Tại sao họ muốn tiêu diệt Premier League?

Nguyễn Đỉnh |

Họ là ai? Họ là FIFA. Họ là UEFA. Họ là Blatter và Platini. Họ là PSG và Bayern. Họ là thế giới bên ngoài Premier League…

Đối thủ độc quyền, Premier League phân quyền

Mùa giải 2016-17 sẽ là mùa bóng đầu tiên Premier League áp dụng gói bản quyền truyền hình mới (2016-2019), gói bản quyền sẽ giúp họ tiếp tục thống trị thế giới bóng đá.

Theo báo cáo của công ty tư vấn thể thao Oliver & Ohlbaum, Premier League sẽ kiếm được 3,04 tỷ euro tiền bản quyền truyền hình trong mùa bóng này, vượt xa La Liga (1,45 tỷ), Champions League (1,40 tỷ), Serie A (1,24 tỷ) và Bundesliga (1,16 tỷ).

Premier League cũng là giải đấu bóng đá duy nhất đủ sức cạnh tranh với các môn thể thao Mỹ về giá trị thương mại.

Trong mùa bóng 2016-17, giải Ngoại hạng chỉ kém giải bóng bầu dục nhà nghề Mỹ (NFL, 5,57 tỷ euro) và vượt qua giải bóng chày (MLB, 2,37 tỷ) cũng như giải bóng rổ (NBA, 2,24 tỷ).

Suốt từ năm 2000 đến nay, bản quyền truyền hình Premier League luôn duy trì mức tăng trưởng 15-20% hàng năm.

Họ không ngừng tăng trưởng là bởi quá hấp dẫn. Mùa bóng này, Premier League đón thêm hàng loạt cầu thủ ngôi sao, hàng loạt HLV ngôi sao và sức cạnh tranh lên đến đỉnh điểm khi có tới 3-4 đội cạnh tranh vô địch, 6-7 đội giành giật Top 4.

Lần đầu tiên sau chẵn 20 năm giải đấu của người Anh sở hữu cầu thủ đắt giá nhất thế giới.

Tại sao họ muốn tiêu diệt Premier League? - Ảnh 1.

Paul Pogba là cầu thủ đắt giá nhất hiện tại.

Nhìn sang bên cạnh, Bayern 90% sẽ vô địch Bundesliga. Juventus 90% sẽ vô địch Serie A. Paris St-Germain 90% sẽ lại đăng quang ở Ligue 1. La Liga vẫn là câu chuyện riêng của 2 đội bóng hoặc cùng lắm là 2 đội rưỡi.

Những Real, Barca, Bayern, PSG, Juve sẽ chơi những trận đấu nhạt nhẽo cho đến tháng Hai, khi Champions League bước vào knock-out và vì thế, giá trị giải quốc nội của họ không cao.

Ngoài việc chờ đợi thêm thu nhập từ Champions League, Super League là cách giải thoát duy nhất cho họ. Không phải ngẫu nhiên mà Bayern và PSG là những kẻ vận động mạnh mẽ nhất cho chiến dịch ly khai khỏi Champions League để lập giải đấu riêng.

Thành công vì chiều khán giả

Trong khi ấy, những gã khổng lồ Anh quốc càng ngày càng ít bận tâm đến Super League. Chỉ riêng Premier League đã đủ khiến họ giàu có.

Nghiên cứu chỉ ra rằng Champions League chỉ đóng góp khoảng 5-20% thu nhập cho mỗi đội tham dự. Riêng Manchester United là 7% nên họ vẫn sống khỏe mà không cần đến Champions League.

Tại sao họ muốn tiêu diệt Premier League? - Ảnh 2.

Man United không dự Champions League cũng chẳng ảnh hưởng nhiều tới thu nhập.

Sự giàu có của giải Ngoại hạng khiến thế giới bên ngoài không khỏi khó chịu. FIFA, UEFA và một loạt các CLB từng bày tỏ lo lắng về việc ngày càng nhiều CLB Anh sang tay các ông chủ ngoại.

