì lý do an toàn. Thời điểm máy bay cất cánh và tiếp đất là khoảng thời gian quan trọng bởi đây là thời điểm thường hay xảy ra sự cố”.
“Nếu chẳng may có điều gì đó tồi tệ xảy ra, phi hành đoàn chỉ có 90 giây để sơ tán hết hành khách. Để làm được điều này, họ cần xác định ngay vị trí nào của máy bay là an toàn nhất để sử dụng cửa thoát hiểm. Do đó, màn cửa sổ được kéo lên hết sẽ khiến cho việc quan sát diễn ra nhanh nhất có thể để hành động kịp thời”.
“Ngoài ra, hành khách thường rất tò mò do đó họ sẽ nhanh chóng phát hiện ra những điều bất thường bên ngoài. Nếu có dấu hiệu hỏng hóc trên cánh, động cơ hay vật thể lạ, họ sẽ thông báo ngay cho tổ bay. Để quan sát được, các màn cửa sổ trên máy bay phải được kéo lên”, ông Peter cho biết thêm.
Đối với chuyên gia an toàn hàng không Saran Udayakumar, kéo rèm cửa sổ là “một phần trong quy trình chuẩn bị phức tạp cho trường hợp khẩn cấp xảy ra trên máy bay”.
Theo chuyên gia này phân tích: “Đối với chuyến bay ngày, việc kéo rèm cửa sổ lên và bật đèn sáng tối đa trong khoang sẽ giúp mắt của hành khách quen với cường độ ánh sáng bên ngoài. Nếu phải sơ tán, hành khách sẽ không bị giảm thị lực vì thay đổi ánh sáng đột ngột”.
“Điều này cũng tương tự với chuyến bay đêm, màn cửa sổ được kéo lên kết hợp cùng cường độ ánh sáng trong khoang được điều chỉnh về mức thấp nhất nhằm giúp mọi người quen dần với bóng tối. Nếu phải sơ tán, hành khách lúc này cũng đã quen với môi trường thiếu sáng trong và ngoài máy bay”.
Bên cạnh yêu cầu kéo màn che các ô cửa sổ lên, việc gập bàn ăn, dựng thẳng lưng ghế cũng là những yêu cầu tạo điều kiện cho việc sơ tán diễn ra thuận lợi và nhanh chóng nhất.