Tuy nhiên, không giống như các quốc gia khác, máy bay F-35 dành cho Israel có nhiều điểm khác biệt để phù hợp với yêu cầu tác chiến đặc biệt của lực lượng không quân hàng đầu khu vực Trung Đông này.
Mỹ bắt đầu cung cấp các đơn vị máy bay chiến đấu F-4E Phantom II đầu tiên cho Israel từ cuối những năm 1960. Tiếp đó là F-15C vào năm 1976 và F-16A Fighting Falcon trong những năm 1980.
Điểm đặc biệt tất cả máy bay chiến đấu Mỹ cung cấp đều được Israel nâng cấp và sửa đổi để phù hợp với điều kiện tác chiến thực tế với hậu tố “I” (Israel) ở sau tên gọi mỗi máy bay như F-15I, F-16I. Có thể nói, ngoài máy bay thế hệ thứ 5 F-22 Raptor Mỹ không xuất khẩu ra nước ngoài, Israel sở hữu lực lượng không quân có sức mạnh không thua kém gì Không quân Mỹ.
Israel đặt mua lô máy bay F-35 đầu tiên từ năm 2008. Hợp đồng này cho phép Tel aviv được sở hữu 25 máy bay thế hệ thứ 5 mới và tùy chọn mua thêm 25 chiếc cùng loại tùy theo nhu cầu.
Máy bay F-35I dành cho israel có nhiều điểm khác biệt về công nghệ và trang bị so với phiên bản F-35A Mỹ xuất khẩu.
Một điểm đặc biệt trong hợp đồng cung cấp F-35 cho Israel là giá thành mỗi máy bay lên tới 200 triệu USD. Mặc dù mức giá này được giảm sau đó, nhưng F-35 của Israel vẫn là dòng máy bay chiến đấu đắt đỏ nhất khu vực Cận Đông. Tới tháng 10-2014, Israel đã quyết định tăng số lượng máy bay F-35 đặt mua tăng lên 50 chiếc.
Không giống như máy bay F-35 cung cấp cho các quốc gia khác, Israel yêu cầu phía Mỹ cho phép nước này được tích hợp sâu công nghệ nội địa trên dòng máy bay thế hệ thứ 5 này. Tên mã của máy bay F-35 dành cho Israel là F-35I Adir (tạm dịch: Sức mạnh).
Tel aviv giải thích do các yêu cầu đặc biệt thời chiến, Israel cần máy bay chiến đấu có trang bị đặc biệt không chỉ về công nghệ, mà cả là khí tài mang theo.
Theo trang tin Defense Industry Daily, điểm khác biệt lớn nhất trên F-35I là hệ thống chỉ huy, điều khiển và trao đổi thông tin và tình báo (C4I) tích hợp. Ngoài khả năng hoạt động độc lập nhờ hệ thống điện tử và cảm biến trên khoang, F-35I có thể tích hợp với hệ thống chỉ huy và trao đổi thông tin hợp nhất với các đơn vị tác chiến khác để tăng hiểu quả tác chiến.
C4I có vai trò đặc biệt với Quân đội Israel khi phải đối phó với nhiều lực lượng sở hữu hàng nghìn đạn tên lửa có thể phóng vào lãnh thổ Israel bất kỳ lúc nào. Như vậy, F-35I làm một phần nhỏ trong hệ thống tác chiến hợp nhất có vai trò nhanh chóng phát hiện ra các vị trí phóng tên lửa của đối phương để tìm phương án tiêu diệt.
F-35I cũng được trang bị các loại vũ khí do Israel phát triển. Thay vì các dòng bom điều khiển JDAM, F-35I sử dụng bom hoán cải dẫn đường SPICE 1000. Hệ thống dẫn đường vệ tinh kết hợp quang-truyền hình giúp SPICE 1000 có tầm hoạt động tới 100km với sai số chỉ khoảng vài m. F-35I cũng sử dụng tên lửa Python-5 thay vì AIM-9X Sidewinder.
Việc trang bị vũ khí nội địa giúp Israel tự chủ nguồn vũ khí trong điều kiện chiến tranh kéo dài và hỗ trợ ngành quốc phòng nội địa.
Ngoài ra, để tăng tầm hoạt động, F-35I cũng được trang bị bình xăng ngoài giúp tăng phạm vi tác chiến thêm 36%. Theo đánh giá của Tạp chí Aviation Week & Space Technology, việc trang bị bình xăng ngoài làm giảm khả năng tàng hình của F-35I, nhưng vấn đề này có thể khắc phục bằng cách các bình xăng phụ chỉ được sử dụng khi F-35I bay tiếp cận mục tiêu.
Khi vào phạm vi chiến đấu, bình xăng phụ sẽ được vứt bỏ để đảm bảo ưu thế tàng hình của dòng máy bay thế hệ thứ 5 này.
Chiếc F-35I đầu tiên đã gia nhập Không quân Israel từ năm 2016 và chúng sẽ sẵn sàng chiến đấu từ tháng 10-2018. Nếu mọi việc diễn ra đúng kế hoạch, khoảng 2 không đoàn F-35 đủ biên chế và sẵn sàng hoạt động vào năm 2022.
Giới chức Tel aviv kỳ vọng, khi giá thành mỗi máy bay F-35 giảm xuống mốc 85 triệu USD, Israel sẽ có đủ khả năng đặt mua số lượng lớn để thay thế hoàn toàn hàng trăm máy bay F-15 và F-16 đang tới cuối vòng đời phục vụ.
Với F-35I, Israel sẽ tiếp tục giữ ưu thế trên không đối với các quốc gia trong khu vực.
Ngoài F-35I phát triển từ F-35A, Israel còn dự kiến mua thêm phiên bản F-35B có khả năng cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng.
Trong điều kiện toàn bộ lãnh thổ Israel đều nằm trong tầm tên lửa của các phe nhóm Hồi giáo cực đoan, bao gồm cả các căn cứ, sân bay quân sự, việc sử dụng F-35B cất cánh từ các địa điểm bí mật, đường cao tốc để tấn công đột kích là ý tưởng hay và khả thi.
Rõ ràng, F-35I đủ các tiêu chí để được coi là một biến thể F-35 đặc biệt so sản phẩm Mỹ xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Cũng giống như những chiếc F-15I Mỹ cung cấp cho Israel 40 năm trước, F-35I đang giúp Israel đảm bảo ưu thế không quân của mình trước các lực lượng đối địch trong khu vực với vai trò là quốc gia Trung Đông duy nhất sở hữu máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5.