Cảnh tàn phá sau trận lốc xoáy tại Arkansas, Mỹ, ngày 1/4/2023. Ảnh: AP/TTXVN
Cuối tuần qua, một trận bão dữ dội kéo theo nhiều cơn lốc xoáy ở miền Nam và Trung Tây Mỹ đã khiến ít nhất 22 người thiệt mạng. Cuối tuần trước, một cơn lốc xoáy khác quét qua miền Nam khiến gần như toàn bộ thị trấn Mississippi bị hư hại và làm 23 người thiệt mạng tại ba bang.
Tháng 12 năm ngoái, một trận bão tuyết đổ bộ vào Buffalo, New York, là cơn bão gây chết người nhiều nhất mà thành phố này từng chứng kiến trong vòng một thế kỷ. Một tuần sau đó, một cơn bão khác đổ bộ vào Bắc California, gây ra lũ quét làm tắc nghẽn các đường cao tốc chính và khiến hàng trăm nghìn người bị mất điện. Tháng trước, các gia đình ở San Clemente, California, đã phải vội vã sơ tán sau khi mưa lớn gây sạt lở đất.
Đối với Mỹ, các sự kiện thiên tai dồn dập như vậy không quá mới mẻ. Các chuyên gia giải thích rằng phần lớn nguyên nhân là do điều kiện địa lý của đất nước này.
Nhà khí hậu học Kathie Dello nhận xét: "Thực sự là hơi… xui xẻo". Trong khi đó, ông Sean Potter, nhà khí tượng học và nhà sử học thời tiết ở New York nói với USA Today rằng Mỹ dễ gặp thời tiết khắc nghiệt hơn vì nước này nằm ở vĩ độ trung bình - khu vực giữa Bắc Cực (nơi có không khí lạnh hơn) và vùng nhiệt đới (nơi có không khí ấm hơn). Điều đó có nghĩa là khi cả hai hình thái gặp nhau, nhiệt độ xung đột sẽ dẫn đến thời tiết khắc nghiệt. Không chỉ vậy, Mỹ còn nằm giữa hai đại dương, phía trên Vịnh Mexico và là nơi tập trung nhiều dãy núi.
"Sự tương phản giữa không khí lạnh, khô ở Bắc cực từ Canada và không khí nhiệt đới, ẩm, ấm áp từ Vịnh Mexico, Thái Bình Dương và Đại Tây Dương giúp thúc đẩy các cơn bão lớn di chuyển khắp nước Mỹ quanh năm, mang theo mọi thứ từ bão tuyết đến mưa lớn và giông bão, tùy thuộc vào thời gian trong năm", ông Potter nói.
Mặc dù vị trí địa lý đóng vai trò chính trong các sự kiện thời tiết thảm khốc ở Mỹ, nhưng các chuyên gia cũng chỉ ra rằng chính con người đang làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng và nhà ở tại những khu vực nguy hiểm, cũng như góp phần làm khí hậu ấm lên.