1. Giải đấu phù hợp với đẳng cấp
Giải VĐQG Thái Lan – Thai League 1 được đánh giá là giải đấu chất lượng nhất Đông Nam Á thời điểm hiện tại. Thế nhưng, đây vẫn không phải môi trường quá khó khăn Đặng Văn Lâm có thể thích ứng. Việt Nam hay Thái Lan đều có những nét tương đồng từ văn hoá đến khí hậu, đồ ăn.
Bên cạnh đó, một giải đấu có tính chuyên nghiệp cao hơn lại càng hợp với Văn Lâm, người được biết đến như một trong những cầu thủ chăm chỉ, chuyên nghiệp nhất Việt Nam lúc này.
Sau những màn trình diễn xuất sắc tại V.League, AFF Cup, cùng thể hình tốt so với người Đông Nam Á, Văn Lâm được cho sẽ không khó để hoà nhập với môi trường bóng đá Thái Lan.
Đặng Văn Lâm được kỳ vọng sẽ thi đấu thành công ở nước ngoài, cụ thể là Thái Lan. Ảnh: Hiếu Lương.
2. Sự cạnh tranh ở CLB
Đang ở vị thế là thủ môn hàng đầu khu vực, Văn Lâm có cơ hội để bắt chính nếu duy trì phong độ tốt. Sự cạnh tranh ở Muangthong United sẽ không quá gắt gao như những gì mà Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường hay Công Vinh từng phải đối mặt trước đây. Những cầu thủ này đều sang những nền bóng đá phát triển hơn nhiều lần Đông Nam Á như Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Không những vậy, Muangthong United còn được xếp vào hàng top 2 đội mạnh nhất Thai League. Việc anh được CLB ký hợp đồng cho thấy tài năng của Văn Lâm đã được thừa nhận. Không phải ngẫu nhiên, một đội bóng Thái Lan lại ký hợp đồng với một thủ môn ở Đông Nam Á. Văn Lâm cũng được coi là sự thay thế trực tiếp cho Kawin Thamsatchanan, người gác đền số 1 của Muangthong United trước đây và đội tuyển Thái Lan.
Đặng Văn Lâm đang là thủ môn xuất sắc hàng đầu ở Đông Nam Á cùng với Kawin Thamsatchanan (Thái Lan), Hassan Sunny (Singapore). Ảnh: Hiếu Lương.
3. Vốn ngoại ngữ và sự thích ứng ở đất nước mới
Văn Lâm có thể nói tốt 3 ngôn ngữ là tiếng Anh, tiếng Nga và Việt Nam. Trong đó, vốn tiếng Anh của anh có thể coi là tốt nhất trong giới cầu thủ Việt Nam lúc này. Chính ưu thế này sẽ giúp Văn Lâm có thể hoà nhập nhanh hơn với một môi trường bóng đá mới. Dĩ nhiên, trau dồi thêm một chút tiếng Thái có lẽ cũng nằm trong kế hoạch của anh.
Ở một khía cạnh khác, việc Văn Lâm rời Nga về Việt Nam theo đuổi sự nghiệp quần đùi áo số cũng giúp anh có nhiều kinh nghiệm khi phải thay đổi môi trường từ nước này sang nước khác. Ở tuổi 25, Văn Lâm đã có cho mình nhiều kinh nghiệm hơn, hiểu cách ứng xử ở xã hội Đông Nam Á hơn so với ngày đầu về Việt Nam.
Những lần cầu thủ Việt Nam từng ra nước ngoài thi đấu:
1. Lê Huỳnh Đức (2001): Công an TPHCM sang CLB Chongquin Lifan (Trung Quốc)
2. Lương Trung Tuấn (2003): HAGL sang Cảng Thái Lan
3. Lê Công Vinh (2009): Hà Nội FC sang Leixoes (Bồ Đào Nha)
4. Lê Công Vinh (2013): Hà Nội FC sang Consadole Sapporo (Nhật Bản)
5. Nguyễn Tuấn Anh (2016): HAGL sang Yokohama FC (Nhật Bản)
6. Nguyễn Công Phượng (2016): HAGL sang Mito Hollyhock (Nhật Bản)
7. Lương Xuân Trường (2016): HAGL sang Incheon United (Hàn Quốc)
8. Lương Xuân Trường (2017): Incheon United sang Gangwon FC (Hàn Quốc)
9. Nguyễn Hữu Khôi (2018): Nam Định sang Siheung City (Hàn Quốc)