Theo nghiên cứu của các nhà khoa học cho biết, vào khoảng thời gian đầu tháng 1, một hiện tượng thiên văn đáng chú ý xảy ra đó là Trái Đất gần Mặt Trời nhất.
Do đó, nhiều quốc gia đón chào năm mới trong những ngày đầu tháng 1 có vẻ như là tuân theo một quy luật rất tự nhiên.
Tuy nhiên, không phải quốc gia hay bất cứ nền văn hóa nào đều chào đón năm mới vào ngày 1/1.
Những cư dân sống trong nền văn minh cổ đại Lưỡng Hà thường tổ chức lễ hội chào đón năm mới kéo dài 12 ngày vào dịp Xuân phân, trong khi những người Hy Lạp cổ đại thường tổ chức vào dịp đông chí, tức là vào khoảng ngày 20/12.
Theo một bài báo năm 1940 trên tạp chí Proceedings của Hội Triết học Mỹ, các nhà sử học chỉ ra rằng, người Ai Cập xưa kia cũng thường đón năm mới vào ngày 20/7, dưới ánh nắng Mặt Trời rực rỡ.
Ai Cập cổ đại thường đón năm mới vào ngày 20/7.
Trong thời kỳ La Mã, lịch bắt đầu được sử dụng chính thức. Sau đó, vào năm 46 TCN, Julius Caesar- vị hoàng đế đầu tiên và được coi là vĩ đại bậc nhất trong lịch sử La Mã cổ đại, đã quyết định sử dụng rộng rãi lịch Julian. Trong đó, quy định rõ ngày chào đón năm mới chính là ngày 1 tháng 1.
Nhưng ngay cả Julius Caesar đại đế cũng không thể chuẩn hóa được ngày lễ đặc biệt này. Lễ kỷ niệm năm mới tiếp tục bị xê dịch trong lịch do sự sắp xếp không cố định của những tháng nhuận, thậm chí còn trùng vào ngày lễ ngày Giáng sinh ở một số thời điểm.
Lịch Julius bắt đầu được sử dụng rộng rãi ở La Mã dưới thời kỳ trị vì của Hoàng đế Julius Caesar tài ba.
Nhìn chung, lịch Julius đã được sử dụng ở châu Âu từ thời kỳ Đế chế La Mã cho đến tận năm 1582, khi Giáo hoàng Gregorius XIII công bố lịch Gregorius, loại lịch mới có độ chính xác cao hơn này nhanh chóng được các quốc gia Công giáo chấp thuận.
Ngày nay, ngày 1 tháng 1 gần như đã được công nhận như là thời điểm đánh dấu sự khởi đầu của năm mới ở rất nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, có một vài quốc gia đặc biệt như Afghanistan, Ethiopia, Iran, Nepal và Saudi Arabia đón năm mới dựa trên loại lịch riêng biệt trong văn hóa của họ.
Bên cạnh đó, các tôn giáo khác nhau cũng đón mừng năm mới của họ vào những thời điểm khác nhau. Trong lịch Do Thái, lễ hội năm mới có tên là Rosh Hashanah, thường được tổ chức vào khoảng tháng 9 và tháng 10 âm lịch.
Lịch Hồi Giáo về đón chào năm mới cũng tuân theo quy luật chuyển động của Mặt Trăng (tức là âm lịch). Do đó, thời gian năm mới cũng có thể bị xô lệch đáng kể.
Hình ảnh ông đồ viết chữ quen thuộc trong mỗi dịp tết đến của người Việt.
Một số quốc gia châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore… cũng ăn mừng năm mới vào dịp tết âm. Đây được coi là kỳ nghỉ lễ quan trọng nhất trong năm, là thời điểm cả gia đình sum họp, đoàn viên và cầu chúc những điều tốt đẹp nhất trong năm mới.
Ngày 1/1 ở những quốc gia này gọi là Tết dương. Đây không phải là kỳ nghỉ lễ tết truyền thống. Tết cổ truyền không cố định vào một ngày nhất định, mà sẽ theo lịch của từng năm cụ thể. Thông thường, kỳ nghỉ lễ đặc biệt này thường diễn ra vào cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2.
(Nguồn: Livescience)