Tại sao hai ông Trump - Putin lại cố giữ thế hòa trong ván bài ngoại giao Nga - Mỹ?

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Có thể thấy, hai bên đều "giơ cao đánh khẽ", nhún nhường nhau phía sau những lời tuyên bố và trừng phạt nặng nề.

Mỹ - Nga "ăn miếng trả miếng"

Muộn nhưng chưa đến nỗi quá muộn, Mỹ đã công bố hình thức đáp trả ngoại giao với Nga.

Trước đó, Nga yêu cầu Mỹ giảm 755 nhân viên ngoại giao, nhân viên kỹ thuật tại các cơ quan đại diện ngoại giao và lãnh sự, chấm dứt hoạt động 2 cơ sở của Mỹ ở Nga.

Trong lệnh phạt, Mỹ yêu cầu Nga trong thời gian 48 giờ chấm dứt hoạt động của Tổng Lãnh sự quán Nga ở San Francisco (Mỹ), một cơ sở hoạt động lãnh sự và một cơ sở đại diện thương mại khác.

"Ngang bằng về ngoại giao" là từ khoá Mỹ sử dụng để biện luận cho biện pháp này. Phía Nga cũng đã dùng tới nó khi quyết định trả đũa Mỹ về ngoại giao trước đấy.

Trong thế giới ngoại giao, khái niệm này được hiểu theo hai cách.

Cách hiểu thứ nhất đơn giản là có đi có lại. Bên này đối xử bên kia như thế nào thì bên kia cũng đối xử lại như thế như, ưu đãi và hạn chế lẫn nhau, như ăn miếng trả miếng.

Cách hiểu này lý giải vì sao sự đáp trả ngoại giao thường không thể tránh khỏi, trừ khi việc không đáp trả được chủ ý vì mục đích khác. Năm 2016, khi Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định trục xuất 35 nhà ngoại giao của Nga ở Mỹ và đóng cửa 2 cơ sở của Nga trên đất Mỹ, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã không tiến hành trả đũa theo tinh thần "ngang bằng về ngoại giao".

Tại sao hai ông Trump - Putin lại cố giữ thế hòa trong ván bài ngoại giao Nga - Mỹ? - Ảnh 1.

Tổng lãnh sự quán của Nga ở San Francisco (Ảnh: Reuters)

Ông Putin chấp nhận hành động của ông Obama, vì khi ấy đã bắt đầu chơi cuộc chơi với ông Donald Trump - người sẽ kế nhiệm ông Obama trên cương vị Tổng thống Mỹ. Không một nhà ngoại giao nào của Mỹ ở Nga bị trục xuất, không cơ sở nào của Mỹ trên lãnh thổ Nga bị đóng cửa.

Cứ theo cách trả đũa ngoại giao thông dụng thì lẽ ra sẽ có ngần ấy nhà ngoại giao Mỹ phải rời nước Nga và ngần ấy cơ sở của Mỹ trên lãnh thổ Nga bị đóng cửa.

Nga chỉ hành động sau khi quốc hội Mỹ thông qua luật siết chặt mức độ và mở rộng phạm vi trừng phạt Nga.

Cân bằng nhân sự

Cách hiểu thứ hai về "ngang bằng về ngoại giao" liên quan đến số lượng cơ quan đại diện ngoại giao và lãnh sự cũng như nhân viên ngoại giao và kỹ thuật của bên này ở bên kia.

Nước này có thể có 1 Đại sứ quán và nhiều Tổng Lãnh sự quán hoặc Lãnh sự quán. Khi thiết lập quan hệ ngoại giao và lãnh sự, hai bên thoả thuận về số lượng tổng lãnh sự quán hoặc lãnh sự quán và nhân viên ngoại giao, lãnh sự và kỹ thuật.

Sau khi Mỹ trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga năm 2016, Nga còn 455 nhân viên ngoại giao, lãnh sự và kỹ thuật ở Mỹ.

Vì thế, ông Putin yêu cầu Mỹ rút đi 755 nhân viên ngoại giao, lãnh sự và kỹ thuật để số lượng nhân lực làm việc cho các cơ quan đại diện ngoại giao và lãnh sự của Mỹ ở Nga còn đúng bằng số nhân lực của Nga ở Mỹ.

Hai cơ sở của Mỹ ở Nga bị yêu cầu đóng cửa để "ngang bằng" với việc Mỹ đã đóng cửa 2 cơ sở của Nga ở Mỹ.

Quyết định mới đây của Mỹ tạo ra "sự ngang bằng ngoại giao" về số lượng: mỗi bên giờ có 1 Đại sứ quán và 3 Lãnh sự quán. Phía Mỹ không yêu cầu những nhân viên ngoại giao, lãnh sự và kỹ thuật làm việc trong những cơ sở bị đóng cửa kia phải rời Mỹ mà để phía Nga tuỳ ý sử dụng họ để duy trì "sự ngang bằng" về nhân lực: bên nào cũng có 455.

Nếu Mỹ trục xuất những người này thì rồi sẽ có số lượng tương tự nhân viên ngoại giao, lãnh sự và kỹ thuật của Mỹ phải chấm dứt hoạt động ở Nga.

Động thái ngoại giao bất khả kháng

Mối bất hoà ngoại giao này giữa Mỹ và Nga vì thế không chỉ tiếp tục mà còn leo thang gay cấn và đối đầu quyết liệt. Nga đã phản ứng và chắc chắn không thể không trả đũa Mỹ.

Tại sao hai ông Trump - Putin lại cố giữ thế hòa trong ván bài ngoại giao Nga - Mỹ? - Ảnh 2.

Cuộc gặp mặt lịch sử của Tổng thống Trump và Putin tại hội nghị thượng đỉnh G20. Ảnh: CNN

Hai bên buộc phải hành động như vậy vì giữ thể diện, vì không làm thế sẽ bị coi là thất thế và yếu thế, cũng như bị coi là "cây không ngay nên mới chết đứng", tức là cả vì đối nội và đối ngoại mà không thể không trả đũa lẫn nhau, ăn miếng trả miếng nhau.

Nhưng ở cả hai phía đều thấy có tâm lý không muốn làm thế. Ông Putin đã kiềm chế trong thời gian không ngắn.

Biện pháp trả đũa của Nga trên danh nghĩa rất găng nhưng trong thực chất lại không nhằm tới tác động tối đa mà chỉ tối thiểu để không ảnh hưởng tới chủ ý tranh thủ và thiện chí với ông Trump.

Nga đã không trục xuất 35 nhà ngoại giao Mỹ như Mỹ đã làm với Nga mà để cho phía Mỹ tự quyết định chuyện giảm số nhân lực, để Mỹ có thể giảm từ diện nhân lực không phải công dân Mỹ.

Nga lại còn để cho Mỹ thời gian đến tận ngày 1.9 vừa qua. Hàm ý ở đây chỉ có thể là biện pháp ấy có thể được thay đổi nếu phía Mỹ thay đổi, như một đề nghị mời chào trong cái vỏ của một yêu cầu.

Phía Mỹ cũng có chút ý đấy trong quyết định vừa rồi. Mỹ đóng cửa cơ sở của Nga nhưng không trục xuất nhân lực của Nga. Ông Trump không có bất cứ tuyên bố hay thể hiện thái độ gì. Phía chính phủ Mỹ không thể không làm gì nhưng có ngầm ý ở đây là mong muốn - và tin rằng - phía Nga hiểu cho là trong thâm tâm không hề muốn.

Tại sao hai ông Trump - Putin lại cố giữ thế hòa trong ván bài ngoại giao Nga - Mỹ? - Ảnh 3.

Cho nên có thể trù liệu được là mức độ quyết liệt trong thực chất quyết định mới của Mỹ không như mức độ đối địch với Nga được thể hiện ra bên ngoài.

Vì cả hai phía hiện đều trong tình trạng khó xử giữa buộc phải làm và không muốn làm cũng như vẫn còn phải cùng chơi cuộc chơi này thêm một thời gian nữa, tác động của việc đảm bảo "sự ngang bằng ngoại giao" mà cả hai phía đều viện dẫn chủ yếu về chính trị và tâm lý.

Nó không làm cho mối quan hệ giữa hai nước bị đổ bể hoặc tổn hại đến mức không còn có thể cứu vãn được. Nó sẽ lại được dễ dàng khắc phục khi rồi đây hai bên có được cơ hội mới và điều kiện thuận lợi trong tương lai, có thể không gần nhưng chắc cũng sẽ không xa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại