Tại sao Mỹ cần học kinh nghiệm phòng chống tên lửa của Israel để đối phó Triều Tiên?

Trung Phạm |

Israel là nước đi tiên phong về khả năng phòng chống tên lửa với kinh nghiệm hơn một thập kỷ đánh chặn tên lửa từ phiến quân Hamas ở Gaza và Hezbollah ở Lebanon.

Các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên một lần nữa lại thu hút chú ý của cộng đồng quốc tế. Trong khi đó, cách thức Mỹ và các quốc gia đồng minh đối phó với mối đe dọa từ Bình Nhưỡng vẫn còn nhiều tranh cãi.

Trong bối cảnh này, theo Phó giáo sư Michael J. Armstrong, Đại học Brock (Canada) thì những kinh nghiệm thực tiễn đối phó với các vụ tấn công tên lửa của Israel sẽ là những bài học hữu ích mà Mỹ và đồng minh cần nghiên cứu áp dụng.

Do những đặc thù lịch sử và địa lý, Israel là nước đi tiên phong về khả năng phòng chống tên lửa. Họ đã có kinh nghiệm hơn 1 thập kỷ đánh chặn tên lửa từ phiến quân Hamas ở Gaza và Hezbollah ở Lebanon. Israel chưa hề quên các đợt tấn công bằng tên lửa Scud của Iraq năm 1991. Họ cũng vẫn còn phải lo ngại về các cuộc tấn công tương lai có thể xảy ra từ Syria và Iran.

Vậy những bài học này là gì? Đâu là những ưu điểm và hạn chế?

Phong tỏa

Một cách hữu hiệu để phòng chống tên lửa là ngăn chặn các quốc gia thù địch có được nó. Cấm vận thương mại và phong tỏa quân sự có thể hỗ trợ cho cách thức này.

Vì lý do trên, Israel đã giới hạn giao dịch thương mại vào Gaza. Tất nhiên, Hamas vẫn đáp trả bằng cách buôn lậu tên lửa dưới nhiều hình thức vận chuyển khác. Lực lượng này cũng vượt qua các hình thức phong tỏa bằng cách tự sản xuất tên lửa Qassam tại chỗ.

Triều Tiên là một trường hợp tương tự. Các lệnh trừng phạt quốc tế áp đặt với Triều Tiên đạt được rất ít thành công trong khi Bình Nhưỡng cũng xem việc phát triển vũ khí nội địa là một ưu tiên quốc gia.

Răn đe

Mỹ cố gắng kiềm chế việc sử dụng tên lửa bằng cách đe dọa trả đũa. Nhưng sự thành công còn phụ thuộc vào mục đích của phía lãnh đạo đối lập. Một số không ngần ngại hoặc thậm chí sẵn sàng chấp nhận bị trả đũa.

Israel đã răn đe Hezbollah phóng tên lửa từ 11 năm nay nhưng Hamas thì vẫn tiếp tục khiêu khích.

Với Triều Tiên, răn đe là giải pháp đương nhiên, cũng giống như thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Đó có thể là những gì Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn truyền tải qua những ngôn từ cứng rắn như phải hứng chịu "hỏa lực và sự giận giữ" chưa từng có. Nhưng nếu Triều Tiên có ý định sử dụng vũ khí hạt nhân, họ sẽ phải đón nhận sự đáp trả khủng khiếp từ Mỹ.

Tại sao Mỹ cần học kinh nghiệm phòng chống tên lửa của Israel để đối phó Triều Tiên? - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa Triều Tiên sẽ phải hứng chịu "hỏa lực và giận giữa" chưa từng thấy nếu không chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân. Ảnh: Business Insider

Tấn công phủ đầu

Giải pháp quân sự trực tiếp để phòng chống tên lửa là tấn công phá hủy chúng ngay từ khi chúng còn ở dưới mặt đất. Cách thức này được thực hiện trên giả thuyết là có thể định vị được các tên lửa và tấn công hiệu quả. Tuy nhiên, nó thường kéo theo thiệt hại đối với người dân và phản ứng ngoại giao của các quốc gia khác.

Vì lý do đó, Israel đã tiến hành các chiến dịch không kích bí mật, có lựa chọn nhằm vào những chuyến hàng vận chuyển tên lửa của Hezbollah. Họ cũng phá hủy khối lượng lớn tên lửa trong các chiến dịch chống Hamas.

Một thách thức nảy sinh với biện pháp này là số lượng tên lửa lớn. Israel đã phá hủy hàng nghìn chiếc nhưng vẫn còn tồn tại hàng nghìn chiếc nữa. Mặt khác, tên lửa có thể được cất giấu ở những địa điểm dân sự như trường học. Thiệt khai khi đó là không thể tránh khỏi.

Các lựa chọn quân sự của Tổng thống Donald Trump với Bình Nhưỡng có thể bao gồm cả các cuộc tấn công phủ đầu. Triều Tiên có khoảng 60 đầu đạn hạt nhân nhưng Mỹ không muốn đánh trượt, dù chỉ một đầu đạn.

Cái khó của biện pháp này là xác định được vị trí của những đầu đạn ở một đất nước vốn giữ bí mật cao. Hơn nữa, chúng còn có thể được cất giữ rất tốt.

Đánh chặn

Khi tên lửa được phóng đi, các hệ thống phòng thủ có thể đánh chặn chúng. Tuy nhiên, đây cũng là một khó khăn không nhỏ.