Chủ tịch Rummenigge của Bayern đã hơn một lần chỉ trích các đội bóng Anh mua sắm vô độ mà không tuân theo Luật công bằng tài chính.

Năm 2008, khi Premier League thống trị sân chơi châu Âu thì chủ tịch FIFA Sepp Blatter ví von Cristiano Ronaldo với nô lệ để chỉ trích Man United.

UEFA đề ra Luật công bằng tài chính (FFP) để ngăn các đại gia Anh mua sắm... Nhưng không ăn thua, Premier League vẫn giàu và ngày một giàu hơn.

Những người như Rummenigge không hiểu rằng chính bản thân họ đang tự làm hại mình. Họ tiêu diệt các đối thủ bằng thế độc quyền và hưởng phần lớn lợi nhuận truyền hình. Họ hút máu của các đối thủ cạnh tranh. Hệ quả là họ gián tiếp giết mình.

Tại sao họ muốn tiêu diệt Premier League? - Ảnh 3.

Giải đấu của những Bayern, PSG, Real - Barca quá nhàm chán.

Không nhiều khán giả thích xem một giải đấu mà tên đội vô địch đã được xướng lên khi bóng còn chưa lăn. Ngược lại, họ khoái những giải đấu vẫn tồn tại những câu chuyện cổ tích kiểu Leicester.

Có thể người ngoài nhìn vào thì dè bỉu chất lượng của những CLB lớn nhưng điều quan trọng là khán giả, đặc biệt là khán giả ngoại quốc lại thích thú.

37% lợi nhuận truyền hình của Premier League đến từ bên ngoài châu Âu, trong khi Champions League, giải đấu quy tụ những cái tên nổi tiếng Real, Barca, Bayern chỉ cho tỷ lệ 30%.

Hãy học hỏi người Anh

Khán giả nước ngoài thích sự hào nhoáng của giải Ngoại hạng, mặc kệ Platini và Rummenigge ghét. Họ thích những ông chủ hào phóng, những HLV cởi mở, những ngôi sao hưởng lương ngất ngưởng... Và bởi thế họ chi tiền.

Trong giai đoạn 2010-2013, Premier League thu 1,44 tỷ bảng từ bán bản quyền truyền hình ra nước ngoài, cao gấp 4 lần La Liga, gấp 6 lần Serie A, gấp 14 lần Bundesliga.

Tại sao họ muốn tiêu diệt Premier League? - Ảnh 4.

SVĐ Premier League luôn chật cứng người xem.

Từ một giải đấu nhàm chán bị đe dọa bởi nạn hooligan, Premier League đã lột xác trở thành số 1 thế giới về mặt thương mại và giải trí.

Họ có lịch thi đấu rất hợp lý để phục vụ khán giả châu Á và Mỹ. Khán giả Đông Á có thể quây quần xem Ngoại hạng Anh vào buổi tối, trong khi khán giả Mỹ thức dậy, tắm táp và vừa ăn sáng vừa thưởng thức các trận đấu.

Thay vì chỉ trích Premier League mua sắm vô độ, chúng ta nên nhìn nhận theo cách tích cực hơn: Các đại gia Anh mua cầu thủ từ các đội bóng nhỏ nghĩa là các đội bóng nhỏ có tiền, rồi tiền lại chuyển qua túi đội khác và gián tiếp vực dậy cả nền bóng đá.

Một ví dụ: Man United mua Pogba từ Juventus, Juve dùng tiền ấy mua Higuain từ Napoli, Napoli lại đi mua cầu thủ của Empoli và Udinese... Serie A đang sống dậy sau nhiều năm tăm tối.

Một ví dụ khác: Man United mua Mkhitaryan từ Dortmund; Man City mua Gundogan từ Dortmund và Leroy Sane từ Schalke... Các đối thủ của Bayern Munich đã có tiền để cạnh tranh với Bayern Munich. Bundesliga sống dậy.

Khi họ chỉ trích và rắp tâm tiêu diệt Premier League, họ chỉ khiến Premier League mạnh mẽ hơn. Một giải đấu giàu cạnh tranh và vì khán giả sẽ không bao giờ chết!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại