Ở nước ngoài, hệ thống Perimeter được biết đến là “Bàn tay chết chóc”. Tổ hợp của Nga có tên gọi như vậy bởi nó là hệ thống tự động hóa và cho phép đảm bảo đưa mệnh lệnh chiến đấu đến tất cả các cấp độ chỉ huy được trang bị vũ khí hạt nhân. Điều đó cho phép phóng tên lửa thậm chí khi không có liên lạc, tức là đáp trả ngay lập tức đòn đánh của kẻ thù.
Tổ hợp bắt đầu được chế tạo từ thời Chiến tranh Lạnh, khi Mỹ nhiều lần đe dọa giáng đòn hạt nhân vào Liên Xô. Một trong những người nghiên cứu chế tạo hệ thống này, ông Vladimir Yarynich, khi trả lời phỏng vấn tạp chí Wired, đã giải thích rằng trước khi phóng đòn giáng trả, Perimeter sẽ kiểm tra yếu tố sử dụng tên lửa hạt nhân trên lãnh thổ đất nước và có liên lạc với Bộ Tổng tham mưu.
Có rất ít thông tin về Perimeter vì dự án có mức độ bí mật nhất định. Tuy nhiên, có thông tin rằng rất khó để có thể tiêu diệt, ngắt hoạt động hay vô hiệu hóa tổ hợp này, bởi nó được chế tạo để hoạt động chính trong những tình huống khẩn cấp.
Victor Baranets, phóng viên và là đại tá về hưu, trong một bài báo của mình đã thông báo rằng, nếu vì một lý do nào đó các hệ thống chống tên lửa của Nga không thể bắn hạ được mọi quả đạn mà kẻ thù phóng ra, tín hiệu sẽ được gửi về Trung tâm điều khiển phòng thủ đất nước. Thông tin được khẩn cấp chuyển tới Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng thống Nga, người sẽ ấn nút phóng trả tên lửa. Perimeter khi đó sẽ theo dõi toàn bộ tình hình và hoạt động song song.
Tên lửa siêu thanh mới của Mỹ.
Nhà báo Alecxandr Khrolenco trong bài báo của mình mô tả chi tiết hoạt động của tổ hợp này: khi phát hiện có dấu hiệu của đòn đánh hạt nhân, Perimeter sẽ gửi yêu cầu về Bộ Tổng tham mưu. Nhận được câu trả lời xác định, hệ thống sẽ trở lại trạng thái phân tích tình hình.
Nếu việc liên lạc với Bộ Tổng tham mưu không được thiết lập (loại trừ lỗi kỹ thuật về nguyên tắc) Perimeter sẽ tự động kích hoạt hệ thống điều khiển tên lửa chiến lược đánh trả. Điều đó dẫn đến việc đạn hạt nhân từ tàu ngầm, boong-ke và các địa điểm căn cứ khác sẽ được phóng về hướng kẻ xâm lược, đến nơi mà đòn đánh được phát ra.
Nếu như Kremlin bị trúng đòn và người đứng đầu đất nước hay những người có trọng trách khác không thể bật thiết bị hạt nhân bằng tay, Perimeter sẽ vào cuộc. Nó sẽ kiểm tra yếu tố đòn hạt nhân và có liên lạc với Bộ Tổng tham mưu.
Khi không có liên lạc, hệ thống sẽ chuyển quyền phóng tên lửa cho một người bất kỳ đang có mặt trong boong-ke. Nếu liên lạc với Bộ Tổng tham mưu hoạt động bình thường, sau 15 phút tổ hợp sẽ tự ngắt mạch, bởi những nhân vật đứng đầu đất nước có khả năng tự ra lệnh.
Perimeter có nhiều khả năng khác nhau, nhưng nguyên tắc chính của hệ thống là khả năng giáng đòn trả đũa của nó, thậm chí nếu các trung tâm chỉ huy đều bị tiêu diệt. Cách giải quyết này sẽ đập tan ý tưởng đánh đòn hạt nhân phủ đầu, khi một trong các bên hy vọng bằng đòn tấn công chớp nhoáng sẽ biến đối phương thành tro tàn phóng xạ. Câu trả lời sẽ có ngay lập tức.