Ảnh: Cắt từ video trong bài
Cá ngừ đại dương là một loài cá có nhiều giá trị dinh dưỡng và được yêu thích bậc nhất ở Nhật Bản nói riêng và nhiều quốc gia khác nói chung. Chúng phân bố chủ yếu ở các vùng biển nhiệt đới, cận nhiệt đới và các đại dương.
Một số loài cá ngừ. Ảnh: Gymborg
Cá ngừ có tập tính sống thành bầy đàn lớn và sống gần với mặt nước biển cũng như tập tính di cư để sinh sản và tìm kiếm thức ăn nên các ngư dân thường lợi dụng tập tính này để tổ chức các cuộc săn bắt lớn.
Bên cạnh việc thả lưới thì câu cá ngừ trên biển cũng là một hình thức bắt cá đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả, chỉ cần thả câu và kéo lên thôi là đã có thể bắt được những con cá ngừ 'khủng' rồi. Hơn nữa hành động này lặp đi lặp lại một cách liên tục, không ngừng nghỉ.
Xem video clip động vật:
Câu cá ngừ trên biển
Làm thế nào người câu có thể bắt cá ngừ 'siêu tốc' như vậy?
Nếu xem đoạn phim trên, chắc hẳn bạn sẽ phải thắc mắc làm thế nào mà những người câu cá ngừ có thể câu được cá một cách nhanh chóng như vậy mà không cần mắc mồi câu vào lưỡi cũng như phải tháo cá ngừ ra khỏi móc khi kéo lên.
Thực tế có rất nhiều cách để bắt cá ngừ (xem ảnh dưới), trong đó:
Cách 1 có tên Longline Fishing (Bắt cá ngừ bằng 1 dây dài có phao nổi), cách 2 là Surface Troll (dùng 1 cần câu với nhiều dây câu), cách 3 có tên Pole and Line (cách chúng ta sẽ xét trong bài viết này) và cuối cùng là Purse Seine Fishing.
Các cách câu cá ngừ phổ biến nhất. Ảnh: Thành Luân
Bắt cá ngừ bằng kỹ thuật Pole and Line (Cần và dây câu)
Đây là kỹ thuật khá giống với cách câu cá thông thường với cần (dài từ 2 đến 3 m) và dây có buộc lưỡi câu, tuy nhiên điểm khác biệt lại nằm ở phần lưỡi câu này. Trái với lưỡi câu thông thường thì lưỡi câu cá ngừ không có ngạnh (barbless hook).
Do đó những người câu cá có thể móc và thả cá bắt được ra một cách nhanh chóng mà người câu không cần tốn công hay thời gian gỡ câu. Tuy đây là cách bắt khá thủ công và cần phải có rất nhiều người tham gia nhưng lại thường được sử dụng để bắt cá ngừ.
Lưỡi câu cá ngừ không có ngạnh. Ảnh: Thành Luân
Ngoài ra, thay vì mắc mồi vào lưỡi như cách thông thường mà chúng ta vẫn dùng để câu cá thì trên thuyền sẽ có một vài người đảm nhận vai trò ném mồi câu (thường là mực tươi cấp đông, cá nục và cá thu).
Khi xác định được tọa độ đàn cá, thức ăn sẽ được rải 2 bên mạn thuyền để thu hút đàn cá bên dưới, như vậy người câu cá sẽ không cần phải tốn thời gian ở bước móc mồi câu nữa (bước này được gọi là chumming - dụ mồi).