Israel đã phát triển một số hệ thống đánh chặn. Iron Dome đánh chặn tên lửa tầm ngắn, David’s Sling xử lý tên lửa tầm trung và Arrow hướng mục tiêu vào các tên lửa tầm xa.

Theo tuyên bố của Israel, Arrow đã thực hiện vụ đánh chặn đầu tiên trong năm nay. Còn Iron Dome đã tiến hành hàng trăm vụ đánh chặn từ 2011 mặc dù tính hiệu quả thực tế vẫn còn gây tranh cãi.

Mỹ cũng có một số hệ thống đánh chặn tên lửa: Hệ thống tầm trung đặt trên mặt đất, hệ thống phòng thử tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), hệ thống tên lửa đạn đạo Aegis (tiêu chuẩn) và Patriot.

Patriot có chút ít kinh nghiệm tác chiến còn các hệ thống khác thì không. Tính hiệu quả trong việc chống lại tên lửa của Triều Tiên như thế nào hiện vẫn còn chưa chắc chắn.

Thậm chí, các hệ thống đánh chặn tên lửa tốt chưa hẳn đã hoàn hảo. Iron Dome không thể đánh chặn mọi tên lửa và đôi khi còn đánh trượt. Mỹ có thể chỉ phải đối diện với số ít đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên nhưng đánh trượt dù chỉ một chiếc cũng có thể là thảm họa.

Tại sao Mỹ cần học kinh nghiệm phòng chống tên lửa của Israel để đối phó Triều Tiên? - Ảnh 2.

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ. Ảnh: National Interest

Đối phó với khả năng tự vệ

Có nhiều cách để bên tấn công tránh được đòn đánh chặn. Đơn giả nhất là làm cho hệ thống đánh chặn bị quá tải bằng cách cùng lúc phóng nhiều tên lửa. Hamas không thể thực hiện như vậy với Iron Dome nhưng Hezbollah có đủ giàn phóng để làm điều đó.

Triều Tiên có thể có quá ít tên lửa hạt nhân để làm cho các hệ thống của Mỹ quá tải nhưng họ có thể thành công với các tên lửa truyền thống số lượng lớn.

Phía tấn công cũng có thể cố gắng lừa hệ thống đánh chặn bám theo các tên lửa không gây ra mối đe dọa hoặc bỏ lọt những tên lửa gây đe dọa. Trường hợp thứ nhất, sẽ gây lãng phí cho hệ thống đánh chặn, còn trường hợp thứ hai lại để lọt mất tên lửa đang tấn công.

Các giải pháp khác có thể được tính tới là gây nhiễu, đánh lừa hoặc di chuyển đầu đạn. Biện pháp này có thể không đáng ngại với các tên lửa nhằm vào Israel. Tuy nhiên, Triều Tiên có thể phát triển các tên lửa ngụy trang mang theo đầu đạn.

Triều Tiên sẽ không lãng phí đầu đạn hạt nhân nhằm vào các hệ thống đánh chặn nhưng có thể bắn tên lửa thông thường tiêu diệt các hệ thống này.

Phòng thủ dân sự

Một quốc gia có thể giảm thiểu thương vong bằng cách chuẩn bị phương án phòng thủ dân sự, bao gồm các hệ thống cảnh báo, hầm trú bom và các đơn vị phản ứng khẩn cấp.

Hệ thống cảnh báo của Israel có tên gọi là Red Color. Các loa phát thanh, còi hú và ứng dụng điện thoại di động sẽ cảnh báo người dân về tên lửa đang tấn công. Israel đã xây dựng các hầm trú bê tông ở những vị trí như sân chơi và điểm dừng xe buýt cũng như ở các gia đình.

Tuy nhiên, lo ngại nảy sinh là những kẻ tấn công một ngày nào đó có thể sử dụng đầu đạn mang khí độc để xâm nhập vào các hầm trú ẩn này.

Để đối phó với Triều Tiên, Mỹ có thể khôi phục chương trình phòng vệ dân sự, bắt đầu từ Guam và Hawaii. Hệ thống cảnh báo nên được xem là một ưu tiên.

Các hầm thông thường hoặc hầm bê tông phần nào đó sẽ giúp đối phó với các đầu đạn thông thường. Nhiều hầm trú ẩn phức tạp hơn và mặt nạ phòng độc sẽ cần tới để chống lại khí độc thần kinh hoặc đầu đạn hạt nhân.

Tại sao Mỹ cần học kinh nghiệm phòng chống tên lửa của Israel để đối phó Triều Tiên? - Ảnh 3.

Điểm chờ xe buýt cũng có thể được Israel sử dụng làm hầm trú ẩn trong trường hợp bị tấn công tên lửa. Ảnh: AP

Phòng thủ nhiều lớp

Israel phòng thủ bằng tên lửa cách kết hợp nhiều hệ thống, làm cho điểm mạnh yếu của mỗi hệ thống được bổ trợ lẫn nhau. Cùng phối hợp, chúng có thể ngăn chặn được hàng nghìn thương vong và hàng triệu đô la thiệt hại.

Tất nhiên, để đạt được mục tiêu này, Israel đã phải chi nhiều tỷ đô la, trong đó có cả 3 tỷ USD viện trợ của Mỹ. Số này là quá nhiều để bảo vệ một lãnh thổ nhỏ chưa tới 9 triệu dân.

Vậy nên, chi phí để bảo vệ Mỹ và các đồng minh đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên có lẽ sẽ lớn hơn rất nhiều.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại