Tại sao Nga tấn công IS bằng tên lửa hành trình?

THÙY LINH ( Lược dịch) |

Các tàu chiến của Hải quân Nga ở phía đông Địa Trung Hải đã giáng một đòn tấn công mạnh mẽ bằng tên lửa hành trình Kalibr vào các căn cứ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria hồi cuối tuần trước. Trong bài phân tích mới đây trên RIA Novosti, bình luận viên Alexander Khrolenko đã lý giải tại sao Hải quân Nga cần phải tấn công IS bằng tên hành trình.

Ngày 23-6 vừa qua, dưới sự hỗ trợ của phi đội máy bay ném bom của Lực lượng Không quân-Vũ trụ, 2 tàu chiến Đô đốc Essen và Đô đốc Grigorovich cùng tàu ngầm Krasnodar của Nga ở khu vực phía đông Địa Trung Hải đã phóng 6 quả tên lửa hành trình Kalibr vào các trung tâm chỉ huy và kho chứa vũ khí của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở gần thị trấn Akerbat, tỉnh Hama, Syria.

Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh, tàu ngầm Krasnodar đã phóng tên lửa từ dưới nước. Nga đã kịp thời thông báo cho các chỉ huy của Israel và Thổ Nhĩ Kỳ về vụ phóng tên lửa hành trình thông qua các kênh thông tin liên lạc.

Cuộc tấn công tên lửa bất ngờ này đã phá hủy được nhiều trụ sở chỉ huy cùng một lượng lớn vũ khí và đạn dược của IS. Ngay sau đó, các máy bay của Nga đã tiến hành nhiều cuộc không kích để tiêu diệt các tay súng và cơ sở của IS còn sót lại.

Tại sao Nga tấn công IS bằng tên lửa hành trình? - Ảnh 1.

Tại sao Nga tấn công IS bằng tên lửa hành trình? - Ảnh 2.

Hình ảnh Hải quân Nga phóng tên lửa hành trình Kalibr vào các căn cứ của IS tại Syria.

Bình luận viên Alexander Khrolenko nhận định, có ý kiến cho rằng, việc Nga sử dụng tên lửa hành trình Kalibr nhằm vào các cứ điểm của IS tại Syria là không cần thiết, bởi vì Kalibr được thiết kế dành cho các hoạt động tác chiến công nghệ cao hơn.

Kalibr có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách 2.600km, vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa (PRO) và hệ thống phòng không (PVO) hiện đại.

Vậy câu hỏi được đặt ra là tại sao Nga phải sử dụng tên lửa hành trình để đối phó với các chiến binh thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng được trang bị súng trường và hệ thống tên lửa phòng không di động? Tất nhiên, điều quan trọng là tên lửa hành trình Kalibr có thể đảm bảo việc tiêu diệt đối thủ, nhưng còn có một vấn đề phức tạp hơn nhiều.

Theo kết quả giám sát suốt ngày đêm, Nga nhận thấy cần phải giáng đòn tấn công bằng tên lửa hành trình vào các cứ điểm của IS tại tỉnh Hama. Đây là một bước đi chiến thuật được tính toán không chỉ nhằm vào các chiến binh IS đang hiện diện tại Syria, bình luận viên Alexander Khrolenko khẳng định.

Tại Địa Trung Hải, màn tấn công bằng tên lửa hành trình Kalibr vào các căn cứ của IS tại Syria không chỉ phô diễn khả năng chiến đấu của Hải quân Nga, mà còn chứng minh rằng, Quân đội Nga đã có những nỗ lực đáng kể trong việc tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố quốc tế một cách có hiệu quả.

Chuyên gia Khrolenko lưu ý rằng, việc Nga tung các loại vũ khí tiên tiến đến Syria, bao gồm cả tên lửa hành trình Kalibr, là nhằm răn đe và ngăn chặn Mỹ cũng như các đồng minh không có những hành động thái quá trên lãnh thổ Syria.

Sau khi máy bay chiến đấu F/ A-18E Super Hornet của Mỹ bắn hạ máy bay chiến đấu Su-22 của quân đội Syria ở Raqqa ngày 18-6 vừa qua, Nga đã ngừng hợp tác Mỹ trong khuôn khổ Bản ghi nhớ về an toàn bay trên bầu trời Syria.

Bộ Quốc phòng Nga cũng đã đưa ra cảnh báo rằng, bất cứ máy bay nào của liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu bị phát hiện ở vùng phía tây sông Eurphrates (Syria) sẽ trở thành mục tiêu của hệ thống phòng không Nga.

Sau lời cảnh báo của Bộ Quốc phòng Nga về việc sẽ giám sát mọi mục tiêu trên không ở Syria, liên quân quốc tế đã ngừng các chuyến bay đến phía tây sông Euphrates, ngoại trừ Raqqa.

Tướng về hưu Kevin Ryan, chuyên gia của Trung tâm Belfer thuộc Đại học Harvard, cựu tùy viên quân sự của Đại sứ quán Mỹ tại Moscow nhấn mạnh rằng, hành động cảnh cáo bằng tên lửa hành trình Kalibr của Bộ Quốc phòng Nga không chỉ là mối đe dọa trực tiếp mà còn hoàn toàn có khả năng xảy ra.

Ông Kevin Ryan nói: "Nga đã cảnh báo rằng kể từ thời điểm máy bay Mỹ bắn hạ tiêm kích Su-22 của Syria gần Raqqa, bất kỳ máy bay hay vật thể bay nào của liên quân đều là mục tiêu quân sự và sẽ bị các máy bay chiến đấu Nga giám sát.

Giờ đây, Không quân Mỹ buộc phải xem xét lại hoạt động của mình vì không thể hành động trong khi các chuyến bay đều bị Nga giám sát chặt chẽ". Mỹ và các đồng minh rất lo ngại về việc Lực lượng vũ trang Nga đang tăng cường quyền hạn của lực lượng quân sự cấp thấp ở Syria.

Điều đó có nghĩa là, hiện nay chỉ huy quân đội Nga ở Syria có quyền quyết định thay cho Tổng chỉ huy.

Bất kỳ cuộc đối đầu nào giữa Mỹ và Nga đều chỉ có lợi cho nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Sự hiện diện của Nga ở Syria là hợp pháp, trong khi sự can thiệp của liên quân do Mỹ đứng đầu không có sự chấp thuận của chính phủ ở Damascus.

Nếu Mỹ muốn chia cắt Syria, thì các thiết bị quân sự hiện đại của Nga sẽ bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của nước này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại