Tại sao chúng ta phải yêu và sống như thời "ông bà anh"?

Bảo Nam |

Ca khúc "Ông bà anh" của Lê Thiện Hiếu đang gây bão trên mạng xã hội. Và từ đó, xuất hiện những lời lên án sự hiện đại của xã hội đã cướp đi vẻ bình yên thật sự của cuộc sống.

1. Tôi đã nghe "Ông bà anh" cả chục lần. Vừa nghe, vừa nhắm mắt tưởng tượng ra một bức tranh bình dị của ngày xưa – thời mà chúng ta chưa bị công nghệ chi phối, thời tình yêu bắt đầu từ cái nhìn trìu mến và được nuôi dưỡng một cách tự nhiên, trong trẻo.

Xã hội chúng ta rất lạ. Phàm cái gì gợi nhớ quá khứ rất dễ đi vào lòng người.

Sing My Song: "Ông bà anh" - Lê Thiện Hiếu

Chẳng riêng gì ca khúc "Ông bà anh" đánh thức hoài niệm. Cứ vào mỗi dịp lễ truyền thống gì đó của dân tộc, trên mạng sẽ tự khắc xuất hiện những bài viết theo mô típ so sánh giữa quá khứ và hiện tại.

Ví dụ: Trung thu xưa, với những chú chó làm từ bưởi, đèn ông sao, đèn kéo quân, những đứa trẻ chạy chơi dưới ánh trăng rằm, bao giờ cũng vui vẻ, đầm ấm hơn ngày hôm nay.

Tết xưa, với pháo đỏ, nồi bánh chưng, phong lì xì nhỏ mà ấm áp, được mang ra so sánh với Tết thời công nghệ, với những lời chúc xáo rỗng trên Facebook, những bức ảnh ưỡn ẹo ở vườn đào Hồ Tây.

Thế hệ trải qua những ngày xưa yêu dấu đó lại được dịp lên án công nghệ đã chi phối cuộc sống con người ra sao, tạo nên những trái tim thờ ơ, lạnh lùng, những kẻ sống ảo thế nào.

Tại sao chúng ta phải yêu và sống như thời ông bà anh? - Ảnh 2.

Bao giờ cho đến ngày xưa?

Họ kêu gào rên xiết đòi mua vé về tuổi thơ. Họ tự hỏi: Bao giờ cho tới ngày xưa – thời ông bà ta yêu nhau thời chưa có tivi. Ông bà anh yêu nhau thời chưa có iPhone… như lời bài hát của Lê Thiện Hiếu đang gây bão.

Họ nâng cao quan điểm: Nếu việc kết nối con người cứ thông qua màn hình điện thoại, máy tính thế này, liệu đến bao giờ những kết nối thật hoàn toàn bị lãng quên?

2. Tôi cũng lớn lên thời ông bà tôi không có tivi. Cả xóm chỉ có một cái tivi, mỗi dịp mưa gió trèo lên mái nhà chỉnh ăng ten toát mồ hôi mới nhìn thấy hình.

Tôi lớn lên thời cả xóm xúm lại xem Tây Du Ký, Bao Thanh Thiên. Thời ngồi trên phố Hàng Bồ bỏ ra 500 VNĐ thuê truyện đọc ngấu nghiến cả tiếng.

Nhưng tôi không cho rằng công nghệ đang điều khiển con người, và tôi cũng không muốn quay lại cái thời "không có tivi, không có Iphone" để yêu như ông bà ta làm gì.

Chúng ta phải mất rất nhiều năm để bắt kịp, dù chỉ là một phần rất nhỏ, sự tiến bộ của xã hội. Và cá nhân tôi cho rằng: Công nghệ do con người tạo ra để phục vụ con người, chứ công nghệ không tự biến con người thành nô lệ.

Ngày xưa, ông bà ta mất cả tháng trời mong ngóng để nhận hoặc gửi lá thư. Ngày nay, với công nghệ, quãng thời gian rút ngắn xuống chưa đầy 30 giây.

Ngày xưa mẹ tôi ở Đức, dăm tháng mới gửi được thư về nhà. Trong thư, mẹ khóc hết nước mắt vì không biết tôi dạo này gầy béo ra sao, sức khỏe thế nào.

Ngày nay, chỉ mất vài giây kết nối, khoảng cách vài nghìn km thu ngắn lại ngay trước mặt.

Tại sao chúng ta phải yêu và sống như thời ông bà anh? - Ảnh 3.

Có một thời, TV đen trắng cũng là cả gia tài lớn. Ảnh minh hoạ

Chúng ta đã nhận những tiện ích mà vài chục năm trước chẳng ai có thể hình dung ra. Liệu có đáng không khi chỉ vì một bộ phận thiểu số bị công nghệ chi phối mà chúng ta mong cuộc sống của vài chục năm trước quay lại?

Suy cho cùng, công nghệ tốt hay xấu do người sử dụng. Thay vì lên án người sáng lập ra Facebook đã tạo ra một thế giới ảo để nhiều người chìm đắm trong đó không thoát ra nổi, hãy lên án chính những con người thiếu sức đề kháng với sức hút của công nghệ.

Sống ảo không phải là một căn bệnh tất yếu của thời đại công nghệ, nó chỉ là một thói quen. Chúng ta có quyền chọn, hoặc không chọn thói quen đó.

Tình yêu thời ông bà ta giản dị, trong sáng. Đó là điều đáng quý. Nhưng cũng không vì thế mà lên án tình yêu của ngày hôm nay.

Cách yêu do tự chúng ta lựa chọn. Cá nhân tôi cho rằng bài hát của Hiếu chỉ nên được đánh giá cao ở khía cạnh cảm nhận cuộc sống, không thể coi là một lời lên án "tình yêu thời Facebook, Zalo" kém thú vị bằng ông bà ta ngày xưa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại